Câu chuyện Hong Kong

Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 vừa qua, khi đại dịch Covid-19 tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) lắng xuống, người dân tại đây đã liên tục đổ xuống đường, tiếp tục những cuộc biểu tình kéo dài từ giữa năm 2019 đến nay, để phản đối dự luật an ninh do Trung Quốc đại lục đề xuất.

Cảnh sát Hong Kong giơ biển cảnh báo người dân sẽ dùng hơi cay để giải tán đám đông. (Nguồn AP)

Những cuộc biểu tình tại Hong Kong tiếp tục tăng lên ở nhiều mức độ khác nhau. Theo AP, ngày 29/4, hơn 100 người biểu tình đã tập trung ở một trung tâm thương mại Landmark Atrium ở quận Trung Tây và hô to các khẩu hiệu chống lại bộ máy cầm quyền, bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người để phòng ngừa Covid-19.

Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc thông báo đưa ra dự luật an ninh mới áp dụng lên Hong Kong như tiếp thêm dầu vào lửa và mọi thứ dường như vượt qua tầm kiểm soát. Đỉnh điểm là vào ngày 24/5, hàng nghìn người dân đã xuống đường vừa để biểu tình chống đối dự luật này, cũng như hô các khẩu hiệu chỉ trích chính quyền đại lục và kêu gọi độc lập cho Hong Kong. Đây là cuộc biểu tình phản đối có quy mô lớn nhất kể từ khi áp dụng các lệnh hạn chế để chống dịch Covid-19.

Tờ SCMP đưa tin, cảnh sát Hong Kong được triển khai để trấn áp người biểu tình. Họ sử dụng hơi cay để giải tán đám đông, đồng thời điều xe vòi rồng và xe bọc thép để canh phòng. Ít nhất 180 người biểu tình đã bị tạm giữ.

Nguyên nhân sâu xa

Biểu tình diễn ra sau khi dự luật được trình cho các đại biểu xem xét tại kỳ họp thường niên Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức quốc hội) Trung Quốc hôm 22/5. Trung Quốc quyết định đưa ra dự luật dựa trên Phụ lục III của luật Cơ bản Hong Kong, có nghĩa dự luật sẽ được ban hành mà không cần Hội đồng lập pháp Hong Kong thông qua.

Dự luật an ninh quốc gia mới nhằm ngăn chặn, chấm dứt và trừng phạt những hành động ở Hong Kong đe dọa đến an ninh quốc gia, liên quan đến hoạt động mang tính phá hoại, đòi ly khai cũng như sự can thiệp của nước ngoài và chủ nghĩa khủng bố. Dự luật cũng sẽ yêu cầu chính quyền Hong Kong lập các cơ quan mới để bảo vệ chủ quyền và cho phép các cơ quan từ đại lục hoạt động tại đặc khu khi cần, gây quan ngại rằng các đặc vụ đại lục sẽ bắt người một cách tùy tiện.

Ngày 28/5, với 2.878 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 6 phiếu trắng, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua dự luật an ninh quốc gia. Tuy nhiên, theo báo SCMP, Quốc hội Trung Quốc đã bất ngờ sửa đổi nghị quyết hôm 26/5, trong đó yêu cầu dự luật an ninh quốc gia mới cho Hong Kong cấm luôn các hành vi “đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia”.

Như vậy, sau khi được thông qua, trách nhiệm chính giờ đây sẽ thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, nơi sẽ xây dựng các chi tiết trong luật và công bố dự luật hoàn chỉnh sớm nhất vào tháng Sáu tới. Theo Reuters, nếu không có gì trục trặc, dự luật sẽ được phê chuẩn trước tháng Chín năm nay.

Dự luật gây tranh cãi

Biểu tình tại Hong Kong diễn ra từ tháng 6/2019 khi người dân lên tiếng chống lại dự luật dẫn độ mà họ cho là sẽ làm nguy hại tới các quyền tự do. Ngày 23/10/2019, Hội đồng lập pháp Hong Kong chính thức hủy bỏ dự luật này, nhưng không khiến biểu tình lắng xuống do mới chỉ đáp ứng một trong năm yêu sách của người biểu tình.

Khi Anh trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc vào năm 1997, Hong Kong được hưởng mức độ tự trị cao, các quyền tự do, có hệ thống luật pháp và tình trạng thương mại riêng. Nguyên tắc này được gọi là “một quốc gia, hai chế độ”, được quy định trong một “tiểu hiến pháp” được gọi là luật cơ bản Hong Kong, đảm bảo cho đặc khu được quyền tự trị cho tới năm 2047.

Các nghị sĩ ủng hộ dân chủ ở Hong Kong chỉ trích mạnh mẽ dự luật này. Những người phản đối lo ngại dự luật an ninh sẽ được Bắc Kinh sử dụng để phá vỡ quyền tự trị, khiến thành phố phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ Trung Quốc đại lục. Ngoài ra, dự luật sẽ trừng phạt bất kỳ ai phản đối chính phủ trung ương Trung Quốc hoặc chính quyền Hong Kong do Bắc Kinh hậu thuẫn, khiến cho nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” không được đảm bảo.

