Câu chuyện về người thức tỉnh vụ Mỹ Lai

50 năm sau vụ thảm sát Mỹ Lai (1968 - 2018), nữ đạo diễn người Mỹ Connie Field đã đến thăm Việt Nam và mang theo bộ phim đặc biệt của mình để giới thiệu với đông đảo công chúng Việt Nam.

Người thức tỉnh vụ Mỹ Lai (The Whistleblower of Mỹ Lai) được thực hiện từ năm 2015 trong giai đoạn diễn tập và hoàn chỉnh kịp thời điểm công chiếu tại Việt Nam vào đúng 50 năm kỷ niệm cuộc thảm sát năm 1968 tại (xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi).

Đó là câu chuyện được kể bởi Chuẩn úy Hugh Thompson (do ca sĩ opera nổi tiếng Rinde Eckert-on thủ vai) – một phi công trực thăng quân đội Mỹ – người đã phát hiện và đưa sự việc ra ánh sáng. Quyết định từ chối giữ im lặng của người lính ấy về cuộc thảm sát 500 thường dân vô tội bị sát hại tại Mỹ Lai đã buộc quân đội Mỹ phải tiến hành cuộc điều tra gây chấn động dư luận.

Mới đây, sau hai buổi chiếu tại TP. Hồ Chí Minh, một buổi chiếu tại Hãng phim truyện Việt Nam, bộ phim này đã được Hội Việt - Mỹ trình chiếu cho các cựu binh hai nước cùng đông đảo hội viên tại Hà Nội. Đây là những suất chiếu đầu tiên trên thế giới và cũng là bản đầu tiên có phụ đề tiếng Việt…

Poster phim “Người thức tỉnh vụ Mỹ Lai”.

Bộ phim tư liệu đặc biệt

Người thức tỉnh vụ Mỹ Lai không phải một bộ phim tư liệu được làm theo cách thông thường. Nó khắc họa chuyến hành trình giàu giá trị nghệ thuật của tứ tấu Kronos cùng nhà soạn nhạc Jonathan Berger và nghệ sĩ đàn tranh Việt Nam Vanessa Võ Vân Ánh khi họ cùng thể hiện và biểu diễn tác phẩm opera đặc biệt kể về cuộc thảm sát tại Mỹ Lai - một trong những khoảnh khắc đen tối nhất trong lịch sử chiến tranh tại Việt Nam.

Khác với các bộ phim tài liệu xoay quanh một vụ thảm sát, Người thức tỉnh vụ Mỹ Lai lại được nhìn nhận ở góc độ của một đạo diễn đang dựng lại vở nhạc kịch đơn tuyến/đơn thoại về bi kịch chiến tranh và ở góc độ tâm lý bị tổn thương sâu sắc của chuẩn úy Hugh Thompson - người đã bị xem là một kẻ phản bội khi quyết định ngăn cản và lên tiếng tố cáo tội ác này.

Đó cũng là vở opera thính phòng, đơn tuyến nhân vật, chỉ gồm ba hồi, ứng với ba lần trực thăng của Hugh Thompson và đồng đội (Lawrence Colburn, Glenn Andreotta) hạ cánh chống lại và ngăn cản “đồng đội” nổ súng vào người vô tội. Ở đó, âm hưởng của tác phẩm âm nhạc trong phim giàu giá trị gợi tưởng sâu sắc, khắc họa sự biến động không ngừng giữa những chuỗi hành động xả súng điên cuồng và những nỗi đau thương sâu lắng mang âm hưởng khúc ca bi tráng.

Khi trực tiếp xem phim, đạo diễn gạo cội của nền điện ảnh Việt Nam Đặng Nhật Minh đã phải thốt lên rằng: “Cảm ơn đạo diễn cho tôi được xem bộ phim tuyệt vời. Tôi đã xem nhiều phim về chiến tranh Việt Nam nhưng bộ phim này có cách tiếp cận rất đặc biệt, mang lại cho tôi một triết lý sống rằng: trong lúc tăm tối nhất của tội ác, chúng ta cũng đừng tuyệt vọng bởi ở đó vẫn le lói lên ánh sáng của lương tri con người”.

Về phương diện nghệ thuật, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết, đây là lần đầu tiên ông được tiếp cận với phương pháp kết hợp giữa phim tài liệu với opera, đặc biệt là những ca từ mà diễn viên diễn tả được nội tâm sâu bên trong con người. Nữ đạo diễn đã dùng opera là một quyết định rất táo bạo và cách tân, giúp chạm tới trái tim của người nghe. “Tôi xem cảm thấy nó hấp dẫn như một bộ phim truyện, chân thực và rất xúc động. Khâm phục nữ đạo diễn dùng thủ pháp nghệ thuật này”, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói.

