Câu chuyện khốc liệt về lòng hận thù

Tội ác được phản chiếu trong ánh mắt trung thành và vô tri của một con chó. Không có giống loài nào là thượng đẳng, chỉ có tình yêu thương mới nâng cao giá trị của con người.

Con người không thể chọn nơi mình sinh ra. Dĩ nhiên chúng ta cũng không thể quyết định chủng tộc của chính mình. Đó là sự an bài của số phận, của Chúa hay một đấng quyền năng nào đó. Màu da không liên quan đến nhân phẩm và trái tim. Dù mang sắc tộc nào, con người đều có thể trao đi yêu thương và xứng đáng nhận lại những điều tốt đẹp.

Đáng tiếc, đó không phải là suy nghĩ của tất cả mọi người. Có những kẻ cho rằng màu da của mình là đại diện cho một giống loài thượng đẳng. Họ sẵn sàng chà đạp và tước đi sinh mạng của những người không cùng màu da. Cũng giống như vô vàn các tội ác khác, nạn phân biệt chủng tộc đến từ những tâm hồn tăm tối và ích kỉ. Trên con đường tội lỗi ấy, có những linh hồn vô tội đã bị lợi dụng.

Tiểu thuyết Chó Trắng của Romain Gary.

Tiểu thuyết Chó Trắng của Romain Gary.

Tiểu thuyết Chó Trắng của nhà văn người Pháp gốc Do Thái, Romain Gary là một bản cáo trạng đanh thép nhưng đầy cảm động về tội ác và những nỗi đau mà nạn phân biệt chủng tộc đã để lại ở xứ sở cờ hoa. Việc băng qua đại dương, vượt qua các lục địa rộng lớn hóa ra còn dễ dàng hơn việc bước vào một trái tim đã bị thù hận khóa chặt.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ

Có thể gọi Chó Trắng là một cuốn tiểu thuyết bán tự truyện, chúng ta có thể thấy được một phần cuộc đời của Romain Gary qua tác phẩm này. Cuốn sách ghi lại cuộc gặp gỡ đặc biệt của nhà văn và chú chó mà suốt đời ông không thể quên, một con vật thông minh nhưng bất hạnh.

Vào một ngày mưa ở Beverly Hills, khi Romain Gary vừa tới Mỹ để đoàn tụ với người vợ thứ hai Jean Seberg trong lúc cô đóng phim, thì có vị khách lạ gõ cửa. Con chó có tên Sandy của họ đã dẫn về một “anh bạn bốn chân” có dáng vẻ tội nghiệp với bộ lông bết lại vì nước mưa.

Đó là một con chó béc giê Đức cao lớn. Vẻ tinh khôn của nó đã tạo được thiện cảm với Romain Gary. Ông quyết định giữ con chó lại và đặt tên cho nó là Batka. Phải chờ đến ngày hôm sau, rắc rối mới mới ghé thăm. Khi nhìn thấy anh chàng chuyên dọn bể bơi người da đen, vẻ hiền lành và vâng lời của Batka biết mất. Nó lồng lên như một con mãnh thú. Không phải với những người da trắng nó vẫn là con chó biết vâng lời hay sao?

Hóa ra, Batka là một con chó nghiệp vụ được huấn luyện để tấn công người da đen. Thông tin này làm Romain Gary không khỏi bất ngờ. Ông và Jean Seberg là những người ủng hộ phong trào chống nạn phân biệt chủng tộc. Làm sao họ có thể giữ Batka trong nhà. Sẽ ra sao nếu những người bạn da đen của họ đến thăm?

Nhà văn Romain Gary và vợ Jean Seberg. Ảnh: The Times.

Romain Gary có thể đem con chó cho người khác và coi như không có chuyện gì xảy ra. Con vật tội nghiệp và vô tri ấy vẫn sẽ là công cụ để tấn công những người da đen. Nhưng… phá hủy và buông bỏ luôn dễ dàng hơn việc sửa sai. Và Romain Gary quyết định giúp Batka, ông sẽ khiến nó quên đi những gì đã được huấn luyện.

