Câu chuyện từ khởi đầu đến thành công của Netflix

Câu chuyện về Netflix trong cuốn 'That Will Never Work: The Birth of Netflix and the Amazing Life of an Idea' là một liều thuốc tinh thần cho những doanh nhân tương lai.

Marc Randolph - nhà đồng sáng lập Netflix - dường như đã xác định sẵn đối tượng độc giả và hết sức cởi mở với họ khi viết cuốn That Will Never Work: The Birth of Netflix and the Amazing Life of an Idea (được xuất bản tại Việt Nam với tên Netflix - Sẽ không bao giờ thành công đâu).

Đối tượng ông hướng đến là những người có bản lĩnh kinh doanh; người thích tạo ra các ý tưởng, phát triển chúng và mở rộng chúng thành các kế hoạch kinh doanh; người có tham vọng lao vào một tương lai không chắc chắn để thực hiện khát vọng của họ.

Đối với bản thân ông, cuốn sách cũng để hoài niệm khoảng thời gian đã trôi qua cùng Netflix, với những bức chân dung trìu mến của con người ở đó.

Trong phần đầu sách, Marc Randolph chia sẻ rằng câu chuyện của ông tái hiện chính xác tính cách của đội ngũ sáng lập Netflix, cũng như “tâm trạng của thời đại lúc đó”.

 Cuốn sách ra mắt tháng 9/2019. Ảnh: Fox News.

Cuốn sách ra mắt tháng 9/2019. Ảnh: Fox News.

Hành trình cá nhân và tập thể kịch tính

Randolph - cũng là CEO đầu tiên của Netflix - khởi đầu cuốn sách với việc thừa nhận rằng Netflix không được sinh ra từ một khoảnh khắc lóe sáng ý tưởng bất ngờ.

Netflix phát triển được là do sự động não tỉ mỉ và lập kế hoạch trong một khoảng thời gian dài.

Randolph viết: “Sự lóe sáng ý tưởng là rất hiếm hoi... Chúng ta muốn Isaac Newtons đang ngồi dưới gốc cây táo khi quả táo rơi xuống. Chúng ta muốn Archimedes nằm trong bồn tắm khi nghĩ ra điều mới. Nhưng sự thật thường phức tạp hơn thế”.

Trong chương đầu, Randolph cũng giãi bày những trải nghiệm của bản thân, điều giúp ông tham gia vào những bước đi đầu tiên thành công của Netflix. Việc ưa thích cắm trại và đi bộ đường dài giữa không gian thiên nhiên là trải nghiệm sống được Randolph ví như một phép ẩn dụ để điều hành công ty: Hòa mình vào thiên nhiên là vô số thách thức đối với cơ thể và trí tuệ.

Tác giả cũng đi sâu vào kho ký ức của mình và đóng gói chúng thành các nghiên cứu điển hình về cách khắc phục những sự cố cụ thể khi điều hành một doanh nghiệp. Người đọc được du hành về thời điểm Netflix có những bước phát triển ban đầu và cũng vấp phải nhiều sự cố - tất cả tạo nên một trải nghiệm đọc sách đầy kịch tính.

Randolph cấu trúc phần lớn cuốn sách theo công thức "vấn đề - giải pháp", mô tả một cách hấp dẫn và rõ ràng những trở ngại cụ thể và cách ông cùng nhóm của mình vượt qua.

Nhiều trở ngại trong số này liên quan đến thực tế tài sản: Xây dựng trang web, thành lập văn phòng, quản lý chi phí. Nhưng Randolph cũng chỉ ra những thách thức đặt ra xuất phát từ những điều vô hình, chẳng hạn như việc xây dựng văn hóa công sở.

Cách Netflix xây dựng văn hóa làm việc cũng được Randolph khắc họa đầy thú vị. Ảnh: LA Times.

Randolph viết: “Mọi người muốn được đối xử như người lớn. Họ muốn có một sứ mệnh mà họ tin tưởng, một vấn đề cần giải quyết và không gian để giải quyết nó. Họ muốn được bao quanh bởi những người tài năng và có sự tôn trọng lẫn nhau... Điều họ thực sự muốn là tự do và trách nhiệm. Họ muốn được gắn kết tự do nhưng chặt chẽ”.

Bộ đôi đầy tham vọng

Hầu hết chúng ta đều biết đến Netflix là một dịch vụ phát video trực tuyến. Có bao nhiêu người trong chúng ta biết rằng Netflix ra mắt vào năm 1997 với tư cách là một trang web bán và cho thuê DVD?