Vợ chồng đạo diễn Connie Field chụp ảnh cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh và Chủ tịch Hội Việt – Mỹ Nguyễn Tâm Chiến - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ. (Ảnh: H.A)

Với cựu binh Phạm Trung Tín, những hành động nhân đạo, dũng cảm của 3 binh sỹ Mỹ khi đó là phi công trực thăng Hugh Thompson cùng 2 xạ thủ súng máy Larry Colburn và Glenn Andreotta nỗ lực cứu người dân Mỹ Lai vô tội đã thể hiện tình bạn lớn giữa người Mỹ và người Việt Nam. Từng đến thăm Mỹ Lai và 50 năm qua, trong lòng ông, trong ký ức về vụ thảm sát không bao giờ quên được. Tuy nhiên, sau khi xem xong bộ phim, ông cảm thấy nữ đạo diễn đã rất tài tình và khéo léo, lựa chọn chi tiết Thompson đã ba lần đáp trực thăng xuống và cứu mạng sống của một số người dân.

Đặc biệt, bộ phim cũng có sự kết hợp những nhạc cụ phương Tây có cả nhạc cụ của Việt Nam (đàn T’rưng và chiếc cồng làm bằng vỏ đạn Mỹ) do người Việt Nam biểu diễn. Sự kết hợp đó nói lên một tinh thần gắn bó, đoàn kết giữa người Mỹ và người Việt Nam, kể cả trong lĩnh vực nghệ thuật.

“Qua bộ phim này cho chúng ta thấy cái tốt đẹp, tình hữu nghị và cái thiện giữa người Mỹ và người Việt Nam. Đây chính là sức sống của tình bạn Việt – Mỹ giúp chúng ta đi tiếp con đường hợp tác, hữu nghị, đoàn kết với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới”, ông Phạm Trung Tín nói.

Nơi lương tri con người được thắp sáng

Không ngạc nhiên về chất lượng của “Người thức tỉnh vụ Mỹ Lai” bởi nữ đạo diễn Connie Field là một đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng. Bà là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Điện ảnh và đã đạt được nhiều giải thưởng lớn như Giải thưởng John Grierson Award cho Nhà làm phim tài liệu xã hội xuất sắc nhất, giải Primetime Emmy, Giải Nomurae của Học viện Anh, Phim hay nhất & Phim tài liệu xuất sắc nhất từ giới phê bình và nhiều giải thưởng khác. Connie Field cũng từng được đề cử giải Oscar cho Phim tư liệu hay nhất.

Là người tiên phong về các vấn đề xã hội, Connie Field có nhiều bộ phim tập trung vào lịch sử bị che giấu, những câu chuyện chưa được kể. Tác phẩm của bà đã được chiếu trên truyền hình tại hơn 30 quốc gia bao gồm Nhật Bản, Brazil, Nam Phi, Anh, Australia, Đan Mạch, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ…

Với bộ phim này, khi bắt tay vào sản xuất, Connie Field mới biết đến câu chuyện về Hugh Thompson. Tuy nhiên, nhà soạn nhạc Jonathan Berger đã biết đến câu chuyện Mỹ Lai ngay khi còn nhỏ và cuộc đời ông đã thay đổi từ đó. Đó cũng là bước ngoặt khiến nhiều người như ông tham gia phong trào phản chiến ở Mỹ. Cũng từng tham gia phong trào phản chiến 7 năm, sự kiện Mỹ Lai đã tạo nền tảng xây dựng nên nhân cách cho bản thân đạo diễn Connie Field.

Với Chủ tịch Hội Việt – Mỹ Nguyễn Tâm Chiến, buổi trình chiếu bộ phim là một hoạt động ý nghĩa của Hội Việt – Mỹ nhân tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Mỹ Lai. Ông cho rằng: “Chúng ta không ai quên về sự kinh khủng của cuộc thảm sát này cách đây 50 năm. Người Mỹ có rất nhiều cách tiếp cận khi làm phim về chiến tranh Việt Nam. Với bộ phim này, cùng với sự thức tỉnh của người lính Mỹ, họ muốn chúng ta hiểu rằng ở ngay nơi tội ác dã man nhất vẫn hiện hữu phần thiện của con người.”

Đạo diễn Connie Field cho biết, rất nhiều binh lính Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam khi trở về họ đã tham gia vào phong trào phản chiến. Thậm chí, số người tham gia còn lên tới hàng nghìn người, tạo sức mạnh lớn cho cuộc phản chiến ở Mỹ.

Trong dịp tới Việt Nam này, nữ đạo diễn đã cùng chồng đến thăm bảo tàng Mỹ Lai và tận mắt chứng kiến những tư liệu lịch sử về cuộc thảm sát cách đây tròn 50 năm. Bà chia sẻ: “Thông điệp tôi muốn nói qua bộ phim của mình là chúng ta luôn nhìn nhận ra cả hai khía cạnh tốt và xấu. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tin rằng trong những tình huống tưởng chừng tội tệ nhất vẫn thắp sáng lên những gì đẹp đẽ nhất về lương tri con người. Tôi mong nhiều người biết đến câu chuyện này, đặc biệt là những thế hệ tương lai để người dân hai nước có thể chia sẻ và hiểu nhau nhiều hơn”.

Hà Anh

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/cau-chuyen-ve-nguoi-thuc-tinh-vu-my-lai-69122.html