Câu chuyện thú vị về món đậu phụ Mapo siêu cay 'hút khách' tại Trung Quốc

Món đậu phụ Mapo siêu cay từ lâu đã nổi danh khắp chốn, dần trở nên quen thuộc với thực khách năm châu khi nhắc đến ẩm thực Trung Quốc nói chung và Tứ Xuyên nói riêng.

Nếu du lịch Trung Quốc mà bỏ qua món đậu phụ Mapo siêu cay của Tứ Xuyên này thì xem như uổng phí cả chuyến đi. Món ăn tưởng như quá đỗi phổ biến này lại còn rất nhiều chuyện hấp dẫn, thú vị khác…

Nếu du lịch Trung Quốc mà bỏ qua món đậu phụ Mapo siêu cay của Tứ Xuyên này thì xem như uổng phí cả chuyến đi. Món ăn tưởng như quá đỗi phổ biến này lại còn rất nhiều chuyện hấp dẫn, thú vị khác…

Món đậu phụ Tứ Xuyên này một tên gọi “chính thống” của riêng mình: Đậu Mapo. Trong tiếng Trung Quốc, “Mapo” là từ ghép có ý chỉ một người phụ nữ lớn tuổi và… mặt rỗ.

Theo sách “Phù dung thoại cựu lục” mô tả thì món ăn này xuất hiện vào thời Đồng Trị thời nhà Thanh (1874) do Trần Lưu Thị, còn được gọi là Trần Ma Bà (Ma chỉ mụn rỗ, Trần Ma Bà tức là người đàn bà mặt rỗ họ Trần), chủ quán cơm “Trần Hưng Thịnh phạn phô” tại Thành Đô sáng chế.

Sở dĩ món ăn có cái tên lạ lùng như vậy là bởi nó gắn liền với “truyền thuyết” về nhà hàng của bà Chen: Tứ Xuyên xưa kia có một hàng cơm nhỏ do bà Chen Mapo làm chủ. Không ai rõ tên thực của bà là gì, chỉ biết bà từ nhỏ do bị bệnh tật tai ương mà để lại sẹo rỗ trên mặt, nên người ta thường gọi là “Bà Chen mặt rỗ” – tức Chen Mapo.

Món ăn nổi tiếng đến mức nhiều người không nhớ tên gốc của quán mà quen gọi là “Trần Ma Bà đậu hũ điếm”, ngang hàng với “Chính Hưng Viên” và “Chung Thang Viên” thành ba quán ăn nổi tiếng nhất Thành Đô. Danh tiếng của đậu hũ Ma Bà còn được nhắc đến trong tập thơ “Cẩm Thành Trúc Chi Từ Bách Vịnh ”.

Nguyên liệu chính làm nên món đậu phụ Mapo không thể bỏ qua đậu phụ non Tứ Xuyên. Miếng đậu phụ trắng sau khi qua nhiều công đoạn chế biến từ đậu nành nên rất mềm mịn và thơm.

Đậu phụ trắng được cắt ra thành từng miếng vuông nhỏ rồi xào chung với thịt băm nhỏ. Thịt ở đây có thể là thịt lợn hay bò đều được.

Ngoài ra, một gia vị không thể thiếu là tương đậu Tứ Xuyên, một loại tương được ủ lên men trong thời gian dài. Chính loại tương này đã khiến cho món đậu phụ Tứ Xuyên có hương vị đặc trưng riêng và rất khác biệt.

Đặc biệt, đậu phụ Mabo là món ăn có nguồn gốc từ Tứ Xuyên nên không thể thiếu đi các gia vị cay đặc trưng. Để làm nên món đậu phụ Mapo đúng cách, người ta phải sử dụng rất nhiều ớt và tiêu nên món ăn sau khi chế biến xong thì dậy mùi cay nồng rất hấp dẫn.

Đặc biệt, đậu phụ trắng lại được cho nhiều ớt đỏ, hai màu sắc tương phản nhau càng khiến cho món đậu phụ Mapo thêm nổi bật và đẹp mắt hơn. Đậu hũ ma bà có thể dùng chung với cơm hoặc cũng có thể ăn không.

Thoạt nhìn rất đơn giản và bình dân, nhưng đĩa đậu hũ xào cay với hương vị nồng nàn ấm nóng ngay lập tức có được vị trí xứng đáng trong làng ẩm thực Tứ Xuyên. Các vùng đất khác trên khắp đất nước Trung Quốc cũng rất chuộng đậu Mapo, đặc biệt là vào mùa Đông.

Cùng với vịt quay Bắc Kinh, đậu hũ Tứ Xuyên có thể xem là một trong những đại diện tiêu biểu hàng đầu cho ẩm thực Trung Quốc, khi hầu hết các quán ăn Tàu trên thế giới đều không thể bỏ món đậu trứ danh này khỏi thực đơn.

Video "Chế biến món ngon từ nấm đông cô". Nguồn: VTC.

Thảo Nguyên (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/cau-chuyen-thu-vi-ve-mon-dau-phu-mapo-sieu-cay-hut-khach-tai-trung-quoc-1259609.html