Câu chuyện Mekong Connect: Cất cánh với chuỗi giá trị và công nghệ mới?

Tài nguyên bản địa Việt Nam được coi là 'mỏ vàng' còn rất nhiều dư địa để khai thác, làm giàu. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ, việc khai thác và phát triển tài nguyên bản địa gặp không ít thách thức. Làm gì để những 'mỏ vàng' này cất cánh?

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Công ty Mía đường Lam Sơn. Ảnh Khoa học & Phát triển

Cuộc gặp gỡ giữa những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam về khai thác tài nguyên bản địa như Vinamit, Saigon Food, Mắm Bà giáo khỏe, Betrimex, Kim & Kim, Công ty Thực phẩm Đông Bắc Á… trong tọa đàm Làm giàu bằng tài nguyên bản địa do TheLEADER và BSA đồng tổ chức đã đưa ra những thông điệp rất hữu ích và gần gũi cho doanh nghiệp

Lão nông 80 tuổi ứng dụng Big Data và trí tuệ nhân tạo

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã đưa ra một ví dụ thú vị về việc "Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp với sức mạnh công nghệ”.

Bà Hạnh kể, có một ông nông dân cao tuổi, hơn 80 rồi mà năng động lắm, ông ấy là Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Mía đường Lam Sơn (Lasuco) với 30ha đất nông trại, hơn 15.000 thửa ruộng mía và 30.000 công nhân đã ứng dụng Big Data và trí tuệ nhân tạo vào nông nghiệp, đây là một tín hiệu rất hứa hẹn cho nông nghiệp Việt Nam.

Nhờ công nghệ này mà ông Tam nói 1.000 chuyến xe tải của công ty để vận chuyển mía, không còn sợ cảnh sát giao thông đứng suốt đường quốc lộ “săn sóc” nữa. Cũng vậy, việc vận hành từ trồng tỉa đến thu hoạch đều thông suốt dù thời tiết thay đổi liên miên.

Anh hùng Lao động Lê Văn Tam, Chủ tịch Công ty Mía đường Lam Sơn giới thiệu mô hình sản xuất mía chất lượng cao tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao ...

Đây là công trình nghiên cứu của các bạn trẻ ứng dụng Công nghiệp 4.0 mà ông Lê Văn Tam sẽ trình bày cặn kẽ tạo Mekong Connect 2017 sắp tới. Nhóm kỹ sư cũng muốn thử đưa công nghệ vận hành này về với các tỉnh ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ Đồng Tháp) xem sao... Cuộc hội ngộ giữa các tầng nấc về công nghệ tại Mekong Connect hy vọng sẽ là một cú hích cho bước đi lên của Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển nông nghiệp và những nghịch lý

Các thành viên dự tọa đàm đã cùng thảo luận về những điều nghịch lý trong phát triển nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long, và có những nỗi lo được phân tích. Ví dụ, một cảnh báo vô cùng thực tế: “Việt Nam có bệnh hay theo đuôi phong trào, nhiều tỉnh đang “phấn đấu” có một khu nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi đó, các tỉnh đồng bằng vẫn còn nặng tư duy sản xuất, thay vì tư duy kinh tế, tức là phải tư duy theo cả chuỗi giá trị thì mới đạt hiệu uqả trong sản xuất kinh doanh được”.

Theo bà Kim Hạnh, những nước giàu như Nhật hay các nước châu Âu đều rất quý trọng tài nguyên bản địa, giữ gìn cái gen, cái giống của cây trồng vật nuôi bản địa, từ con côn trùng, thực vật, động vật, cùng với văn hóa, ẩm thực… đó là giữ hồn văn hóa, nguồn gốc tạo ra phát triển kinh tế. Nhờ thế các nghề cổ truyền được hiện đại hóa, nâng cao, làm tăng tài sản quốc gia, đồng thời giữ người giỏi, trẻ ở lại các miền quê đó, không bị chảy chất xám lên thành phố.

Đi xuống mấy tỉnh đồng bằng, thấy mấy em trẻ khởi nghiệp, chắt chiu từ cây cỏ ngọt, cây sen, củ ấu… nhưng họ thiếu vốn, thiếu kỹ năng quản trị. Nếu điều này làm được đều khắp ở mỗi địa phương thì lao động trẻ đâu phải đổ về thành phố làm nghề lao động phổ thông quá phí.

Đất nước mình là kinh tế nhiệt đới, mừng là tài nguyên bản địa rất nhiều, còn xứ Nhật Bản có 6 tháng ấm thôi, còn 6 tháng lạnh đất đóng băng lấy gì cây mọc. Nhưng nước mình rất ít sinh viên theo học về các ngành cây trồng, vật nuôi nông nghiệp.