Một số người Hong Kong đặc biệt lo lắng rằng dự luật an ninh mới sẽ áp dụng đối với cả những người tham gia biểu tình trong năm qua. Trong một số trường hợp, đám đông biểu tình đã đốt cờ Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc thường xuyên gọi người biểu tình là “kẻ khủng bố”.

Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc và Hong Kong khẳng định luật an ninh quốc gia mới sẽ không ảnh hưởng đến các quyền tự chủ mà Hong Kong đang được hưởng như đã nêu trong Tuyên bố chung Trung - Anh.

“Luật mới sẽ không ảnh hưởng đến các quyền và sự tự do của người dân Hong Kong”, trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhấn mạnh trong một tuyên bố hoan nghênh việc Quốc hội Trung Quốc thông qua dự thảo. “Chính quyền thành phố sẽ hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh để hoàn thành các công việc lập pháp có liên quan càng sớm càng tốt”, bà Lâm khẳng định.

Về phần mình, chính quyền Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc của các nước gọi dự luật là “sự can thiệp của chính quyền trung ương vào tình hình Hong Kong” và khẳng định dự luật là cần thiết. Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố “Hong Kong là chuyện nội bộ của Trung Quốc” và cảnh báo các nước đừng can thiệp. Ông cũng nhấn mạnh dự luật mới chỉ nhắm vào một nhóm nhỏ người có ý định xấu ở Hong Kong và sẽ tiếp tục bảo đảm các quyền tự do của Hong Kong.

Phản ứng của thế giới

Đương nhiên, trước tình hình này, nhiều quốc gia đã đưa ra phản ứng khác nhau. Ngày 28/5, Tuyên bố chung Anh, Mỹ, Canada và Australia nêu rõ: “Quyết định của Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hong Kong mâu thuẫn với những nghĩa vụ quốc tế của nước này theo các nguyên tắc ràng buộc về pháp lý trong Tuyên bố chung Anh-Trung Quốc”. Theo bốn nước trên, luật này sẽ làm suy yếu khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ”.

Cùng ngày, trong một tuyên bố hiếm có được đưa ra ít phút sau khi luật an ninh được thông qua, Nhật Bản nói rằng: “Nhật Bản quan ngại sâu sắc về quyết định của Quốc hội Trung Quốc... Chính sách lâu nay của Nhật Bản là luôn coi trọng việc duy trì một cơ chế tự do và cởi mở mà Hong Kong được hưởng cũng như sự phát triển bền vững và dân chủ của Hong Kong theo mô thức “một quốc gia, hai chế độ”.

Một số quốc gia phương Tây đã tuyên bố không xem Hong Kong là lãnh thổ tự trị đặc biệt nữa mà chỉ xem Hong Kong như một thành phố bình thường của Trung Quốc, trong đó có Mỹ. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 29/5, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích loạt động thái gần đây của Trung Quốc. Ông cho rằng Trung Quốc đã đơn phương áp đặt kiểm soát an ninh đối với Hong Kong và vi phạm các nghĩa vụ của Trung Quốc trong tuyên bố chung với Anh. Ông nhấn mạnh sẽ tuyên bố bắt đầu thu hồi các ưu đãi thương mại đặc biệt đối với Hong Kong, đặt một dấu hỏi lớn cho tương lai phát triển của trung tâm tài chính hàng đầu châu Á này.

Tóm tắt 7 điều trong dự luật an ninh quốc gia Hong Kong

Điều 1: Trung Quốc sẽ trung thành với các nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", "người Hong Kong cai trị Hong Kong", đảm bảo Hong Kong được hưởng mức độ tự trị cao.

Điều 2: Trung Quốc kiên quyết phản đối sự can thiệp của các quốc gia khác hoặc thế lực bên ngoài vào Hong Kong dưới bất kì hình thức nào.

Điều 3: Theo Hiến pháp, Hong Kong có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Hong Kong phải ngăn chặn, trừng phạt các hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Điều 4: Hong Kong phải thiết lập và cải thiện các thể chế và cơ chế thực thi để bảo vệ an ninh quốc gia. Khi cần thiết, các cơ quan an ninh quốc gia của Trung Quốc sẽ thành lập cơ sở tại Hong Kong.

Điều 5: Đặc khu trưởng Hong Kong phải thường xuyên báo cáo với Chính phủ Trung Quốc về vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia.

Điều 6: Ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc xây dựng và cải thiện các luật và cơ chế thực thi để Hong Kong bảo vệ an ninh quốc gia.

Điều 7: Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày công bố.

Quang Đào

(tổng hợp)

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cau-chuyen-hong-kong-116890.html