Theo lời Jack, một người am hiểu về loài chó và là bạn của nhà văn, Batka đã 7 tuổi và không thể huấn luyện lại nó từ đầu. Những gì con chó đáng thương ấy được dạy sẽ nằm trong đầu nó mãi mãi. Nhưng Romain Gary quyết không bỏ cuộc, ông tìm đến Keys, một người huấn luyện người da đen. Với Keys, Batka là một con “chó trắng” đích thực, một công cụ để người da trắng đàn áp đồng loại của anh.

Bản năng, sự sợ hãi, lòng kiên định, những cơn đói… là những gì Keys dùng để thay đổi Chó Trắng. Và anh ta đã thắng! Batka không còn tấn công những người da đen. Nhưng niềm vui vẫn không gõ cửa. Đáng buồn thay, nó quay ra tấn công người da trắng. Chó Trắng đã biến thành Chó Đen, công cụ để đàn áp biến thành công cụ để trả thù. Một trong những người da trắng mà Batka tấn công, không ai khác chính là Romain Gary.

Bản án dành cho chế độ phân biệt chủng tộc

Được xuất bản vào năm 1970, Chó Trắng là bản án đanh thép và đầy tinh thần nhân văn của Romain Gary để lên án chế độ phân biệt chủng tộc. Khi quyết định “chữa” cho Batka, nhà văn biết rằng việc một con chó ấy có coi người da đen giống như người da trắng hay không chỉ mang một ý nghĩa tượng trưng, một sự an ủi dành cho một con người yêu hòa bình đang tuyệt vọng.

Nạn phân biệt chủng tộc không thể vì thế mà chấm dứt một cách nhanh chóng. Nhưng, chí ít, nó gieo vào lòng người ta một chút hy vọng. Những thứ tưởng không thể thay đổi như bản năng, thú tính cuối cùng cũng bị lay chuyển. Vậy tại sao con người không thể mở lòng với nhau? Nhưng…

Những điều tốt đẹp luôn được xây dựng từ hai phía. Người da trắng không thể dạy những đứa trẻ da đen “đừng nuôi lòng thù hận” trong khi hàng ngày họ đều đàn áp những con người không cùng màu da với mình. Ở đâu, người da đen cũng bị xa lánh và đối xử bất công. Vẫn có những ông bố bà mẹ Mỹ cảm thấy xấu hổ, thậm chí là nhục nhã khi cô con gái da trắng, tóc vàng của họ lấy một anh chàng da đen.

Năm 1982 tiểu thuyết Chó Trắng đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên bởi đạo diễn Samuel Fuller. Ảnh: Fastgofreedom.com.

Một con chuột yếu đuối khi bị dồn vào đường cùng cũng có thể quay ra cắn lại mèo, huống hồ là một chủng tộc với hàng vạn con người. Ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh. Các nhà cầm quyền, các chính trị gia và trí thức đều biết căn nguyên của sự hỗn loạn đến từ đâu, nhưng không ai trong số họ dám đứng lên để đưa ra các giải quyết.

Chó Trắng còn cho người đọc thấy một bức tranh chân thực về nước Mỹ trong nạn phân biệt chủng tộc: hỗn loạn và đầy bất ổn. Những cuộc ẩu đả xảy ra liên tiếp, hàng loạt cửa hàng của những người vô tội bị đập phá, nhà cửa bị đốt cháy bởi đám người bạo động. Ở đó, có những con người lương thiện vẫn tìm cách gieo mầm hi vọng để rồi cuối cùng lại thất vọng.

Sau khi Chó Trắng ra đời, Romain Gary và vợ là Jean Seberg ly hôn. Sau đó, cảm hứng thế sự ít xuất hiện trong các tác phẩm của ông. Từ năm 1974, nhà văn bắt đầu sáng tác dưới bút danh Émile Ajar. Năm 1975, ông đoạt giải Goncourt lần thứ hai với tiểu thuyết Cuộc sống ở trước mặt. Khi Romain Gary tự sát tại Paris vào năm 1980, mối liên hệ của ông và Émile Ajar mới được sáng tỏ.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cau-chuyen-khoc-liet-ve-long-han-thu-post887921.html