Câu chuyện hòa giải kể ngày 21/6

Vào một ngày Tết, tôi gọi điện cho vợ chồng ông Bùi Trọng Nghĩa- nhân vật trong bức ảnh 'Hai người lính' nổi tiếng, hỏi thăm liệu năm nay gia đình có gì mới. Bà vợ nói 'Từ khi gặp báo Tiền Phong thì chúng tôi có cái mới và thay đổi chứ xưa giờ chỉ có vậy'. Còn tôi coi loạt bài về 'Hai người lính' là kỷ niệm đẹp trong đời làm báo của mình.

Bên hông Dinh Thống Nhất, 28/4/2021: Tác giả bài báo và nhân vật của mình - Bùi Trọng Nghĩa (bìa trái), Chu Chí Thành (bìa phải). Ảnh: QUANG VINH

MỘT 30/4 THẬT ÐẶC BIỆT

Chẵn bốn năm tôi mới gặp lại hai vợ chồng ở Sài Gòn. Hồi đó, đầu tháng 5/2017, lần đầu tôi tìm đến căn nhà nhỏ trong con hẻm đường Hiệp Thành này, để rồi về viết loạt bài Cuộc gặp người lính Sài Gòn trong bức ảnh Hai người lính. Bạn đọc, công chúng biết đến cái tên Bùi Trọng Nghĩa kể từ đây.

Vào tháng 1/2018, hai người lính trong ảnh- Nguyễn Huy Tạo và Bùi Trọng Nghĩa cùng nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành hội ngộ lần đầu tại Quảng Trị trong chư?ng tr?nh ơng trình Khúc ca hòa bình nhân kỷ niệm 45 năm Hiệp định Paris. Còn tôi, thành quả của chuyến đi là loạt 5 kỳ Hai người lính hội ngộ lịch sử sau 45 năm.

Kỷ niệm Quảng Trị, tháng 1/2018: Nguyễn Huy Tạo (trái) và Bùi Trọng Nghĩa hội ngộ lịch sử ở nơi họ từng gặp nhau 45 năm trước- chốt Long Quang. Hai người lính đang ký tên lên bức ảnh mà tác giả Chu Chí Thành đề tặng. Ảnh: CHU CHÍ THÀNH

Kỷ niệm Quảng Trị, tháng 1/2018: Nguyễn Huy Tạo (trái) và Bùi Trọng Nghĩa hội ngộ lịch sử ở nơi họ từng gặp nhau 45 năm trước- chốt Long Quang. Hai người lính đang ký tên lên bức ảnh mà tác giả Chu Chí Thành đề tặng. Ảnh: CHU CHÍ THÀNH

Đó là Quảng Trị, còn hội ngộ lần đầu ở Sài Gòn thì phải đến cuối tháng Tư vừa rồi. Số là VTV24 muốn làm một chương trình về khát vọng hòa bình để phát đúng trưa 30/4. Như mọi lần- mỗi khi báo, đài nào muốn phỏng vấn thì ông Nghĩa đều điện thoại cho tôi hỏi ý kiến, rằng nên hay không.

Cuối cùng với sự tổ chức của VTV, nhà báo Chu Chí Thành bay vào còn anh bộ đội Nguyễn Huy Tạo bận việc, chỉ có thể ngồi ở Hà Nội trả lời phỏng vấn. Kết hợp một đôi việc khác, tôi lấy dịp này làm cớ hội ngộ ông Nghĩa và bà Xuân vợ ông cùng cậu con trai Bùi Trọng Nhân bởi lâu nay gặp qua điện thoại là chính.

Vẫn là con hẻm mà tôi từng toát mồ hôi mới tìm ra (đi cùng phóng viên báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, bốn năm trước). Khi tôi đến lần đầu, nó không giống cái nhà, xập xệ dột nát, vô cùng tạm bợ. Nó thực sự là cái nhà khi mà đúng dịp 21/6/2017, nhiều bạn đọc báo Tiền Phong đã tặng ông Nghĩa số tiền đủ để sửa chữa, biến nơi bất tiện mọi bề này thành một chốn có thể ở được, khác hẳn trước, mà tôi đang đứng ngó nghiêng đây.

