Câu chuyện về giáo dục đại học ở Mỹ

Khi tình trạng lây nhiễm Covid-19 gia tăng trong suốt mùa hè, các trường đại học mới bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề giáo dục của họ.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, ngành kinh doanh trị giá 700 tỷ USD (và xin nói rõ ràng rằng đây là một ngành kinh doanh) đã chín muồi để đột phá xảy ra. Trong nhiều thập kỷ, giáo dục đại học ngày càng vươn cằm ra xa hơn. Covid-19 sẽ là cú đấm giáng ngay vào đó.

Trong phần lớn mùa xuân và đầu mùa hè năm 2020, chúng ta đã nghe rất nhiều cuộc nói chuyện vui vẻ từ lãnh đạo trường đại học tuyên bố rằng cuộc sống trong khuôn viên trường sẽ trở lại gần như bình thường vào mùa thu. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Vào cuối tháng 7/2020, chuỗi phản ứng dây chuyền bắt đầu đổ sụp, hết trường này đến trường khác thông báo rằng họ sẽ khai giảng năm học 2020-2021 trên môi trường trực tuyến - sự lạc quan của họ đã đảo ngược.

Từ các trường đại học công lập lớn như Đại học California Berkeley, các trường tư nhân nhỏ như Smith College, đến tổ chức nghiên cứu như Johns Hopkins và trường ưu tú, giàu có nhất như Harvard, Princeton và Stanford, tất cả đều chấp nhận điều không thể tránh khỏi này và tuyên bố sẽ không mở các khóa học trực tiếp vào cuối tháng 8, giới hạn rất ít chỗ ở trong khuôn viên trường.

 Sách Thời kỳ hậu Corona. Ảnh: Saigonbooks.

Sách Thời kỳ hậu Corona. Ảnh: Saigonbooks.

Cuối tháng 9/2020, chương trình College Crisis Initiative báo cáo rằng 1.302 trong số 2.958 trường mà họ theo dõi đã lên kế hoạch học hoàn toàn hoặc chủ yếu trực tuyến cho học kỳ mùa thu 2020 (tăng từ 835 trường chỉ một tháng trước đó).

Chỉ có 114 trường lên kế hoạch cho việc học toàn bộ chương trình trong khuôn viên trường. Chúng ta đang trong ít nhất một năm chuyển đổi hoàn toàn nền giáo dục đại học, và phần lớn thay đổi sẽ là vĩnh viễn.

Để hiểu được ảnh hưởng của đại dịch đối với giáo dục đại học, chúng ta cần phải hiểu được tuyên bố giá trị của giáo dục đại học. Để đổi lấy thời gian và học phí, đại học cung cấp ba thành phần giá trị: Chứng chỉ, học vấn và kinh nghiệm.

Cú sốc ngân sách

Đại dịch sẽ đẩy nhanh sự thay đổi trong giáo dục đại học theo hai đợt. Trong đợt tấn công đầu tiên vào ngành này cuối mùa hè năm 2020, nhiều tổ chức đã gặp phải cú sốc tài chính.

Ngay cả trường Harvard, nơi có tỷ lệ nhận sinh viên vào học là 4,6% và khoản tài trợ 40 tỷ USD, cũng đang dự báo mức thiếu hụt doanh thu 750 triệu USD cho năm tài chính 2020 và đang yêu cầu nhân viên cân nhắc việc nghỉ hưu sớm hoặc giảm lịch làm việc.

Các viện đào tạo ưu tú có các yếu tố giảm sốc đáng kể: Danh sách chờ và các khoản tài trợ hàng tỷ USD. Cứ mỗi sinh viên chọn nghỉ một năm chuyển tiếp hoặc chuyển trường để gần nhà hơn, thì có hơn mười người muốn vào học. Các trường đại học ưu tú sẽ vượt qua cơn bão và vươn lên mạnh mẽ hơn.

Ảo tưởng

Nửa đầu năm 2020 chứng kiến cảnh các trường đại học cố gắng kháng cự điều không thể tránh khỏi bằng cách nhấn mạnh rằng họ sẽ tiếp tục tổ chức các lớp học bình thường.

Họ đã thiết kế lại các lớp học, ký túc xá và nhà ăn để phù hợp quy định giãn cách xã hội, thay đổi lịch học và thiết lập các nội quy mới trong khuôn viên trường - chắc chắn những hành động này đã tiêu tốn của nhà trường một khoản chi phí và nỗ lực lớn. Ví dụ, Purdue đã mua hơn 1,5 km kính plexiglass để làm hàng rào cách ly.

Từ bên ngoài, mọi người đang theo dõi những điều này cũng như nghi ngờ về ý tưởng giữ cho hàng nghìn thanh niên tuổi đôi mươi giãn cách xã hội với nhau (nếu điều này mà làm được thì loài người đã tuyệt diệt từ lâu rồi).

Một giáo sư tâm lý viết trên tờ New York Times đã gọi các kế hoạch mở cửa trường đại học trở lại là “lạc quan phi thực tế đến mức trở thành ảo tưởng”.

Tuyệt vọng

Đại học là cỗ máy đắt đỏ với cơ cấu chi phí tương đối kém linh hoạt. Lương của đội ngũ giảng viên và quản trị gần như không thể điều chỉnh được.

Phần lớn việc giảng dạy do các giáo sư hợp đồng hoặc trợ giảng thực hiện và khoản lương của họ phải nói là còm cõi (nếu sử dụng đội ngũ sinh viên cao học thì xem như khỏi trả lương), trong khi tầng lớp giáo sư “quý tộc” có biên chế được trả lương rất cao.

Sự hỗ trợ của chính phủ dành cho giáo dục cũng đã giảm dần qua nhiều thế hệ. Kết quả là trong khi chỉ một số trường đại học có các nguồn thu từ việc chuyển giao công nghệ, bệnh viện, các khoản tài trợ hàng tỷ USD và tài trợ công, phần lớn các trường đại học trở nên phụ thuộc vào học phí.

Vì vậy, thay vì dành cả mùa hè năm 2020 để tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm dạy và học trực tuyến (một khoản đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận trong nhiều thập kỷ), trường đại học lại mất hàng đống thời giờ và tiền của để theo đuổi ảo giác đồng thuận rằng họ có thể bảo vệ ngôi trường của mình.

Thảm bại

Kết quả? Chúng ta sẽ thấy một vụ đào thải các trường đại học. Cũng như số lượng các địa điểm bán lẻ phải đóng cửa tăng từ 9.500 năm 2019 lên hơn 25.000 cửa hàng vào năm 2020, chúng ta sẽ chứng kiến hàng trăm trường đại học bắt đầu bị khai tử.

Trong lĩnh vực học thuật, chúng ta đã săn tìm những hy vọng và ước mơ của tầng lớp trung lưu, chúng ta cũng khuyến khích họ vay nợ và thế chấp để đảm bảo cho sự thay hình đổi dạng từ công chức quèn thành giới “tinh hoa”. Chuyện đó giờ không còn nữa.

Scott Galloway/Saigon Book và NXB Thế Giới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-chuyen-ve-giao-duc-dai-hoc-o-my-post1197027.html