Câu chuyện kỳ lạ về người sinh ra ở tuổi 70 và chết đi là đứa trẻ

'Cuộc sống sẽ chắc chắn vui vẻ hơn nếu chúng ta có thể sinh ra ở tuổi 80 và dần dần đi đến tuổi 18' - Mark Twain.

Câu nói của Mark Twain đã được cụ thể hóa bằng truyện ngắn nổi tiếng của F. Scott Fitzgerald mang tên The Curious Case of Benjamin Button.

Cuộc đời kỳ lạ

Năm 1860 tại vùng Baltimore, cậu bé Benjamin Button ra đời với dáng vẻ bề ngoài của một ông lão 70 tuổi và đã tự biết nói. Cha của cậu khi ấy đã mời các cậu bé trong khu phố đến chơi với con trai và buộc cậu phải chơi đồ chơi của lũ con nít, nhưng cậu chỉ làm một cách chống chế để làm vừa lòng cha.

Khi 5 tuổi, Benjamin được gửi đến lớp mẫu giáo nhưng nhanh chóng bỏ học vì liên tục ngủ gật trong các hoạt động tập thể của lớp.

Hành trình lão hóa ngược của Benjamin.

Hành trình lão hóa ngược của Benjamin.

Năm 18 tuổi, Benjamin được tuyển và Đại học Yale nhưng nhanh chóng bị đuổi về chỉ vì vẻ ngoài trông như ông cụ 50 tuổi của mình. Mãi đến khi 20 tuổi, gia đình Button mới nhận ra cậu đang lão hóa ngược.

Năm 1880, cha cậu nhường lại quyền điều hành công ty cho con trai. Benjamin khi này đã phải lòng cô gái trẻ Hildegarde và cầu hôn cô. Hildegarde vốn thích những người đàn ông lớn tuổi và đã đồng ý kết hôn với Benjamin sau sáu tháng quen biết mà không hề biết được tình trạng của chồng.

Nhưng nhiều năm về sau đó, công việc làm ăn của Benjamin càng ăn nên làm ra thì ông lại càng chán ngán nhan sắc và tính cách của vợ. Ông gia nhập quân đội và đạt được nhiều chiến công lớn, đến khi giải ngũ, Benjamin đã được trao tặng huân chương cao quý.

Năm 1910, khi đã 50 tuổi thì Benjamin lại trông như một chàng thanh niên mới chỉ 20, ông nhường lại công ty cho con trai mình và thi tuyển vào trường Harvard. Năm học đầu tiên của Benjamin vô cùng thành công khi ông gia nhập đội bóng bầu dục của trường và đã đánh bại trường Yale, nơi đã từng từ chối ông khi xưa. Nhưng ở những năm cuối đại học, Benjamin chỉ còn thể lực của người 16 tuổi và không còn đủ sức chơi bóng.

Tập truyện The Curious Case of Benjamin Button của F. Scott Fitzgerald.

Sau khi tốt nghiệp, Benjamin trở về nhà sống với con trai, nhưng lại bị buộc phải gọi con là “chú” bởi bề ngoài quá trẻ. Năm tháng trôi qua, Benjamin quay trở lại tuổi dậy thì khó chiều và ngày càng bé lại. Ông đi học lớp mẫu giáo cùng cháu mình và mất dần ký ức, không thể nhớ gì khác ngoài người y tá chăm sóc mình. Câu chuyện khép lại bằng khung cảnh bóng tối xâm chiếm trí não của Benjamin.

Một nhân vật không phải "độc nhất vô nhị"

Truyện ngắn The Curious Case of Benjamin Button của F. Scott Fitzgerald được đăng tải lần đầu trên tạp chí Collier’s ngày 27/5/1922. Tác phẩm sau đó đã được in trong tập Tales of the Jazz Age (Thời đại nhạc Jazz), đôi khi còn được biết đến với cái tên The Curious Case of Benjamin Button and Other Jazz Age Stories.

Nhưng Fitzgerald không phải là người duy nhất có ý tưởng về lão hóa ngược. Bản thân ông đã từng viết trong lời giới thiệu truyện ngắn rằng ông đã tình cờ đọc được cốt truyện tương tự trong truyện Note-Book của Samuel Butler chỉ vài tuần sau khi Benjamin Button được xuất bản.

Nhà văn nổi tiếng người Mỹ F. Scott Fitzgerald.

Trước đó, năm 1921, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Anh Oliver Onions đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mang tên The Tower of Oblivion kể về một người đàn ông 45 tuổi bị lão hóa ngược, càng ngày càng trẻ ra.

Mô-típ này cũng được lặp lại nhiều lần trong các tác phẩm lớn nhỏ như truyện ngắn Mr F. is Mr F. của J. G. Ballard hay Angel of the Backward Look của Jennifer Loraine, tiểu thuyết The Iowa Baseball Confederacy của W. P. Kinsella, The Once and Future King của T. H. White hay From the Dust Returned của Ray Bradbury.

Có thể nói Benjamin Button không phải là độc nhất vô nhị, nhưng lại là nhân vật nổi tiếng nhất bởi bộ phim chuyển thể năm 2008 cùng tên với 13 đề cử hạng mục Oscar.

Một bộ phim xuất sắc

The Curious Case of Benjamin Button hay còn được biết đến với cái tên Dị nhân Benjamin của đạo diễn David Fincher là một bộ phim đẹp. Đẹp không chỉ bởi màu phim, từng khung hình phim, về nội dung hay dàn diễn viên mà còn bởi thông điệp nó truyền tải.

Với sự hóa thân xuất sắc của hai diễn viên Brad Pitt trong vai Benjamin và Cate Blanchet trong vai Daisy, Dị nhân Benjamin gửi đến cho khán giả ý nghĩa của hạnh phúc đích thực, đó đôi khi không phải là giữ được vẻ bên ngoài trẻ trung mà là được già đi bên cạnh người mình yêu thương.

Bộ phim nhận được 13 đề cử Oscar bao gồm cả Bộ phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Dù để thua ở các hạng mục quan trọng, nhưng Dị nhân Benjamin vẫn mang về 3 tượng vàng ở Hóa trang, Kỹ xảo và Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất, điều mà bộ phim đã hoàn toàn chinh phục khán giả khắp thế giới.

Brad Pitt và Cate Blanchet trong phim Dị nhân Benjamin (2008).

Đạo diễn Woody Allen có lần đã nói rằng: “Nếu còn có kiếp sau, tôi muốn sống cuộc-đời-ngược. Tôi sẽ bắt đầu cuộc đời bằng cái chết rồi từ từ thoát ra khỏi đó. Sau đó tôi thức dậy trong viện dưỡng lão và dần khỏe qua từng ngày cho tới khi rời khỏi đó với tiền lương hưu. Rồi bắt đầu làm việc trong suốt 40 năm và dành dụm đủ cho tuổi trẻ: tiệc tùng, ngao du quên sầu… rồi dần tới trường và trở thành một đứa trẻ và không phải chịu trách nhiệm gì cả. Cuối cùng tôi có thể tạm biệt cuộc đời này với một cơn cực khoái!”

Benjamin Button của F. Scott Fitzgerald hay David Fincher đều đã may mắn được sống cuộc đời như Allen mơ ước. Còn chúng ta, không quan trọng là già đi hay trẻ lại, quan trọng là có thể nắm bắt được những cơ hội để là chính mình, để yêu thương và để sống một cuộc đời mà ta tự hào về.

Thu Hoài

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cau-chuyen-ky-la-ve-nguoi-sinh-ra-o-tuoi-70-va-chet-di-la-dua-tre-post877977.html