Câu chuyện thành công của ngành tài chính Singapore

Dù là một quốc gia nhỏ bé, từ nhiều năm nay Singapore đã trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế.

 Singapore đã trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế. Ảnh: REUTERS

Singapore đã trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế. Ảnh: REUTERS

Vị thế này của Singapore được thể hiện qua hàng loạt xếp hạng là: (1) thị trường ngoại hối lớn thứ ba thế giới về giá trị giao dịch, chỉ sau Anh và Mỹ; (2) trung tâm phái sinh lãi suất OTC lớn nhất châu Á; (3) sở giao dịch chứng khoán quốc tế hóa lớn nhất châu Á, đồng thời là thị trường ủy thác đầu tư bất động sản (REIT) lớn nhất châu Á trừ Nhật; (4) thị trường trao đổi nhân dân tệ hải ngoại lớn nhất ngoài Trung Quốc và Hồng Kông; (5) trung tâm quốc tế lớn về thu xếp phát hành nợ quốc tế, trung tâm quản lý tài sản và bảo hiểm châu Á.

Tổng tài sản ngân hàng của Singapore đạt 2.000 tỉ đô la Singapore vào năm 2014 (1 đô la Mỹ = 1,35 đô la Singapore). Hiện có đến 200 ngân hàng (gồm cả văn phòng đại diện) đang hoạt động ở đây. Trong số này chỉ có năm ngân hàng nội địa. Singapore còn là trung tâm quản lý tài sản và nghiệp vụ ngân hàng tư nhân hàng đầu chuyên phục vụ giới thu nhập cao khắp thế giới.

Điều làm nên thành công

Trước tiên phải kể đến vai trò của một khuôn khổ pháp lý về tài chính nhất quán tiêu chuẩn cao, giúp tạo dựng được vị thế là trung tâm tài chính quốc tế uy tín. MAS (Ngân hàng Trung ương Singapore) giám sát các tập đoàn tài chính đa ngành theo hướng tiếp cận “toàn bộ tập đoàn”, tập trung vào giám sát rủi ro trong tất cả hoạt động nghiệp vụ đa dạng của chúng. Việc MAS theo đuổi áp dụng các chuẩn mực quốc tế và các thông lệ tốt nhất như quy định về vốn theo Basel và hoạt động phòng chống rửa tiền đã đem lại uy tín cao, tạo sự ổn định cho hệ thống tài chính, kể cả trong những giai đoạn khủng hoảng tài chính.

Đồng thời, MAS thường tích cực tham vấn ngành trước khi ban hành chính sách và sáng kiến mới nhằm tạo dựng một hệ thống tài chính có tính đáp ứng và luôn tiến bộ. Ngoài ra, từ sau khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997, MAS đã tiến hành cải cách thể chế mạnh mẽ, gồm, ví dụ, chuyển từ cách tiếp cận “một cỡ chung cho tất cả” sang “giám sát dựa trên mức rủi ro”, theo đó, ví dụ, các tổ chức tài chính sẽ chịu sự giám sát và trừng phạt tùy mức độ rủi ro và khả năng xử lý rủi ro của chúng.

Yếu tố chính tiếp theo tạo nên câu chuyện thành công của Singapore là chiến lược phát triển tài chính hướng ngoại, do nền kinh tế nội địa nhỏ không mang lại nhiều cơ hội. Để hướng ngoại mà không bị tác động, giữ được tự chủ chính sách, Singapore đã sớm phát triển hệ thống ngân hàng hai lớp từ năm 1968, theo đó tách biệt các giao dịch bằng ngoại tệ khỏi các giao dịch bằng nội tệ bằng cách dùng tài khoản hạch toán riêng. Sự tách biệt này cho phép các dòng tiền quốc tế chảy vào Singapore không làm ảnh hưởng chính sách tiền tệ của Singapore, cũng như bảo vệ các ngân hàng nội địa trước các ngân hàng quốc tế lớn.

