'Câu chuyện hôm nay' của châu Á-Thái Bình Dương

Trong một bài viết mới đây, CNN cho biết trong khi nhiều người dân ở các nước phát triển xem khủng hoảng khí hậu (KHKH) là vấn đề cấp bách của tương lai, thì đối với hàng triệu người dân sinh sống tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, KHKH đã và đang tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống của họ.

KHKH đang gây ra các hình thái thời tiết cực đoan hơn với những hậu quả tàn khốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo CNN, khu vực này “đã cảm nhận được thực trạng khắc nghiệt” của KHKH. Đó là tình trạng các đô thị lớn bị bao trùm trong khói mù độc hại. Đó là lũ lụt và lở đất, là những cơn bão lớn đổ bộ vào các vùng duyên hải. Đó là nạn cháy rừng, hạn hán và các đợt nắng nóng như đổ lửa khiến nhiều thành phố, thị trấn “khát nước”. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế, Xã hội châu Á-Thái Bình Dương thuộc Liên hợp quốc (ESCAP) nêu rõ thiên tai liên tiếp trong hai năm qua “vượt quá những gì mà khu vực này từng trải qua hoặc có thể dự báo được”.

Theo CNN, trong năm 2019, lũ lụt, lở đất do mưa lớn gây ra đã tàn phá Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Bangladesh, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Trong khi đó, các cơn bão lớn gây thiệt hại cho Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh, Hàn Quốc, Thái Lan, Sri Lanka và Philippines hàng triệu USD, cùng với đó cướp đi nhiều sinh mạng, khiến hàng trăm nghìn người mất nhà cửa. 5 năm qua cũng ghi nhận những đợt nắng nóng kỷ lục tại Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Australia đến mức các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ phải cho rằng một số nơi “quá nóng không thể sinh tồn được”.

 Tình trạng hạn hán hồi năm 2019 tại thành phố Chennai của Ấn Độ. Ảnh: CNN.

Tình trạng hạn hán hồi năm 2019 tại thành phố Chennai của Ấn Độ. Ảnh: CNN.

CNN cho biết, châu Á-Thái Bình Dương-nơi chiếm 60% dân số thế giới, là một trong những khu vực “dễ bị tổn thương” nhất trước KHKH. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn do quá trình đô thị hóa nhanh chóng mặt với việc quy hoạch cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển. Cùng với đó, bùng nổ dân số và tình trạng người lao động nông thôn ồ ạt đổ ra các thành phố kiếm sống đang gây áp lực đối với nguồn cung cấp nước và lương thực. “Nhiều thành phố lớn ở châu Á như Mumbai, Thượng Hải, Bangkok, TP Hồ Chí Minh và Jakarta là những thành phố ven biển và thuộc vùng thấp khiến các thành phố này dễ bị tổn thương trước tình trạng nước biển dâng và các hình thái thời tiết cực đoan khác. Các nước châu Á phát triển nhanh, công nghiệp hóa và phụ thuộc vào than đá đang tạo ra mức phát thải CO2 ngày càng tăng”, CNN nhấn mạnh.

CNN dẫn báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) cảnh báo lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia tăng, nhiệt độ Trái Đất ấm lên, các sông băng tan chảy và tảng băng biến mất có thể khiến mực nước biển dâng cao hơn 2 mét vào cuối thế kỷ này nếu các nước vẫn tiếp tục không kiểm soát được lượng khí thải CO2. Nước biển dâng cao 2 mét sẽ khiến 187 triệu người, trong đó chủ yếu là ở châu Á, bị mất nhà cửa. Một nghiên cứu khác cho rằng, nhiều nơi tại Đông Nam Á có thể bị ngập chìm trong nước vào năm 2050.

“Trái Đất hiện đã ấm hơn 1,1 độ C so với đầu thời kỳ Cách mạng công nghiệp và theo các kịch bản hiện tại, lượng khí thải CO2 sẽ cần phải giảm 7,6% mỗi năm trong thập niên tới. Tuy nhiên, lượng khí thải CO2 vẫn không ngừng gia tăng. Những người bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu ở châu Á không có thêm một thập niên nữa để chờ đợi phần còn lại của thế giới có hành động khắc phục”, CNN nêu rõ.

Trong bối cảnh công tác chuẩn bị ứng phó với thời tiết cực đoan rất tốn kém, đã xuất hiện những lời kêu gọi các nước giàu hỗ trợ tài chính và công nghệ để giúp các nước nghèo đối phó tác động của KHKH. Trong khi đó, theo bà Cooper-Halo thuộc Ban thư ký Chương trình Môi trường khu vực Thái Bình Dương SPREP-một tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại quốc đảo Samoa, “đầu hàng” không phải là một lựa chọn. “Ở Thái Bình Dương, người dân đã nhận thức được thực trạng khủng hoảng khí hậu trong nhiều năm nay. Giờ đây, các quốc gia cần phải bắt kịp và tiến lên”, CNN dẫn lời bà Cooper-Halo.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cau-chuyen-hom-nay-cua-chau-a-thai-binh-duong-607212