Câu chuyện về những dòng sông 'nhuộm đen' tại châu Á

Nghề nhuộm vải đang trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm của ngành công nghiệp thời trang toàn cầu, dẫn đến hệ quả là những dòng sông chuyển thành màu đen tại châu Á.

Anh Haji Muhammad Abdus Salam nhìn vào con sông nhuốm màu đen gần nhà. Ảnh: CNN

Anh Haji Muhammad Abdus Salam nhìn vào con sông nhuốm màu đen gần nhà. Ảnh: CNN

Khi Haji Muhammad Abdus Salam nhìn xuống con sông ngập rác gần nhà tại Dhaka, anh lại nhớ về thời gian trước khi nhà máy dệt may xuất hiện ở đây.

Kênh CNN (Mỹ) dẫn lời Abdus Salam chia sẻ: “Khi tôi còn trẻ, ở đây chẳng có nhà máy may mặc nào. Chúng tôi thường trồng cây và bắt cá. Không khí thật trong sạch”.

Nhưng nay con sông gần nhà Abdus Salam chuyển thành màu đen như mực. Anh nói rằng rác từ nhà máy dệt may gần đó với thuốc nhuộm vải đã gây ô nhiễm con sông. Abdus Salam chia sẻ: “Bây giờ không còn cá. Nước quá ô nhiễm khiến con cái và cháu chắt sẽ không còn trải nghiệm được như chúng tôi”.

Bởi người tiêu dùng thường yêu thích những màu sắc thịnh hành mới nhất, do vậy việc nhuộm vải được thực hiện triệt để.

Nước mưa chuyển màu gần một nhà máy nhuộm vải năm 2018. Ảnh: CNN

Thời trang chính là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nước bởi quy định chưa chặt chẽ tại những quốc gia như Bangladesh nơi nước thải thường đổ trực tiếp xuống sông, suối. Nước thải từ các nhà máy dệt may thường bao gồm hóa chất, kim loại nặng… không chỉ gây tổn thương môi trường và còn tác động đến nguồn nước uống.

Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi khí hậu Bangladesh cho biết nước này đang hướng tới “giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường từ ngành may mặc”. Bộ trưởng Shahab Uddin khẳng định nhiều biện pháp được áp dụng để xử lý ô nhiễm, bao gồm cập nhật luật môi trường và áp đặt hình phạt với đối tượng gây ô nhiễm, giám sát chất lượng nước, hình thành nhà máy xử lý tập trung và phối hợp cùng đối tác nước ngoài để cải thiện xử lý nước thải.

Lãnh đạo tổ chức phi chính phủ Agroho tại Dhaka - ông Ridwanul Haque đánh giá hóa chất độc hại là “vấn đề lớn tại một quốc gia như Bangladesh”. Ông Haque nói rằng các con sông và kênh rạch tại Dhaka đã chuyển thành màu đen do nước thải từ việc nhuộm vải và xử lý tại các nhà máy. Ông nhận thấy nước đen ngòm này “dày đặc như nhựa đường” và trong mùa Đông bạn còn có thể ngửi thấy mùi.

Cái giá của màu sắc

Nhân công tại nhà máy nhuộm vải ở Bangladesh. Ảnh: CNN

Theo Tổ chức Ellen MacArthur, ngành công nghiệp thời trang sử dụng đến 93 tỷ mét khối nước hàng năm, đủ để lấp đầy 37 triệu bể bơi Olympic. Trong đó, nhuộm vải là quá trình gây ô nhiễm và tiêu tốn năng lượng nhất.

Liên hợp quốc cho biết chỉ riêng việc sản xuất một cặp quần bò cũng cần đến 7.500 lít nước, từ công đoạn trồng cây bông cho đến khi hoàn thiện sản phẩm.

Để có được màu xanh, vải bò thường được nhúng nhiều lần trong thuốc nhuộm. Sau đó, vải bò được xử lý và giặt thêm với hóa chất để làm mềm. Ngoài ra, để tạo vải bò phai sẽ cần thêm công đoạn “tắm chất hóa học” với acid, enzyme và formaldehyde…

Nhưng không chỉ có vải bò gây ô nhiễm. Nhà môi trường học người Trung Quốc Ma Jun cho biết: “Mỗi mùa, chúng ta biết rằng ngành công nghiệp thời trang cần có thêm màu mới nổi bật. Và mỗi lần như vậy sẽ cần nhiều chất hóa học, thuốc nhuộm và chất xúc tác…".

