Câu chuyện tự lực của EU

Khi Mỹ có những động thái rút quân khỏi Đức, giảm bớt gắn kết với EU thì câu chuyện 'tự lực' của khối liên kết này một lần nữa được xới lên. Thế nhưng, đó thực sự là một thách thức và khó khăn không dễ vượt qua.

“Gáo nước lạnh”

Việc cắt giảm tới 9.500 binh sĩ Mỹ tại Đức sẽ được xem như là “gáo nước lạnh” đối với một trong những đối tác thương mại gần gũi nhất của nền kinh tế hàng đầu thế giới và cũng tiềm ẩn nguy cơ hủy hoại niềm tin đối với trụ cột quan trọng của an ninh châu Âu thời hậu chiến, khiến người ta phải đặt dấu hỏi về việc liệu Mỹ có sẵn lòng đứng ra bảo vệ đồng minh trước bất kể một nguy cơ an ninh nào.

Phil Gordon, làm việc tại Viện Nghiên cứu chính sách Hội đồng Quan hệ đối ngoại, bình luận: “Chắc chắn sẽ có những ý kiến từ cả 2 đảng trong Quốc hội Mỹ phản đối gay gắt động thái rút quân của Mỹ, vì vậy quyết định này có thể sẽ bị trì hoãn hoặc không bao giờ diễn ra... Bước đi ấy sẽ hủy hoại hơn nữa niềm tin của các đồng minh vào các cam kết của Mỹ và NATO và có thể làm suy yếu khả năng răn đe Nga hoặc bất cứ quốc gia nào có ý định đe dọa một thành viên của tổ chức”.

Vẫn chưa rõ ý định của Tổng thống Trump có được hiện thực hóa hay không, nhất là bởi những chỉ trích từ cả chính những nghị sĩ đảng Cộng hòa, những người cho rằng cắt giảm quân số chính là “trao” cho Nga một món quà. Năm 2014, NATO đề ra mục tiêu yêu cầu toàn bộ 30 thành viên dành khoản tiền tương đương 2% GDP thường niên cho quốc phòng. Hầu hết các nước, kể cả Đức, đều chưa hoàn thành mục tiêu này.

Theo hãng tin AP, chính quyền Mỹ đã cân nhắc ý định rút một phần lực lượng khỏi Đức từ năm ngoái và những tuần gần đây liên tục có thông tin cho thấy Tổng thống Trump có ý định xúc tiến ý tưởng này, dù chưa có các công bố cụ thể.

Ông Donald Trump đang có những động thái khiến EU phải lo lắng.

Ông Donald Trump đang có những động thái khiến EU phải lo lắng.

Phát biểu ngày 15-6 của Tổng thống Trump là tuyên bố chính thức đầu tiên về kế hoạch cắt giảm quân số, thông tin từng được tờ Wall Street Journal và sau đó là Reuters xác nhận với nguồn lấy từ một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ ngay từ những ngày đầu tháng 6.

Bình luận về phát biểu của Tổng thống Trump, Đại sứ Đức tại Mỹ Emily Haber cho biết quân đội Mỹ hiện diện tại châu Âu là để đảm bảo an ninh giữa hai bờ Đại Tây Dương và cũng là để hỗ trợ Mỹ duy trì ảnh hưởng tại châu Phi và châu Á. Bà cũng khẳng định hợp tác an ninh Mỹ-Đức vẫn sẽ được duy trì mạnh mẽ và rằng Chính phủ Đức đã được thông báo về quyết định của Mỹ.

Tuần trước, theo các nguồn tin Reuters có được, các quan chức Đức và khá nhiều quan chức Mỹ tại Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và cả Lầu Năm Góc đều tỏ ra khá ngạc nhiên về thông tin mà Wall Street Journal đăng tải. Đã có rất nhiều lý do được viện dẫn để lý giải cho thông tin này, từ việc để trả đũa bà Merkel về Hội nghị thượng đỉnh G7, cho đến ảnh hưởng của cựu Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, một người khá thân cận với Tổng thống Trump.

