Câu chuyện người Mỹ đi bán 3.000 tấn đậu khô tại Việt Nam

Đậu khô (dry peas & lentils) là nguyên liệu thực phẩm đang được ưa chuộng bởi có nhiều chất xơ, giàu đạm và dễ chế biến thành các món ăn, đồ ăn vặt (snack), thức uống và các loại bột đạm thực vật cho người chơi thể thao. Các loại đậu này hợp với khuynh hướng thực phẩm có lợi cho sức khỏe (healthy food) hiện nay.

Tiến sĩ Dee Richmond - đại diện của Hội đồng Đậu khô Hoa Kỳ (US Dry Pea & Lentil Council) - nói thị trường ASEAN tiêu thụ mỗi năm khoảng 15.000-20.000 tấn đậu khô của nhà nông Mỹ. Philippines và Thái Lan là hai thị trường mà hạt đậu khô Mỹ đã chiếm lĩnh trong hai năm qua. Việt Nam là một thị trường tiềm năng mới mà ngành hàng đậu khô Mỹ nhắm tới bởi “người tiêu dùng ở đây ngày càng quan tâm đến sức khỏe, chăm sóc bản thân mình”.

Bà Richmond cũng nói rằng hạt đậu khô Mỹ chính thức bước vào thị trường Việt Nam từ năm 2013 nhưng đã có mặt trước đó ở các nhà hàng và khách sạn cao cấp. Sau thời điểm đó, Mỹ bị Canada “hất” ra khỏi thị trường Việt Nam. Một số sản phẩm của Trung Quốc và Myanmar cũng cạnh tranh, nhưng không bằng chất lượng hàng Mỹ.

Đại diện nhà nhập khẩu Công ty Trung Minh Thanh (phải) giới thiệu với khách hàng các loại đậu khô Mỹ. (Ảnh: Ricky Hồ).

Robert Woodrich, một trong những nhà tư vấn từ Công ty Paper & Page nói rằng, họ chọn Facebook là kênh tiếp cận chính đối với thị trường Việt Nam. Các số liệu do công ty này tổng hợp cho thấy: Với 55 triệu tài khoản, Việt Nam đứng thứ bảy trên thế giới về lượng người sử dụng. Trong khi đó, với 13 triệu tài khoản, TP.HCM đứng thứ 10 trong top 10 các thành phố có đông người xài Facebook trên toàn cầu. “Đây sẽ là kênh hiệu quả nhất so với YouTube hay Instagram để chúng tôi tiếp cận thị trường tiềm năng của Việt Nam” - Woodrich nói.

Một fanpage và trang mạng với cách chế biến các món ăn từ hạt đậu khô được hình thành. Bà Richmond nói hạt đậu khô còn quá mới mẻ với người Á châu, đặc biệt là người Việt. Vì thế, sau khi giới thiệu các lợi ích của hạt đậu đối với sức khỏe, cách thức chế biến món ăn rất quan trọng. Còn Woodrich thì nói ngoài công thức nấu ăn rất phổ biến trên các trang ở Philippines và Thái Lan, hai trang của hiệp hội sẽ dần có các món thích hợp với khẩu vị của người Việt.

Trong buổi giới thiệu tối 14/11 tại TP.HCM, Hiệp hội Đậu khô Mỹ cũng chọn đầu bếp nổi tiếng người Mỹ gốc Việt - Jack Lee - để trình diễn nấu các món ăn chế biến với hạt đậu khô. Jack Lee là gương mặt quen thuộc trong các chương trình ẩm thực “Đầu bếp nhí” và “Chuẩn cơm mẹ nấu”. Vị đầu bếp này từng chế biến các món ăn với đậu khô cho cựu Tổng thống Ronald Reagan và ngôi sao điện ảnh Angelina Jolie…

Bà Richmond nói hy vọng bán ra thị trường Việt Nam 3.000 tấn đậu trong năm 2019! Con số khá khiêm tốn, nhưng bà Richmond nói rằng: “Chỉ cần đạt được như vậy là cảm thấy hạnh phúc bởi người Việt hiểu được lợi ích sức khỏe của hạt đậu khô và chất lượng nông sản từ Mỹ”.

Không chỉ có đậu, người Mỹ tiếp thị bài bản các mặt hàng nông sản của họ. Phòng Nông nghiệp Đối ngoại thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tại TP.HCM luôn tấp nập các chương trình giới thiệu nông sản Mỹ. Danh sách các mặt hàng nông sản tăng dần và ngày càng đa dạng: Thịt bò, trái cây, sâm, thủy hải sản, các loại rượu vang và rượu bourbon…

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2018, người tiêu dùng trong nước đã chi gần 1,5 tỷ USD cho thực phẩm và trái cây ngoại nhập. Thái Lan chiếm tỷ lệ hơn 43%, Trung Quốc 23% và tiếp đến là Australia, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. “Chúng tôi muốn tăng dần thị phần tại Việt Nam, nhưng chú trọng phân khúc nông sản chất lượng cao và giành trọn cảm tình của người tiêu dùng Việt Nam” - Tùy viên Nông nghiệp cấp cao Gerald Smith nói.

Hồ Nguyên Thảo

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/cau-chuyen-nguoi-my-di-ban-3000-tan-dau-kho-tai-viet-nam-d72319.html