Câu chuyện SuperMicro và những hệ lụy

Vụ Trung Quốc cấy ghép chip gián điệp vào bản mạch chính máy chủ do SuperMicro, Mỹ sản xuất và cung ứng đang gây nhiều hệ lụy cho hệ thống dây chuyền cung ứng hàng điện tử toàn cầu, nhưng cũng mở ra cơ hội cho các nước khác.

Trung Quốc cấy ghép chip gián điệp vào bản mạch chính máy chủ do hãng SuperMicro của Mỹ sản xuất.

Phần cứng cũng không an toàn

Khoảng mười ngày trước, báo BusinessWeek thuộc hãng tin Bloomberg đã cho nổ một quả bom trong ngành công nghiệp điện tử thế giới: tiết lộ chuyện các điệp viên của quân đội Trung Quốc đã dùng nhiều thủ đoạn để cấy ghép một con chip do thám vào bản mạch chính (mother board) dùng trong các máy chủ (server) mà hãng SuperMicro Computer Inc. cung cấp cho rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp khắp thế giới. Có ít nhất 30 công ty lớn của Mỹ sử dụng máy chủ của SuperMicro, trong đó có những tập đoàn lớn như Amazon và Apple. Mặc dù cả Apple và Amazon đều nhanh chóng phản bác những thông tin chi tiết và chặt chẽ của báo BusinessWeek, một số chuyên gia công nghệ tại Silicon Valley cho rằng, việc này hoàn toàn có thể xảy ra.

Nếu cáo buộc của BusinessWeek là đúng thì có thể đây là lần đầu tiên hoạt động “tin tặc” được thực hiện bằng việc cấy ghép linh kiện phần cứng vào sản phẩm mà nhà sản xuất không hay biết, hoặc không phát hiện được. Nỗi nghi ngờ nhắm tới Trung Quốc một phần do nước này giữ vai trò cốt lõi trong dây chuyền cung ứng toàn cầu các sản phẩm điện tử-tin học, do chính quyền Trung Quốc kiểm soát và can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, và phần khác do tham vọng của Trung Quốc muốn vượt mặt các quốc gia tiên tiến về công nghệ cao qua việc đầu tư rất mạnh vào 11 ngành công nghệ mới trong chương trình “Made in China 2025”.

Lòng tin bị đánh cắp

Trong nhiều năm qua, các công ty công nghệ Mỹ dựa vào các nhà máy sản xuất ở nước ngoài để sản xuất phần lớn linh kiện cho các thiết bị điện tử mà họ thiết kế và bán ra, từ điện thoại di động, máy tính cá nhân cho đến những mặt hàng cao cấp nhất. Phương thức đưa sản xuất ra nước ngoài này là động lực chính đem lại tăng trưởng kinh tế cho Mỹ, và đặc biệt là cho Trung Quốc, nơi có nhiều nhà máy lắp ráp, đóng gói, thử nghiệm sản phẩm cho các công ty công nghệ Mỹ. Người tiêu dùng cũng được hưởng lợi nhờ sản phẩm điện tử trở nên tối tân hơn, phong phú hơn và giá cả cũng phù hợp hơn. Với trường hợp motherboard của SuperMicro, độ tin cậy của mối quan hệ bị phá vỡ, Trung Quốc chắc chắn sẽ mất mối làm ăn, và doanh nghiệp Mỹ sẽ tốn thêm nhiều chi phí cho việc sản xuất, kiểm định sản phẩm, chưa nói tới việc chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất điện tử trở lại nước Mỹ hay một số nước thứ ba ngoài Trung Quốc.

Tờ The Financial Times (Anh) trích lời một quan chức Mỹ về hưu, từng phụ trách chính sách về Trung Quốc, nói rằng câu chuyện máy chủ SuperMicro sẽ làm gia tăng áp lực buộc các nhà công nghiệp phải đưa hoạt động sản xuất ra khỏi quốc gia đó, “Đây mới thực là vấn đề chiến tranh thương mại: gỡ bỏ mối liên kết giữa kinh tế Trung Quốc và kinh tế Mỹ”.

Cơ hội mới?

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chuyển sản xuất điện tử ra khỏi Trung Quốc là chuyện nói dễ, làm khó, chuyển về Mỹ là điều không tưởng. Theo ước tính của Henry Yeung thuộc trường Đại học quốc gia Singapore, năng lực sản xuất sản phẩm điện tử của Trung Quốc chiếm một nửa tổng năng lực toàn cầu của ngành này: Hơn một nửa số điện thoại di động của thế giới được sản xuất ở Trung Quốc; các nhà máy ở Trung Quốc lắp ráp 40% sản phẩm bán dẫn của thế giới. Trong số 420 nhà máy do 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple vận hành, có 357 nhà máy tại Trung Quốc trong khi tại Mỹ chỉ có 63 nhà máy, theo The Economist.

Trước đây, do giá nhân công ở Trung Quốc tăng cao, và để tránh phụ thuộc vào một quốc gia cung cấp, nhiều tập đoàn công nghệ đã đưa ra phương thức “China + 1”. Tập đoàn Samsung chẳng hạn, đã chuyển một bộ phận sản xuất sang Việt Nam năm 2009 và biến nơi đây thành nước làm ra nhiều điện thoại di động thứ hai thế giới. Một số tập đoàn khác đã theo sau nhưng chưa tạo thành một xu hướng có ý nghĩa, một phần cũng do những quốc gia ngoài Trung Quốc chưa thật hấp dẫn đầu tư công nghệ.

Huỳnh Hoa

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280638/cau-chuyen-supermicro-va-nhung-he-luy-.html