Năm 1997, bản thân DVD đã là công nghệ tiên tiến. Trước ngày ra mắt này, một kỹ sư của Netflix đã thiết lập một chiếc chuông để nó rung lên khi có khách đặt hàng. Và nó vang lên cả ngày, thậm chí khiến mọi người lo lắng.

Hai nhà sáng lập Netflix là Randolph và Hastings. Ảnh: dankfacts.

Lưu lượng truy cập trang web lúc đó quá cao, máy chủ của Netflix đã gặp sự cố sau 15 phút. Các kỹ sư của Netflix đã vội vã đến một cửa hàng phần cứng “... nơi họ lập tức mua tám máy tính để bàn mới với bộ nhớ RAM khổng lồ 64 megs mỗi chiếc”. Đó là những ngày trước khi có dịch vụ điện toán đám mây.

Sách đề cập đến chi tiết thú vị là thương vụ Amazon đề nghị mua lại Netflix, khi Amazon còn là một công ty nhỏ với doanh thu hơn 150 triệu USD và 600 nhân viên.

Thay vì bán công ty, Randolph và Hastings đã quyết định từ bỏ việc bán đĩa DVD (lĩnh vực mà Amazon muốn tham gia) và tập trung hoàn toàn vào cho thuê đĩa DVD.

Tác giả cũng khắc họa lại một cảnh rất “đáng để dựng phim” là cuộc gặp gỡ giữa họ với Amazon, trong văn phòng hạng sang của Amazon với người sáng lập Jeff Bezos lập dị và ấn tượng.

Randolph và Hastings là một bộ đôi đầy tham vọng. Sau khi từ chối ý tưởng của Amazon, họ phải vật lộn với vấn đề thu hút nhiều khách hàng thuê DVD hơn, sau đó làm cho những người từng thuê quay lại thuê nhiều hơn.

Netflix quyết định thực hiện một chiêu trò tiếp thị để thu hút khách hàng. Vụ bê bối Bill Clinton - Monica Lewinsky diễn ra vào thời điểm đó; ông Clinton thậm chí phải ra điều trần trước một bồi thẩm đoàn lớn.

Một nhân viên của Netflix, Mitch Lowe, đã có được đoạn băng ghi lại lời nói của Clinton và sau đó, đoạn băng này được chuyển sang đĩa DVD.

Gần 5.000 đĩa DVD đã được chuyển đến khách hàng của Netflix. Những gì xảy ra tiếp theo rất vui nhộn khi đã có sự nhầm lẫn tại nơi ghi đĩa DVD.

Một nửa số đĩa DVD được chuyển đến tay khách hàng trên thực tế có video khiêu dâm trong đó. Netflix đã phải gửi thư xin lỗi và đề nghị gửi đúng đĩa DVD sau khi họ gửi trả lại đĩa sai.

Một phần thú vị khác của cuốn sách là việc Randolph từ chức CEO của Netflix, để Reed Hastings thế chỗ. Randolph tiếp tục là chủ tịch của Netflix và công việc vẫn như cũ. Ở hầu hết công ty khác, cuộc cải tổ ở cấp cao nhất như vậy sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn, nhưng Randolph nói rằng cả hai nhà sáng lập đã làm tốt và ông tiếp tục gánh vác những trách nhiệm mà ông giỏi, chẳng hạn như “quan hệ khách hàng, tiếp thị, PR, thiết kế web, nội dung phim và phát triển mối quan hệ với các nhà sản xuất đầu đĩa DVD. Còn Reed tiếp quản phần còn lại: Tài chính, hoạt động và kỹ thuật”.

Việc Randolph từ chức cũng là một bài học về sự khiêm tốn và linh hoạt đối với các CEO, những người thường tự cho mình là không thể thiếu đối với tổ chức của họ.

Việc tiếp tục có những chính sách phù hợp và tăng trưởng doanh thu đã giúp công ty này khởi động đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Trước đó, Randolph đã rời ghế trong ban giám đốc tại Netflix, để ông có thể bán cổ phần của mình đúng hạn và rời khỏi công ty mà ông góp tay thành lập.

Sách của Randolph là tác phẩm mang tính giải trí và mang lại nhiều thông tin, không chỉ thu hút người đọc thông thường mà còn làm say mê cả các CEO hiện tại cũng như các doanh nhân trong tương lai.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-chuyen-tu-khoi-dau-den-thanh-cong-cua-netflix-post1122909.html