MAS quản chặt giao dịch nội tệ với các tiêu chí khắt khe để bảo vệ an toàn hệ thống, trong khi lại nới lỏng chế tài với giao dịch ngoại tệ, thậm chí còn cho miễn thuế. Bởi vậy, giá trị giao dịch ngoại tệ đã tăng trưởng vượt xa so với hoạt động nội địa, với số dư tài khoản từ 33 triệu đô la Mỹ năm 1968 vọt lên 2.000 tỉ đô la Mỹ năm 2013.

Chiến lược hướng ngoại còn thể hiện rõ ở lĩnh vực ngoại hối. Nhờ có múi thời gian thuận lợi nối kết thời điểm đóng cửa của thị trường Mỹ với thời điểm mở cửa lại thị trường châu Âu nên Singapore là một cấu thành của thị trường kinh doanh ngoại hối toàn cầu hoạt động suốt 24 giờ. Với việc tách biệt hoạt động ngân hàng hải ngoại cùng với cho phép kinh doanh các hợp đồng tiền tệ tương lai, thị trường ngoại hối của Singapore hiện lớn thứ ba toàn cầu, vượt Thụy Sỹ năm 1992 và Tokyo năm 2013.

Sự phát triển của thị trường ngoại hối và các hoạt động ngân hàng hải ngoại sẽ kích thích sự phát triển của ngành ngân hàng. Năm 1973, MAS cấp phép cùng với những khuyến khích chính sách cho loại hình ngân hàng hải ngoại để thu hút các ngân hàng quốc tế lớn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng hải ngoại, ngoại hối, và ngân hàng bán buôn với người không cư trú. Kết quả là tỷ trọng đóng góp của ngành tài chính vào GDP của Singapore đã tăng lên 12% năm 1997.

Để phát triển ngành quản lý tài sản thì cần phải thu hút nhiều công ty quản lý quỹ thế giới, biến Singapore thành trung tâm đầu tư vào châu Á cũng như cho phép nhà đầu tư châu Á thông qua Singapore đa dạng hóa đầu tư ra châu Á. Nhưng muốn thu hút công ty quản lý quỹ thì phải có thị trường vốn phát triển sâu rộng, phong phú về sản phẩm. Vì vậy, MAS sửa đổi quy chế tạo điều kiện cho các công ty quản lý quỹ thâm nhập thị trường nội địa dễ dàng hơn. Tập đoàn Đầu tư Chính phủ (GIC) và MAS lần lượt đầu tư 35 tỉ đô la Mỹ và 10 triệu đô la Mỹ vốn “mồi” vào các công ty quản lý quỹ tốt và có cam kết phát triển ngành quản lý tài sản trong nước. Quy chế về Quỹ Bảo hiểm xã hội (CPF) được nới lỏng để người đóng bảo hiểm xã hội được thuê nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp đầu tư phần bảo hiểm xã hội được phép đầu tư của mình.

Những biện pháp trên, bên cạnh ưu đãi về thuế, đã biến Singapore thành trung tâm quản lý tài sản thế giới, với quy mô tài sản được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ tại Singapore tăng vọt từ 274 tỉ đô la Mỹ năm 1999 lên 2.600 tỉ đô la Mỹ năm 2015.

Sự thành công của thị trường vốn/chứng khoán Singapore có sự góp mặt của nhận thức và hành động sáng suốt của MAS rằng để ổn định tài chính thì cần phải có sự phát triển sâu rộng của thị trường chứng khoán với vai trò cung cấp vốn cho nhu cầu vay vốn dài hạn để đầu tư nhằm giảm áp lực và rủi ro cho ngân hàng. Theo đó, MAS phát hành Chứng khoán Chính phủ (SGS) (mặc dù Singapore luôn đạt thặng dư ngân sách),nhằm tạo đường cong lãi suất đô la Singapore chuẩn làm cơ sở cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng khác như Ban Phát triển Nhà ở và Bộ Giao thông cũng được khuyến khích phát hành trái phiếu để mở rộng khối lượng trái phiếu bằng đô la Singapore.