Sau hơn ba năm kể từ lần hội ngộ ở Quảng Trị, hai “chàng” Thành- Nghĩa tay bắt mặt mừng, tíu tít chuyện cũ chuyện mới. Hai phóng viên VTV quay xong cảnh hội ngộ tại nhà riêng thì đến chiều quay thêm cảnh họ nắm tay nhau đi dạo ở vườn hoa để rồi đúng trưa 30/4/2021 lên sóng nói những điều nhỏ nhẹ nhưng thấm thía về giá trị của hòa bình. Cả anh bộ đội Nguyễn Huy Tạo nữa (từ một quán cà phê ở Hà Nội).

Ông Nghĩa nói lần gặp này còn vui hơn cả lần trước ở Quảng Trị, bởi “dễ gì có được bữa cơm gia đình tại nhà tôi thế này đâu” (có cả con trai và con dâu mới của ông). Một 30/4 thật đặc biệt của tất cả chúng tôi.

Hòa giải, hòa hợp dân tộc là câu chuyện lớn của thời đại. Như nhà văn Bảo Ninh phát biểu rất đúng mực trên Tiền Phong: “Tôi không thể giãi bày hết nỗi thất vọng và niềm hy vọng trong lòng mình bấy nhiêu năm qua về câu chuyện này (hòa giải-DPV)”. Cho nên loạt bài của phóng viên và lãnh đạo báo Tiền Phong xung quanh chủ đề này có lẽ cũng chỉ nhằm mục đích như vậy: Làm sao để niềm hy vọng hòa hợp hòa giải sẽ lớn hơn, có căn cứ hơn là nỗi thất vọng. Hãy cho cuộc hòa giải một cơ hội, những cơ hội, nhiều cơ hội. Bất cứ khi nào có thể.

HÒA GIẢI - NÀO ÐÂU CHUYỆN CAO SIÊU

Một trong số thay đổi so với bốn năm trước, đập vào mắt tôi, đó là bức ảnh Hai người lính treo trang trọng trên tường, có dòng đề tặng của tác giả Chu Chí Thành. Ảnh này ông Thành tặng hai người lính trong dịp hội ngộ ở Quảng Trị.

Nhớ lại mà không khỏi thú vị: Hồi 2017, khi manh mối về các nhân vật trong ảnh Hai người lính phát lộ, chính Bùi Trọng Nghĩa đã từ chối không tiếp ai, báo nào muốn gợi chuyện về bức ảnh. Đến địa chỉ cũng kiên quyết giấu. Khi tôi lần đầu tìm gặp, có hỏi: “Anh không biết giá trị bức ảnh hay sao mà cứ tránh né tất cả mọi người như vậy”. Và bây giờ, bức ảnh đã có vị trí xứng đáng. Thậm chí ông Nghĩa còn so sánh nó với một bức ảnh chiến tranh nổi tiếng thế giới và nói: Ảnh Hai người lính độc đáo, giá trị hơn chứ.

Thế gian biến cải đâu ngờ. Và hòa giải, hòa hợp là thế đấy.

Hòa giải hòa hợp, đó đương nhiên là khi NSNA Chu Chí Thành nói trước ống kính truyền hình trung ương vào buổi trưa ấy: “Lúc chụp ảnh hai người lính cách đây bốn mươi mấy năm, tôi chưa biết tên của họ, chỉ thấy sung sướng nghẹn ngào. Còn bây giờ tôi coi họ như hai chú em của mình”. Lát sau Bùi Trọng Nghĩa cũng nói trước ống kính: “Tôi cảm nhận được tình cảm của anh Thành và nhà báo Dương Phương Vinh dành cho mình ngay từ ngày đầu và cho đến tận bây giờ”.

Hồi đó, bốn năm trước, từ Sài Gòn trở ra, tôi kể cho lãnh đạo cơ quan về gia cảnh ông Nghĩa- nhân vật trong bức ảnh mà ai cũng thấy là vô cùng giá trị. Rằng trong nhà, đồ đạc đáng kể nhất có lẽ là chiếc tủ lạnh cũ do phường tặng từ hồi cậu con trai Bùi Trọng Nhân làm dân phòng ở phường. Lập tức lãnh đạo nói: “Có thể giúp được gì thì tính sau nhưng việc đầu tiên là phải tặng họ chiếc ti vi tử tế đã chứ thời buổi này ai lại xem ti vi màn hình lồi”.