EU cần tự lực dù nhiều thách thức

Trong bối cảnh nhiều nhà lập pháp Mỹ cảnh báo ý định cắt giảm quân số của Mỹ sẽ “dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng, làm lợi cho đối thủ và kích động thêm nhiều cuộc chiến” trong khu vực, các Bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) mới đây cũng đã thảo luận về việc tăng cường hoạt động quốc phòng và cải tổ hệ thống tình báo trước hàng loạt mối đe dọa.

Lời kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng EU được đưa ra trong văn bản chung của Pháp và Đức, dù không phải là điều gì mới mẻ, song đang trở nên cấp bách hơn trong những diễn biến xung quanh khu vực và đặc biệt là nguy cơ Mỹ và Trung Quốc vướng vào một cuộc đối đầu thường trực.

Văn bản này nhấn mạnh hội nhập quốc phòng là điều cần thiết bởi “các cuộc cạnh tranh và đối đầu giữa các siêu cường đang quay trở lại, cùng mối đe dọa kéo theo đối với trật tự thế giới”. Pháp và Đức kêu gọi cơ quan tình báo EU đưa ra các báo cáo thường niên cụ thể về những mối đe dọa, trong các lĩnh vực từ gìn giữ hòa bình, không gian cho tới an ninh mạng vào thời điểm kết thúc mỗi năm để lấy đó làm nền tảng cải thiện năng lực chung trong năm tiếp theo. Quan chức phụ trách hoạt động đối ngoại của EU Josep Borrell nhấn mạnh: “EU cần phải tự tìm cách làm mọi thứ, dù điều này có thể đi cùng với rất nhiều thách thức”.

Đã từ lâu nay, châu Âu không thể toàn toàn tin tưởng vào việc Mỹ sẵn sàng can dự vào những khu vực có ý nghĩa quan trọng về chiến lược đối với châu Âu. Sự độc lập chiến lược của EU lúc này rõ ràng có ý nghĩa then chốt góp phần duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vững mạnh.

Châu Âu nếu không có những quyết sách tự tin và độc lập thì chắc chắn sẽ lún sâu hơn vào thế kìm kép giữa các nước lớn mà nước này đang mắc vào. Hiện nay, EU đang gặp khó giữa một bên là Mỹ và bên kia là Trung Quốc ngày càng phát triển nhanh chóng. Đương nhiên, việc mở rộng hợp tác với Nga sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề của châu Âu nhưng nó có thể trở thành một trong những công cụ giúp củng cố vị thế hiện tại của họ trong lĩnh vực kinh tế và chính trị trên trường quốc tế. Rõ ràng không nên bỏ qua những lợi thế này. Thế nhưng, “thân” với Nga, cái giá EU phải trả chắc chắn cả khu vực này đều hiểu được.

EU hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác lớn thứ hai của EU. Thương mại song phương giữa hai bên lên tới 1,5 tỷ euro/ngày. EU đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 198 tỷ euro sang Trung Quốc trong năm 2017 và nhập khẩu hàng hóa trị giá 375 tỷ euro từ Trung Quốc. Năm 2017, EU có thặng dư thương mại trong lĩnh vực dịch vụ, với xuất khẩu trị giá 45 tỷ euro so với nhập khẩu trị giá 28 tỷ euro. Khoảng 6 năm trước, EU và Trung Quốc đã quyết định mở rộng thương mại song phương và quyết định thông qua hiệp ước đầu tư song phương.

Như vậy, câu chuyện “tự lực” là cấp thiết nhưng vô cùng khó khăn đối với một EU vốn đang ngổn ngang thách thức. Các nhà lãnh đạo EU cần phải tỉnh táo để khéo léo lách qua những “cái bẫy” và khẳng định được sự tồn tại vững chắc của mình.

Hà Phương (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/cau-chuyen-tu-luc-cua-eu-600375/