MAS còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài phát hành trái phiếu nội tệ thông qua việc nới lỏng dần chính sách không quốc tế hóa đô la Singapore được áp dụng trước đó để hạn chế đầu cơ. Ngân hàng được phép cho người không cư trú vay với số lượng không hạn chế miễn là tiền vay sẽ được đầu tư vào tài sản Singapore.

Thị trường vốn/chứng khoán phát triển còn nhờ sự khuyến khích của chính phủ biến Singapore thành trung tâm thu xếp phát hành và kinh doanh chứng khoán nợ. Chính sách thuế ưu đãi cũng khuyến khích sự phát triển của đội ngũ nhân lực lành nghề về phát hành, bán và kinh doanh nợ.

Việc hợp nhất Sở Giao dịch chứng khoán và Sở Giao dịch tiền tệ quốc tế thành Sở Giao dịch (SGX) đã tạo ra sự tương tác tích cực giữa chứng khoán và phái sinh, làm tăng năng lực tài chính để thực hiện các sáng tạo về tài chính và huy động vốn lớn. Ngoài cải thiện hạ tầng kỹ thuật, SGX còn nới lỏng niêm yết cho doanh nghiệp nước ngoài và liên kết với các sở giao dịch khác trên thế giới. Còn MAS thì tự do hóa phí môi giới, mở cửa tiếp cận cho nhà môi giới cổ phiếu nước ngoài, và mở rộng phạm vi sản phẩm thông qua khuyến khích tạo và bảo hiểm các sản phẩm tài chính cơ cấu, và sử dụng chứng khoán hóa.

Về hệ thống ngân hàng, sự lớn mạnh bắt đầu chủ yếu từ việc tự do hóa ngành ngân hàng nội địa từ năm 1999 rồi tiến hành sáp nhập, hợp nhất hàng chục ngân hàng trong nước thành ba ngân hàng nội địa chính gồm DBS, OCBC và UOB nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tiến ra thị trường hải ngoại. MAS cũng củng cố chất lượng quản trị doanh nghiệp và nâng tiêu chuẩn kế toán theo mức quốc tế, hướng dẫn tách biệt hoạt động phi tài chính với hoạt động tài chính của các tập đoàn ngân hàng, cũng như hạn chế sở hữu chéo.

Cách tiếp cận với các thách thức phía trước

Dù gặt hái nhiều thành công nhưng hiện tại ngành tài chính Singapore đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên là thách thức từ cách mạng số và công nghệ tài chính (FinTech) đang định hình lại toàn bộ ngành tài chính. Để theo kịp thời đại, MAS đang xây dựng hệ sinh thái cần thiết thu hút tất cả các bên liên quan trong và ngoài nước, gồm doanh nghiệp công nghệ, tài chính và startup. MAS đưa ra các quy chế mới thúc đẩy sáng tạo trong ngành và hỗ trợ FinTech như giới thiệu “sandbox thể chế” cho phép doanh nghiệp FinTech tự tin thí nghiệm và tung ra các sản phẩm sáng tạo trong khuôn khổ được kiểm soát; tiến hành đào tạo nhân lực giỏi công nghệ; phát triển việc lưu trữ dữ liệu đám mây hiệu quả và an toàn; và khuyến khích sử dụng các nền tảng công nghệ chung và giao diện chương trình ứng dụng (API).

Thách thức lớn khác là phòng chống rửa tiền ngày càng tăng về quy mô và độ tinh vi. Giải pháp của MAS gồm bốn cấu thành: quy chế nghiêm, giám sát chặt, thực thi cứng rắn, và hợp tác quốc tế hiệu quả.

Phát triển nhân tài cũng luôn là một thách thức. MAS thành lập Ủy ban ba bên ngành tài chính (FSTC) quy tập các hiệp hội ngành, cơ quan chính phủ và công đoàn, với nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực tài chính cho Singapore.

Phan Minh Ngọc

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/287356/cau-chuyen-thanh-cong-cua-nganh-tai-chinh-singapore-.html