Câu chuyện hôm nay: Cây tre biểu tượng sức mạnh đoàn kết của Việt Nam

Có lẽ đó là định mệnh, vì thế cây tre đã tìm đến mảnh đất Việt Nam mà định cư (mấy nước khác quanh ta cũng có tre nhưng không nhiều), mỗi lần thấy cây tre lại suy nghĩ miên man về tính người và tính tre có cái gì đó thật tương đồng.

Thời cộng đồng dân cư sinh hoạt có tính làng xã, nhờ lũy tre bao bọc quanh làng mà chống được trộm cướp. Hồi còn nhỏ, cứ mỗi lần mặt trời sắp khuất về tây là có một hồi mõ, một hồi tù và rúc lên, gọi mọi người làm đồng nhanh chóng trở về để cái cổng làng (cũng bằng tre) đóng chặt lại. Cả một cộng đồng sinh hoạt bên trong lũy tre làng, tôi có cảm tưởng khói bếp bay lên cũng quanh quẩn bên trong lũy tre đó mà thôi.

Thời kỳ chống Pháp, qua nhiều năm, giặc Pháp không có cách nào để vào được bên trong làng Nguyễn của tỉnh Thái Bình cũng nhờ lũy tre và giao thông hào với chông tre vạt nhọn bao bọc, che chở. Sau đó làng Nguyễn được phong tặng danh hiệu ‘Anh hùng’.

Thời kỳ chống Mỹ, tỉnh Bến tre đứng lên làm cuộc đồng khởi với vũ khí cũng phần lớn từ cây tre mà ra, nào tầm vông (cũng là một loại tre) vạt nhọn, nào hầm chông, nào những “quả chông” cho rớt từ trên cao vào đầu đám lính đi càn quét.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã có bài hát ‘Cô gái vót chông’. Cũng lại cây tre Việt Nam đã trở thành vũ khí các cô gái Tây nguyên dùng để đánh giặc, “Mỗi mũi chông nhọn sắc căm thù, xiên thây quân cướp nào vô đây”.

Cây tre đã gắn liền với lịch sử Việt Nam. Phù Đổng Thiên vương đánh đuổi giặc Ân từ phương bắc sang xâm lược, đã có lúc phải nhổ từng bụi tre để làm khí giới. Nhiều người Việt chắc không quên bài thơ của nhà thơ Viễn Phương một lần từ miền nam ra Hà Nội, vào lăng viếng chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có những câu thơ làm xúc động lòng người:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng…

Ôi, cây tre Việt Nam!

Một loại cây có sức sống mãnh liệt, chỉ một gốc cắm xuống không cần chăm sóc, sau một thời gian đã thành một bụi với hàng chục thân, ken chặt với nhau, tựa vào nhau, các tay tre như những cánh tay xiết chặt lấy nhau, như tinh thần đoàn kết của dân tộc vậy. Ai đó muốn lấy ra một cây tre thì phải chặt đứt các tay tre, khi đó mới lấy được thân tre ra khỏi bụi.

Người ta ví những cháu nhỏ như búp tre mới nhú lên khỏi mặt đất. Nên mới câu hát “đàn em là những mầm măng rất non… Nhờ bao hàng trúc che chở bên mình…”, măng được các thân trúc già che chở và khi lớn lên lại thành những cây trúc cứng cáp. Một hình ảnh thật đẹp.

Dù trong bão táp chưa một lần quật đổ được cả bụi tre. Gió bão có thể làm cho các thân tre nghiêng ngả, nhưng rồi chúng lại đứng thẳng lên như chưa hề trải qua bão táp.

Tre còn thể hiện tính cách của một người quân tử. Trong bộ tranh tứ bình, người họa sĩ vẽ các loại hoa - nào mai, nào lan, nào cúc, song bức cuối cùng lại là cây trúc (mai-lan-cúc-trúc), nếu có muốn thay cây trúc thì người ta lại vẽ cây tùng (mai-lan-cúc-tùng), cây tùng cũng thể hiện tính cách của người quân tử. Trong bức tranh ‘bách điểu’, những con chim sẻ (kẻ tiểu nhân) bay lượn bên cây trúc (quân tử).

Từ cây tre, chúng cho ta bao nhiêu sản phẩm trong sinh hoạt hàng ngày, nhỏ như cái tăm tre, lớn như những mái nhà, như những bờ kè với những thân tre ken chặt với nhau để ngăn dòng lũ.

Nếu bạn là một người Việt Nam, bạn không thể không tự hào về một dân tộc đã từng trải qua bao trận “bão táp mưa sa” nhưng rồi sau đó cả dân tộc lại đứng thẳng lên, lại xiết chặt tay nhau như những cây tre Việt Nam, một loại cây không bao giờ chịu khuất phục.

(Viết nhân sự kiện đội tuyển U23 Việt Nam đoàn kết chiến thắng 4-0 trước U23 Thái Lan)

Phạm Tiến Khoa

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/cau-chuyen-hom-nay-cay-tre-bieu-tuong-suc-manh-doan-ket-cua-viet-nam/804792.antd