Câu chuyện khởi nghiệp: Lối đi ngay dưới chân mình

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, gần đây, tinh thần khởi nghiệp đã trở thành phong trào và không ngừng lan tỏa.

 Anh Bùi Thành Được và sản phẩm ống hút bằng cỏ bàng

Anh Bùi Thành Được và sản phẩm ống hút bằng cỏ bàng

Khởi nghiệp đã trở thành phong trào và không ít câu chuyện "dựng nghiệp" chứa đầy sự dấn thân, mạo hiểm, như anh Bùi Thành Được (xã Tân Chánh, Cần Đước, Long An) mở cơ sở Miền Tây Xanh sản xuất ống hút bằng cây cỏ bàng - loại cỏ mọc rất nhiều ở miền sông nước. Ý tưởng khởi nghiệp từ chiếc ống hút bằng cỏ đến với chàng trai trẻ tuổi khi anh đi qua cánh đồng mênh mông đầy cỏ bàng ở huyện Đức Hòa (Long An). Ống hút cỏ bàng sạch, đẹp mắt, có thể tái sử dụng thay thế cho ống hút nhựa. Để sản phẩm đạt chuẩn, phù hợp với nhu cầu "sống xanh", các công đoạn chọn, cắt, thông ruột cỏ đều được làm thủ công, riêng khâu sấy dùng máy. "Mặc dù mới chào hàng thị trường nhưng ống hút cỏ đã được một số nhà hàng, khách sạn tại Long An, TP. Hồ Chí Minh và hai bạn hàng ở Mỹ đặt mua với số lượng khá lớn" - anh Được hồ hởi cho biết.

Họa sỹ Trần Thị Tố Lan cùng chồng (làm điêu khắc) lập Công ty Tây Long (Vĩnh Long) chuyên sản xuất các loại đồ chơi bằng gỗ thông với tính mỹ thuật cao, an toàn dành cho trẻ em cũng là một câu chuyện thú vị về khởi nghiệp. Theo chị Lan, việc tạo ra những loại đồ chơi mang tên Meo Meo đẹp, bền và rẻ đơn giản hơn rất nhiều so với khi bán sản phẩm. "Ở đời, chả ai dạy mình hết mọi thứ. Thôi thì, lối đi nằm ngay dưới chân mình, cứ mạnh dạn bước tiếp rồi sẽ tìm ra đích đến" - chị Lan tâm sự. Cũng nhờ không ngừng mày mò tìm đường phát triển, sản phẩm của công ty hiện đã có chỗ đứng tại các điểm bán hàng lưu niệm hệ thống sân bay miền Nam, 5 cửa hàng ở Vũng Tàu và một số cửa hàng tại Hà Nội, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh đã đặt hàng kinh doanh.

Chị Trần Thị Tố Lan (áo đen) giới thiệu sản phẩm đồ chơi bằng gỗ cho khách hàng

Trong khởi nghiệp, mỗi người có một hoàn cảnh, nhưng có điểm chung về tinh thần luôn quyết liệt, thậm chí liều lĩnh, với ý tưởng kinh doanh của mình. Chẳng hạn, một cô gái trẻ ở Bình Dương mở Công ty TNHH Đầu tư Mỹ Kim để sản xuất rau sạch 3S và cung cấp sản phẩm kệ trồng rau thông minh trong nhà. Sau hơn 2 năm khởi nghiệp, Mỹ Kim đã được Công ty Le Group Venture đầu tư 5 tỷ đồng để phát triển thương hiệu Rau 3S và sản phẩm kệ rau thông minh trong nhà. Ông Lê Đăng Khoa - Chủ tịch HĐQT Công ty Le Group Venture - đánh giá, chúng tôi đầu tư vào thương vụ này bởi, người sáng lập Rau 3S là một phụ nữ có tầm nhìn, chọn nông nghiệp - ngành khó để làm, mở ra tiềm năng lớn về thị trường.

Trên con đường khởi nghiệp, không ít người đã chọn cho mình lối đi đầy gai góc và nặng tính chất cạnh tranh. Ông Trịnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy Lâm Ngân - chủ nhân Sàn giao dịch thương mại điện tử B2B (Exocomets) - là một ví dụ. Trịnh Anh Tuấn tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin tại một trường đại học danh tiếng ở Úc. Anh có 12 năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn lớn tại Úc và chịu trách nhiệm dẫn dắt mảng E-banking cho một ngân hàng lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, để "đóng góp một cái gì đó cho quê hương", Tuấn đã lập sàn giao dịch thương mại điện tử B2B mang tên Exocomets dành riêng cho doanh nghiệp (DN) trong nước kết nối với nhau và xúc tiến việc đưa hàng Việt chất lượng cao dễ dàng ra với thị trường quốc tế. "Đã có hàng nghìn DN kết nối và nhiều đơn hàng đã được ký kết qua sàn B2B. Sau hai năm lập nghiệp, cái được lớn nhất của Exocomets là giúp được nhiều DN nhỏ tiếp cận nhanh, chi phí thấp với thị trường quốc tế" - Tuấn chia sẻ.

Nguyễn Thị Dương tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị kinh doanh UQAM (Canada), có điều kiện đi nhiều nước và trải nghiệm nhiều điều hay trên thế giới, cô lập Công ty Đầu tư Toàn Cầu GoldenWay, hoạt động về giáo dục và xúc tiến thương mại. Với mong muốn được chia sẻ những điều hay cho các bạn trẻ Việt Nam, Nguyễn Thị Dương đã chắp cánh cho hàng trăm học sinh nghèo Việt Nam nhận được những suất học bổng ở những trường nổi tiếng của nhiều nước. Công ty của cô còn là địa chỉ kết nối nhiều DN trong và ngoài nước trao đổi hàng hóa, dịch vụ... "Có người hỏi, sao không ở Canada cho sướng? Tôi kể họ nghe, tôi đã từng ăn một trái thanh long với giá hơn 200.000 đồng, trong khi ở quê nhà, nhiều nơi dùng thanh long cho bò ăn. Tôi dấn thân với công việc này đơn giản vì tôi là người Việt Nam và muốn bạn bè trên thế giới biết nhiều đến đất nước mình" - doanh nhân trẻ Nguyễn Thị Dương khẳng khái kể.

Năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ, phát triển DN; theo đó, năm 2020, Việt Nam có ít nhất 1 triệu DN hoạt động với nguồn lực mạnh. Trong đó, tư nhân góp khoảng 48 - 49% GDP và hàng năm, 30 - 35% số DN có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Năm 2012, cả nước chỉ có khoảng 400 DN khởi nghiệp; năm 2015, đã tăng lên 1.800 DN. Khoảng 3.000 DN khởi nghiệp ra đời trong hai năm 2017 - 2018. Năm 2019, cả nước có 138.100 DN thành lập mới, riêng DN khởi nghiệp không dưới 3.000 đơn vị.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cau-chuyen-khoi-nghiep-loi-di-ngay-duoi-chan-minh-131517.html