Trong khi đó, chúng ta cũng ngày càng hiểu hơn, mỗi loại cây đều có thể phát triển tất cả các phụ phẩm, thậm chí phế phẩm thành chính phẩm, như cây lúa, cây sen, cây dừa đều rất quý, có thể tạo ra những sản phẩm quý giá thành còn cao hơn cả hạt gạo, hạt sen, nhưng chúng ta sẽ bị lúng túng về thiết bị chế biến, bảo quản, và kỹ năng kinh doanh các sản phẩm này.

Cuộc chiến về nông ngư cơ ở đồng bằng hiện nay cũng còn hết sức ngổn ngang. Thị trường mở rộng ra các nước ASEAN và các nhà sản xuất nông cơ của chúng ta cũng tìm thấy ở các xu hướng tiêu dùng nông sản mới những hướng đi mới.

Ví dụ, công ty Bùi Văn Ngọ tìm thêm được một hướng mới, chuyển qua làm máy nhỏ, vì nông nghiệp hữu cơ sẽ sản xuất khối lượng ít, liên tục làm sản phẩm mới. Thái Lan có 100 món về dừa. Người ta có cả những phân khoa, trường đại học miệt mài phát triển sản phẩm, phát triển thị trường, đưa công nghệ mới vô để tổ chức thành chuỗi.

Ông Bùi Phong Lưu, Công ty Bùi Văn Ngọ, cho rằng máy của công ty ông có thể cạnh tranh bằng các loại máy nhỏ để xuất qua Thái Lan. Người ta tấn công sang thị trường mình thì không còn cách nào khác là mình phải đi tìm thị trường ngay chính các nước ASEAN.

Nói về thực trạng của đời sống nông dân, bà Kim Hạnh bức xúc: “Đồng bằng sông Cửu Long đứng đầu về cá tra và tôm sú xuất khẩu, nhưng giá cứ phập phù do thói tật cạnh tranh dìm giá lẫn nhau của nông dân. Có tập đoàn muốn đầu tư thay đổi tập quán quá “lụy” vì hóa chất của nông dân nhưng hiện cũng đang khó khăn trong việc thay đổi tập quán này".

Theo bà Kim Hạnh, khi mà phân bón, thuốc trừ sâu có độc tố vẫn được bán tự do, thói quen của người nông dân nghĩ ngắn, trồng cây kiểu mì ăn liền cũng khó mà thay đổi một sớm một chiều. Nơi làm ra nhiều gạo và cá nhất cho cả nước lại là vùng trũng, yếu kém nhất so với cả nước về giáo dục.

"Con nít nghèo quá đi bắt cua bắt ốc, đâu được đến trường, mà cũng không muốn đến trường. Cứ 1 km2 đất trên bộ có 70 km đường thủy, nhưng trong 10 năm gần đây Nhà nước chỉ đầu tư 10% cho giao thông thôi, trong khi Đồng bằng quá cần giao thông thì việc đầu tư còn quá xa nhu cầu”, bà Kim Hạnh cho biết thêm.

Làm sao để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa?

Cũng chia sẻ tại tọa đàm này, bà Vũ Kim Hạnh cho biết Mekong Connect 2017 là diễn đàn tổ chức lần thứ 3 mà Hội kết hợp với bốn tỉnh ABDC Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) tổ chức. Năm nay còn phối hợp tổ chức với Amcham và Liên minh tạo thuận lợi thương mại Việt Nam.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao

“Sau nhiều lần trao đổi, thăm dò, chúng tôi chọn chủ đề Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp với sức mạnh công nghệ” để góp sức với đồng bằng sông Cửu Long: Làm giàu bằng tài nguyên có sẵn với nguồn nhân lực của địa phương, tài năng của địa phương cùng với sự hỗ trợ của công nghệ mới.

Năm 2017, Mekong Connect cũng ra mắt Nhóm chuyên gia nghiên cứu về nông nghiệp và Đồng bằng sông Cửu Long. Nhóm chuyên gia này đã vào cuộc với năm đề tài nghiên cứu được ban tổ chức Mekong Connect đặt hàng: nghiên cứu về các tài nguyên: Dừa, Cá, Gạo, Du lịch sinh thái với tài nguyên Sen mà các nội dung: xây dựng chuỗi giá trị cho từng loại tài nguyên cùng với vấn đề phát triển sản phẩm và thương mại hóa sản phẩm”. Các kết quả nghiên cứu này sẽ được cung cấp ngay tại diễn đàn và sau đó, tiếp tục được tư vấn sâu hơn cho doanh nghiệp các tỉnh khai thác các nghiên cứu này.

Nhật Bản, Thái Lan là những quốc gia rất quan tâm đến tài nguyên bản địa và họ sử dụng rất nhiều chương trình để thúc đấy sản vật địa phương phát triển. Sau Mekong Connect, dự kiến tháng 11 tới đây, Hội sẽ tổ chức festival về chỉ dẫn địa lý phối hợp với đại sứ châu Á của chương trình này của Liên Hiệp Quốc.

Quỳnh Trang - Kim Yến

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cau-chuyen-mekong-connect-cat-canh-voi-chuoi-gia-tri-va-cong-nghe-moi-20171013123608806.htm