Câu chuyện Shark Tank gây tranh cãi: Lên tiếng bảo vệ nạn nhân bị cho là 'quan trọng hóa vấn đề'?

Trước lùm xùm xung quanh câu chuyện Shark Tank bông đùa trên sóng truyền hình, bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ cho rằng, thực tế những người phụ nữ phản ứng khi bị trêu ghẹo, đùa cợt hay lên tiếng cho nạn nhân vẫn bị cho là quan trọng hóa vấn đề.

Bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ.

Bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ.

Bà có quan tâm câu chuyện Shark Tank bông đùa một người phụ nữ ngay trên sóng truyền hình vừa qua?

Bản thân tôi không xem chương trình này thường xuyên vì đầu tư và kinh doanh không là mảng chuyên môn của tôi.

Qua báo chí và mạng xã hội tôi được biết, gần đây có những thảo luận trái chiều về việc một Shark cho rằng mình quyết định đầu tư vào một start-up vì lí do cô ấy xinh đẹp mà không quan tâm đến dự án đầu tư của cô ấy.

Tôi thấy nhiều người, trong đó có các chuyên gia và những người ủng hộ bình đẳng giới phẫn nộ. Tuy nhiên, không ít người nói, các shark có tiền nên họ có quyền, nếu thấy chương trình có vấn đề thì chuyển kênh hay những câu nói của các shark là bình thường.

Vì vậy, tôi phải tìm lại clip để xem và quả thật tôi nghẹt thở và bức xúc vì không chỉ một người nói ra những điều phản cảm, kì thị giới mà cả 3 nhà đầu tư còn lại cũng ủng hộ cho điều này. Không ai tỏ thái độ hay có lời nói phản đối trong những khung hình được phát sóng.

Việc lấy danh nghĩa trêu ghẹo hay ngợi khen ngoại hình, hành vi quấy rối phụ nữ thậm chí được mặc nhiên chấp nhận trong nhiều trường hợp ngoài thực tế. Tại sao vậy?

Quá trình công tác cho tôi thấy rằng, nhiều người không biết những thái độ, lời nói và hành vi nào có thể được xem là kỳ thị giới, quấy rối tình dục hay phân biệt đối xử trên cơ sở giới.

Cũng nhiều người không ý thức được những hệ lụy mang tính pháp lý và xã hội đối với những lời nói và hành vi của mình. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng nói về quấy rối tình dục trong môi trường công việc của họ là nhạy cảm mà không biết rằng, pháp luật của Việt Nam đã có những quy định rất cụ thể về việc nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử và quấy rối tình dục.

Trong khi đó, nhiều nạn nhân không ý thức được mình bị quấy rối tình dục hoặc bị phân biệt đối xử. Cũng có trường hợp nạn nhân ý thức được nhưng vì đang ở vị trí thấp hơn, phụ thuộc vào người khác nên lựa chọn giải pháp im lặng.

Đâu đó trong xã hội vẫn còn lưu truyền câu nói mang tính khuôn mẫu, định kiến như “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” cho nên những phụ nữ phản ứng khi bị người khác trêu ghẹo, đùa cợt, thậm chí quấy rối tình dục hay lên tiếng cho nạn nhân vẫn bị cho là quan trọng hóa vấn đề.

Các tiêu chí ngoại hình bị đem ra đánh giá có phải là một biểu hiện của việc coi thường phụ nữ?

Tôi nghĩ không hẳn vậy. Nó tùy thuộc vào không gian khi những lời khen hay “nhắc nhở” về ngoại hình được đưa ra. Nếu khen nhau trong không gian riêng tư để thể hiện tình cảm, hoặc nhắc nhở giảm cân hay tăng cân để bảo đảm sức khỏe thì tôi nghĩ là chấp nhận được.

Tuy nhiên, ở nơi công cộng và nơi làm việc, kể cả là trong doanh nghiệp do mình đầu tư thì cần cẩn trọng. Lúc đó, nó không còn là vấn đề coi thường phụ nữ hay nam giới nữa, đó là coi thường pháp luật về bình đẳng giới và phân biệt đối xử.

Shark Phú trêu đùa người chơi khiến dư luận nổi sóng.

Có chuyên gia cho rằng đây cũng là quấy rối tình dục, bà nghĩ sao?