Bên Dinh Thống Nhất trưa 28/4/2021, tôi hỏi: “Anh nhận lời ra Hà Nội một ngày gần đây chứ”, ông Nghĩa nói chỉ e tuổi tác và sức khỏe không cho phép chứ ông rất mong ngày đó. Để biết Thủ đô là thế nào, và để gặp, cảm ơn những tấm lòng, đã quan tâm đến số phận của ông. NSNA Chu Chí Thành thì nói, cái kết của câu chuyện bức ảnh Hai người lính vượt xa mong đợi của ông.

Lã Hoa bạn tôi, hay viết mục Thư Cali trên Tiền Phong, năm ngoái trước khi sang Mỹ định cư đã tặng phần lớn đồ đạc cho nhân vật Bùi Trọng Nghĩa của báo. Đó cũng là một cử chỉ hòa giải hòa hợp nho nhỏ - tôi nghĩ thế. Hoa sinh ra trong gia đình mà chắc nhiều người sẽ cho là “cốt cán”, “Bắc kỳ gộc” với bố nguyên là Thứ trưởng Bộ Giao thông- Lã Ngọc Khuê còn mẹ là giảng viên Đại học Bách khoa. Bản thân Hoa học Đại học Ngoại giao thập kỷ 90 thế kỷ trước, lần xuất ngoại đầu tiên là chuyến thực tập Liên Xô một năm.

Bên mâm cơm ngày gặp lại ở Sài Gòn, tôi gọi điện cho nhà văn Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh) rồi kết nối Bảo Ninh với ông Nghĩa. Số là báo Tết 2021, Bảo Ninh trong bài trả lời phỏng vấn của tôi về nhiều vấn đề, có lúc đánh giá Hai người lính là “câu chuyện hay nhất đẹp nhất về sự hòa giải”. Người cực kỳ kiệm lời tự dưng lại nồng nhiệt bất ngờ trong bài báo đó: “Cám ơn vô cùng báo Tiền Phong chẳng những cho tôi biết hai anh còn sống mà báo còn kỳ công tìm gặp các anh, ghi lại từng khoảnh khắc các anh hội ngộ. Tôi, với tư cách cựu binh, cám ơn vô hạn anh Chu Chí Thành, cám ơn bạn, cám ơn Tiền Phong, bởi nhờ bạn nhờ báo tôi có thêm ánh sáng cho niềm hy vọng hòa hợp hòa giải”.

Ông Nghĩa bật loa để chúng tôi cùng nghe cuộc đàm thoại vui của họ. Thì đó: Bảo Ninh hỏi thăm thời lính tráng, hỏi về cuộc sống hôm nay, hỏi anh có nhậu được không. Và “nghe Vinh nói muốn mời vợ chồng anh ra Hà Nội chơi, tôi có nói với Vinh cho tôi được tặng vé máy bay, và nhất định phải gặp nhau thù tạc”. Nhân, con trai ông Nghĩa nói đã nghe đại danh của Bảo Ninh còn vợ chồng ông thì phải được tôi phi lộ mới biết về tác giả cuốn sách nổi tiếng thế giới, đang hỏi thăm họ hết sức chân tình đây.

Vâng, hòa giải đơn giản là như thế đó. Có gì cao siêu lắm đâu. Mấy tháng trước, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng (Vòng tay học trò) lần đầu ra mắt mấy cuốn sách liền ở Hà Nội. Tôi đến cà phê Manzi phố Phan Huy Ích thấy Bảo Ninh ngồi chăm chú ở hàng ghế đầu. Cũng là một biểu hiện hòa hợp nho nhỏ, có phải?