Một khi hoàn thiện, cách đơn giản nhất để các nhà máy loại bỏ những chất hóa học không còn sử dụng được là đổ thẳng ra sông, hồ. Theo Ngân hàng Thế giới, có 72 chất hóa học độc hại phát sinh từ việc nhuộm vải. Một khi đổ ra sông, hồ, chúng đậm đặc đến mức áng sáng không thể xuyên qua, ngăn khả năng quang hợp của các loài cây thủy sinh. Mức oxy trong nước thấp còn khiến nhiều loại động vật và cây thủy sinh chết dần.

Cô Sarah Obse tại công ty PFI Hong Kong đánh giá một khi đã hòa vào nước nước thải, rất khó để loại bỏ các chất nhuộm vải.

Vải trước khi nhuộm tại một nhà máy ở Karachi, Pakistan. Ảnh: CNN

Nhà máy nhuộm vải tại Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: CNN

Ô nhiễm nước bắt nguồn từ công nghiệp may mặc vốn là vấn đề không nhỏ đối với những quốc gia tại châu Á có thế mạnh về lĩnh vực này.

Bangladesh hiện là trung tâm sản xuất may mặc lớn thế hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Riêng năm 2019, Bangladesh đã xuất khẩu số hàng may mặc trị giá 34 tỷ USD.

Nhà môi trường học người Trung Quốc Ma Jun cho biết cách đây một thập niên, nhiều sông, hồ tại Trung Quốc đã ô nhiễm đến mức được coi như đã chết.

Người lao động và người dân sống gần các nhà máy may mặc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ô nhiễm. Nhiều người dân còn không thể đánh bắt cá từ những con sông bị ô nhiễm.

Chất hóa học từ nhuộm vải gây tác động đến những công nhân làm việc trong nhà máy may mặc ở Bangladesh bởi họ không có thiết bị bảo hộ đầy đủ như găng tay và khẩu trang. Các chuyên gia tại Dhaka cho biết có nhiều nhà máy ở đây đạt tiêu chuẩn về quản lý và sử dụng hóa chất nhưng vẫn có nhiều đơn vị sản xuất nhỏ lẻ chưa thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động.

Thay đổi thái độ

Sông Jian tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) năm 2011 đổi thành màu đỏ do hóa chất nhuộm vải. Ảnh: AFP

Nhưng gần đây, đã có làn sóng đổi thay tại Bangladesh khi các nhà sản xuất đã có trách nhiệm hơn về môi trường. Họ còn tham gia các sáng kiến như Đối tác vì ngành dệt sạch hơn (PaCT), nhằm xử lý nước, năng lượng và hóa chất sử dụng.

Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi khí hậu Bangladesh còn khẳng định đã yêu cầu mọi cơ sở gây ô nhiễm phải lắp đặt thêm bộ phận xử lý nước thải. Một chính sách môi trường mới có tên Nước thải bằng không (ZLD) còn đề nghị các công ty nhuộm vải và giặt là phải “đệ trình kế hoạch để giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng nước thải”.

Những tấm vải nhuộm tại Pali, Ấn Độ. Ảnh: CNN

Những quốc gia khác cũng có bước đi tương tự. Trung Quốc còn đưa ra nhiều chính sách mới ngăn chặn gây ô nhiễm. Ví dụ là năm 2017 đã tạm đóng cửa hàng nghìn nhà máy dệt may gây ô nhiễm.

Từ năm 2011, nhiều thương hiệu lớn như H&M, Adidas và Levi's cam kết áp dụng quy định chặt chẽ hơn về môi trường và quản lý hóa chất tại các nhà máy đối tác. Ngoài ra, những sáng kiến mới về công nghệ để tạo phương thức nhuộm thân thiện hơn với môi trường cũng được áp dụng.

Quay trở về Bangladesh, anh Abdus Salam chia sẻ, nếu giới chức địa phương không có những biện pháp để làm sạch nguồn nước thì “tương lai của khu vực này sẽ rất đen tối”.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cau-chuyen-ve-nhung-dong-song-nhuom-den-tai-chau-a-20200930175443273.htm