Hiện nay ở Việt Nam, một trong những khái niệm về quấy rối tình dục đang được sử dụng là quy định trong Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, quấy rối tình dục (tại nơi làm việc) là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác (tại nơi làm việc) mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.

Theo khái niệm này thì lời nói và thái độ của các nhà đầu tư trong chương trình Shark Tank có được cho là quấy rối tình dục hay không phụ thuộc vào đánh giá hay cảm nhận của CEO Wiibike.

Không là người trong cuộc nên tôi không biết cảm xúc thật của CEO Wiibike là gì và cô ấy có cho rằng mình đã bị quấy rối hay không.

Tuy nhiên, tôi muốn nói đến hai vấn đề ở đây. Thứ nhất, ê kíp thực hiện chương trình này và đài truyền hình đã thiếu sót khi bỏ lọt một số nội dung phản cảm và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới công chúng.

Nếu không có những người lên tiếng phản biện, vô hình trung công chúng sẽ tiếp tục chấp nhận những lời trêu đùa, chọc ghẹo ngoại hình người khác một cách công khai tại nơi công cộng. Đồng thời, cũng không giúp những người tham gia chương trình biết mình cần phải thay đổi như thế nào.

Thứ hai, có thể người bị trêu ghẹo, cợt nhả không ý thức được mình là nạn nhân của quấy rối tình dục tại thời điểm hiện tại. Nhưng trong tương lai, khi người này ý thức được mình là nạn nhân thì có thể tố cáo và khởi kiện người gây ra những lời nói và hành vi này dù nó đã diễn ra trong quá khứ. Đây là điều tôi đã gặp trong thực tế và thường cảnh bảo mọi người trong quá trình trao đổi về vấn đề quấy rối tình dục.

Việc phát ngôn của Shark Phú có phải ngầm gửi thông điệp về việc người phụ nữ chỉ cần đẹp thì mọi năng lực, sáng tạo sẽ không còn quá quan trọng như nhiều nhận định?

Xem clip tôi không nghĩ như vậy. Mặc dù ông Phú nói chỉ quan tâm đến ngoại hình xinh đẹp của CEO Wiibike mà không quan tâm đến business của cô ấy nhưng ông Phú đã đặt ra một số câu hỏi để CEO Wiibike giải thích về giải pháp của công ty và cân nhắc lợi ích mà mình có được khi quyết định đầu tư 1,5 tỷ vào startup này.

Theo đó, CEO Wiibike đề xuất 1,5 tỷ cho 1% cổ phần nhưng ông Phú đề nghị cùng số tiền nhưng chiếm 10% cổ phần và phương án đầu tư đã được chốt theo lời đề nghị của ông Phú.

Dù khen CEO Wiibike xinh đẹp với sự cổ vũ của những người khác nhưng ông Phú vẫn cân nhắc lợi ích của mình dưới góc độ là nhà đầu tư. Đó là những gì tôi thấy được qua chương trình phát sóng, còn câu chuyện sau sân khấu thế nào thì tôi không có thông tin để đánh giá.

Những bình phẩm về ngoại hình của các nhà đầu tư tưởng như "vô thưởng vô phạt" trong lúc ngẫu hứng có phải đang hạ thấp năng lực của phụ nữ trên một sân chơi về đầu tư, kinh doanh?

Tôi không thể biết được liệu trong thực tế ông Phú có đánh giá thấp năng lực kinh doanh của phụ nữ, cụ thể là CEO Wiibike hay không.

Tôi tin rằng, một cuộc đàm phán đầu tư không chỉ kéo dài trong thời gian ngắn như được phát trên truyền hình. Nhưng sự trêu đùa, cợt nhả về ngoại hình của người khác và được phát sóng rộng rãi trên truyền thông vô hình trung gây tác hại lớn đối với những nỗ lực của các bên liên quan, kể cả các cơ quan nhà nước, báo chí, truyền thông trong xóa bỏ định kiến giới và phân biệt đối xử về giới.

Xin cảm ơn bà!

Nguyệt Anh

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cau-chuyen-shark-tank-gay-tranh-cai-len-tieng-bao-ve-nan-nhan-bi-cho-la-quan-trong-hoa-van-de-145146.html