Câu chuyện về ngôi nhà cổ gia tộc họ Trần

Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1889. Trải qua nhiều đời cha truyền con nối với kiến trúc cổ mang giá trị đặc sắc. Ngôi nhà cổ của gia tộc họ Trần được công nhận là Di tích kiến trúc Quốc gia nghệ thuật.

Trước tiên là ngôi nhà của ông Trần Văn Hổ - nguyên là Đốc Phủ Sứ dưới thời Pháp thuộc. Ngôi nhà có mặt tiền hướng Tây Nam và nhìn ra sông Sài Gòn. Theo người dân Nam bộ xưa, đây là hướng tốt về mặt phong thủy thường được chọn để cất nhà, đặc biệt là giới quan lại và những gia đình giàu có. Ngôi nhà được thân sinh ông Hổ là cụ Trần Văn Lân – một người được cho là giàu có nhất vùng đất Thủ xây cất năm 1890, trên diện tích 1.200m2. Khi đó cụ Lân mới 40 tuổi. Theo ông Nguyễn Văn Thủy, cựu cán bộ Bảo tàng Bình Dương, ngôi nhà được xây dựng liên tục trong 3 năm, với 300 lao động mỗi ngày. Họ chia nhau làm đủ thứ, từ việc lên rừng kéo gỗ về, xẻ gỗ, đục đẽo, chạm khắc cho đến xay lúa, nấu cơm cho thợ… Sau năm 1975, con cháu của chủ nhà chuyển ra nước ngoài, hiện ngôi nhà thuộc sự quản lý của nhà nước.

Kế đến là ngôi nhà của bác sĩ Trần Công Vàng, có cha là Trần Văn Long. Căn cứ vào một trong những bức thờ của thân sinh chủ nhân, ngôi nhà được cụ Long kiến tạo xong vào năm Nhâm Thìn, tức 1892, trên khu đất rộng 1.333m2. Nhà quay mặt về hướng Nam, lưng tựa vào ngọn đồi – nơi có trụ sở UBND tỉnh Bình Dương ngày nay. Nói theo các nhà phong thủy, đây cũng là cái thế đắc địa. Ngôi nhà hiện nay do người cháu gái đời thứ 5 là bà Trần Thị Ánh Tuyết trông coi.

Cả hai ngôi nhà cổ trên được Bộ VHTTDL công nhận kiến trúc Quốc gia vào năm 1993. Ngôi nhà còn lại của ông Trần Công Tề (xã Tề) được lập vào năm Ất Mùi, tức năm 1895.

Bà Trần Ngọc Thảo, cháu đời thứ 5 của ông Tề và là đời thứ 9 của gia tộc họ Trần (tức Trần Công Đoàn – cụ tổ của gia tộc, một trong những người đầu tiên theo chân Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào xứ Đàng trong mở cõi) trông coi. Bà Thảo cho biết ngôi nhà chưa công nhận di tích là do ý nguyện của con cháu muốn tự mình chăm sóc, gìn giữ di sản quý giá của tổ tiên để lại.

Theo thời gian tình trạng ngôi nhà gần như xuống cấp cùng với một số đồ vật cổ trong nhà cũng bị thất lạc khá nhiều. Năm 1982, Bảo tàng tỉnh tiếp nhận trong tình trạng nhà xuống cấp, vật dụng không còn nhiều. Để có được một số bàn ghế, tranh liễn như ngày nay nhân viên Bảo tàng phải mất nhiều tháng đi lùng sục, tìm kiếm, sưu tầm lại. Một số vật dụng có giá trị như mâm vàng, đĩa bạc, bàn ghế cẩn xà cừ… được tìm thấy trong tình trạng hư hỏng, nằm lăn lóc ở khắp nơi, trong đó có cả ở nghĩa trang. Năm 1993, ngôi nhà này cùng với ngôi nhà ông Vàng được công nhận là Di tích kiến trúc Quốc gia, sau đó mới được sắp xếp, trùng tu, bảo quản.

Tuy nhiên, trong số 3 ngôi nhà cổ nói trên có lẽ ngôi nhà của ông Vàng được con cháu chăm chút cẩn thận nên ngôi nhà gần như còn nguyên vẹn nhất, nội thất còn giữ được những món đồ cổ yên vị qua nhiều đời.

Thúy An (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/cau-chuyen-ve-ngoi-nha-co-gia-toc-ho-tran-558651.html