Trưa 28/4/2021, VTV hẹn quay ông Nghĩa ông Thành ở Dinh Độc Lập nhưng cuối cùng báo lại: tư liệu đã đủ, không cần quay thêm nữa. Chúng tôi quyết định vẫn giữ lịch cũ, bởi ông Nghĩa nói lần gần nhất ông vào nơi này là từ trước 1975 cơ, bẵng đi từ đó đến giờ. Cuối cùng tại nhà hàng lớn trong khuôn viên của dinh, chúng tôi ăn bữa cơm toàn món Huế rất ngon. Nhà báo Chu Chí Thành nói: Bữa cơm thật ý nghĩa và chắc sẽ nhớ mãi, nhỉ.

Hôm đó, tôi có lúc mệt quá nên xin phép hai ông anh cho chợp mắt ngay tại bàn ăn. Hàng tiếng sau tỉnh dậy vẫn nghe ông Nghĩa đang đều đều kể chuyện đời thăng trầm trước và sau chiến tranh, chuyện Sài Gòn qua cơn binh lửa, chuyện quê vợ miền Tây...

Bữa cơm đoàn tụ hôm trước còn vui hơn nữa. Mâm cơm có hai món sở trường của bà chủ Xuân - cá điêu hồng sốt kiểu rất đặc biệt và món trứng chế biến cũng rất đặc biệt. Ngoài ra có chả cốm Hà Nội và lạp xường gác bếp Cao Bằng tôi mang vào (bình thường thì cũng không chịu khó thế đâu). Nhà báo Thành thì bày ra đủ thứ nào cà phê, chè, thuốc chữa bệnh đau vai gáy cho hai vợ chồng, rồi sơ-mi cho chú em Nghĩa...

Hòa hợp, hòa giải có gì ghê gớm lắm đâu. Đó có thể còn là, nghe tôi vào thăm nhân vật của mình, bà chị- nhà thiết kế nổi tiếng Minh Hạnh bèn cử nhân viên đem hai bộ quần áo đến để tôi tặng ông Nghĩa. Minh Hạnh không thể gặp vì một ông Nghĩa khác- nhà báo Lê Văn Nghĩa chồng chị đang bệnh trọng phải nằm viện.

Còn nhiều chuyện vui, ân tình hẹn sẽ kể vào dịp khác.

30/4/2017 lần đầu tìm ra manh mối về người lính Sài Gòn, tôi bèn bay vào tìm gặp. Gặp rồi thì sấp ngửa bay ngay ra để ngồi viết liền tù tì ba kỳ khi đang vô cùng mệt mỏi. Giá để thư thư chắc loạt bài hoàn chỉnh hơn. Về sau tôi kể cho hai vợ chồng lý do mình phải sấp sấp ngửa ngửa như thế, và họ cười rũ: sợ không viết nhanh thì báo khác viết mất! Trong khi tôi tâm niệm: Báo Tiền Phong là báo đầu tiên thông tin chính xác về nhân vật anh bộ đội, thì người lính còn lại cũng phải như thế! Nhất là khi trong bài Những tình tiết mới trong bức ảnh Hai người lính của tôi, chính Nguyễn Huy Tạo cho biết: người lính Sài Gòn đã chết. Tôi thì đưa thông tin đó nhưng vẫn hồ nghi, và bây giờ phát hiện người lính Sài Gòn còn sống thì không thể để ai đưa tin sớm hơn mình được!

Gặp và được ông Nghĩa cởi lòng nhưng dù sao cũng mới chỉ vài tiếng ngắn ngủi nên tôi mới lo viết vội viết vàng kẻo thua báo khác, mà không biết rằng kể từ đó, gia đình ba người này đã gửi trọn niềm tin nơi mình và báo Tiền Phong, làm việc gì cũng hỏi ý kiến. Giữa chúng tôi hầu như chẳng còn khoảng cách. Đời làm báo được nhân vật của mình tin cậy như vậy còn niềm vui nào hơn. Đời làm báo chứng kiến cuộc sống nhân vật của mình thay đổi- từ quan niệm trở đi (không còn quá kiêng dè người lạ và tránh xa báo giới nữa), còn hạnh phúc nào hơn.

DƯƠNG PHƯƠNG VINH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cau-chuyen-hoa-giai-ke-ngay-21-6-post1347826.tpo