Câu chuyện thể thao: Những 'cậu bé vàng' trên sân cỏ quốc nội!

Sau thành công của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam tại Asiad 2018, trong số không ít gương mặt đã và đang trở thành tâm điểm của dư luận, tiền vệ Quang Hải bỗng 'nổi như cồn' khi được truyền thông khu vực khoác cho mỹ tự 'cậu bé vàng'.

Là 1 trong số 6 chân sút được trang chủ của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) kỳ vọng sẽ tỏa sáng tại vòng chung kết Asian Cup 2019, Quang Hải là cầu thủ duy nhất mang quốc tịch Việt Nam. AFC còn chứng tỏ sự sát sao với chuyển động sân cỏ châu lục khi đưa ra những thống kê rất ấn tượng: Quang Hải là mắt xích rất quan trọng trong đội hình U23 Việt Nam, người ghi bàn thắng đầu tiên cho U23 Việt Nam tại ASIAD 18 và cũng là tác giả bàn thắng duy nhất vào lưới U23 Nhật Bản. Chưa hết, theo một cuộc bình chọn gương mặt ấn tượng do AFC tiến hành, Quang Hải nhận được 3.677 lượt bình chọn, chiếm 92% trong số 6 cái tên do AFC liệt kê.

Và như chúng ta đã biết, hồi đầu năm 2018, tại vòng chung kết Giải bóng đá U23 Châu Á tổ chức ở Thường Châu (Trung Quốc), tiền vệ người Hà Nội đã ghi 5 bàn, dẫn đầu danh sách lập công của U23 Việt Nam và giúp đội giành ngôi Á quân. Với bản lý lịch sân cỏ “hoành tráng” ấy, việc Hải được gọi là “cậu bé vàng” xem ra cũng không quá ngoa ngôn.

Mừng cho Quang Hải song vẫn cần nhắc lại câu chuyện “bi kịch thần đồng”, từng là nỗi ám ảnh rất lớn của làng cầu quốc nội trong quá khứ.

Người hâm mộ bóng đá nước nhà hẳn không ai không biết đến tiền đạo từng được xem là biểu tượng của bóng đá Đồng Tháp: Phan Thanh Bình. Tài năng của Thanh Bình sớm được khẳng định tại giải vô địch U17 quốc gia và ngay lập tức lọt vào mắt xanh của vị chiến lược gia người Áo Alfred Rield. Tại SEA Games 22 (2003), Thanh Bình hợp với Văn Quyến - một “thần đồng” khác của bóng đá xứ Nghệ - thành hai mũi giáp công sắc bén đưa đội tuyển Việt Nam thẳng tiến vào trận chung kết.

Có một khởi đầu như mơ song đoạn kết của hai ngôi sao trẻ này ra sao thì ai cũng rõ. Thanh Bình mãi chỉ là một “thần đồng không lớn” của bóng đá nước nhà còn Văn Quyến dính scandal bán độ sau đó 2 năm. Đáng nói hơn, tiền đạo xứ Nghệ từng tỏa sáng sớm hơn, rực rỡ hơn Quang Hải và cũng từng được truyền thông nước nhà gọi là “cậu bé vàng”.

Bi kịch của “cậu bé vàng” Văn Quyến, không gì khác ngoài chuyện không biết cách kiểm soát, tiết chế bản thân khi thành công đến quá sớm. Quyến “chết” bởi đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, chưa được trui rèn bản lĩnh đã “ngập” trong vô số tiền bạc, lời tán dương và những áp lực vô hình mà cái danh “thần đồng” mang lại.

Trở lại câu chuyện “cậu bé vàng” của bóng đá Việt Nam hiện tại. Như đã nói, sự tôn vinh ấy (dù chỉ là tôn vinh qua... internet) chắc chắn sẽ là niềm tự hào lớn lao đối với Quang Hải. Đó có thể sẽ là lời động viên, khích lệ cần thiết để cầu thủ này trưởng thành và “chín” hơn nữa trong sự nghiệp nhưng đừng quên, đấy cũng có thể sẽ là con dao hai lưỡi dành cho một tài năng vừa chớm nở.

Mong rằng Quang Hải đủ bản lĩnh để không “ngợp” trong hào quang, không lâm vào những bi kịch của các đàn anh Văn Quyến, Thanh Bình.

MẠNH HÀ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/ci1lma/new-article.aspx