Câu chuyện hài của số phận

Ấn tượng sâu đậm nhất bám theo cuộc đời tôi là những cơn đói. Cho đến tận khi từ Hòa Bình về học tại trường viết văn Nguyễn Du năm 30 tuổi, hầu như lúc nào tôi cũng trong tình trạng đói và rét.

Minh họa: Vũ Xuân Tiến

Đói đi vào giấc mơ, như một nỗi kinh hoàng. Năm bố tôi thất thế, khi đó tôi mới chưa đầy mười tuổi, nhà có cả thảy tám miệng ăn. Là người lo xa, thêm vào đó là sự chuẩn bị để “chiến đấu lâu dài”, bố bắt đầu áp dụng chính sách “cộng sản thời chiến”. Đứa nhỏ nhất là em gái út của tôi, mới 6 tuổi, còn người già nhất là bà nội, khoảng gần bảy mươi tuổi cũng không là ngoại lệ, đều phải ăn theo chế độ hạn mức. Bữa sáng, lao động chính ba bát, lao động phụ hai bát, còn cách chưa làm gì thì một bát đầy. Mấy anh em tôi, dù cũng chưa lớn, nhưng đang tuổi ăn, chỉ lùa vài phát là xong một bữa. Tự giác mà đứng dậy, đừng để phải nhắc. Ăn rồi mà cứ ngỡ như chưa ăn. Bụng vẫn rỗng, miệng vẫn tứa nước bọt, trong khi mắt phải nhìn đi chỗ khác để tránh xa sự cám dỗ chết người từ nồi cơm đang nhanh chóng vơi tận đáy. Vẫn còn chút hy vọng leo lét là biết đâu, vì xót con, có thể mẹ đủ can đảm vượt qua quy định cứng hơn thép của bố, mà cho mỗi đứa thêm miếng cháy! Nhưng điều đó rất hãn hữu xảy ra. Bố sẽ lừ mắt nhìn mẹ, thay cho câu nói: “Liệu có để cho chúng nó ăn thế mãi được không, hay là rồi đến lúc rã họng ra”. Bố đã nói ra miệng câu đó hàng trăm lần. Bố quản lương thực rất chặt, như vị chỉ huy trên chiến trường chia khẩu phần cho lính trong tình trạng lương thảo sắp cạn kiệt mà đường hành quân thì còn xa.
Vào mùa mưa bão hàng năm, bố tự tay xuất từng thúng thóc để mẹ làm gạo dự trữ chống lụt. Số gạo đó đủ cho cả nhà ăn cầm chừng trong khoảng một tháng. Giả dụ nước lụt kéo dài, thì riêng về cái ăn coi như vẫn tạm an toàn. Trước khi qua rằm tháng Bảy, thời điểm mà theo kinh nghiệm dân gian không còn lo lụt lội (giờ đây có vẻ như kinh nghiệm này không còn đúng nữa, chẳng biết tại Trời thay đổi, lật lọng hay do con người cứ muốn chuốc lấy tai họa bằng cách trêu chọc thiên nhiên), số gạo đó cứ đóng chặt trong hai cái thùng sắt, để lên gác, cấm chỉ được lấy ra để ăn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Một lần, chúng tôi ngồi qua trưa chờ mẹ đi chợ đong gạo về, nhưng bố mặt cứ lạnh tanh, coi như không biết vẫn có cả tạ gạo sẵn có trong nhà. Mãi gần chiều mẹ mới về, dốc ra chỉ được chưa đầy cân gạo, chả bõ dính chiếc nồi to vật vốn vẫn dùng nấu cho tám miệng ăn thường phải gấp gần ba lần số gạo đó mới đủ (thời ấy chỉ có cơm, nên mỗi bữa mỗi người cho đi bay dăm bát cơm là chuyện thường). Bố sai chị tôi nấu đúng số gạo mẹ đong được ấy, chia mỗi người chưa nổi một bát cơm. Mẹ nhìn mấy anh em tôi tắc lẻm miệng, ứa nước mắt vì xót, nhưng cũng đành cắn răng không dám bảo bố cho lấy gạo dự trữ ra ăn. Về phần mình, bố coi đó là chuyện bình thường. Bố được rèn luyện trong suốt cuộc đời để không biết mềm yếu trước bất cứ tình cảnh nào. Bố lo xa thế cũng vì bố biết, nếu cứ phóng tay, chúng tôi sẽ không thể trụ lâu được. Những tám miệng ăn, lại chưa có đứa con nào đến tuổi trưởng thành để có thể kiếm ra thóc lúa. Không nhiều nguồn thu nhập, ông chỉ biết phòng bị bằng cách tiết kiệm triệt để và ăn tiêu theo kế hoạch chặt chẽ.
Mẹ tôi hiền lành nhưng tháo vát. Bà tìm mọi cách để làm quen, kết bạn với những nhân viên bán hàng hóa và thực phẩm. Hồi đó mọi thứ đều phải mua bằng tem phiếu. Nhưng nhờ thân quen, thỉnh thoảng mẹ lại vác về một cái sỏ lợn, mấy cân lòng, vài tảng đậu phụ hoặc túi mì chính, tút thuốc lá. Đó là những món quà vô giá thời bao cấp mà chúng tôi sẽ nhớ đến hết đời. Còn hơn cả nằm mơ! Sỏ lợn thì lọc ra, phần rán lấy mỡ, phần thái nhỏ, rang mặn để ăn dần. Cứ một phần thịt, một phần muối! Công việc này thường do tôi làm. Tuy gầy yếu, lèo khoèo, nhưng tôi có thể đánh vật với cái thủ lợn 5-6 cân rất thuần thục. Chỉ chưa hết một buổi chiều là mọi thứ đã đâu vào đấy. Thích nhất là hôm ấy được tha hồ lục lọi trong đống xương đã ninh kỹ lấy nước nấu canh, để moi phần thịt còn bám vào các hang hốc mà các cụ gọi là “lòng đào”. Nó ngon không thể tả nổi. Nó thơm và ngậy không thể nào kể lại được. Mồm miệng đứa nào cũng bóng lên, cười nói hỉ hả trong niềm mãn nguyện của mẹ thấy đàn con no nê, giải hết cơn khát thèm thịt.
Có lần mẹ bê về ba bốn thỏi đậu phụ, mỗi thỏi nặng hơn hai kilo. Coi như bữa đó chúng tôi ăn đậu phụ vã. Bụng đứa nào cũng tròn căng như quả bóng.
Mì chính, sữa hộp hay thuốc lá thì chúng tôi sẽ đem xuống chợ Rồng, cách nhà ba cây số bán cho những quán nước hoặc người phe phẩy để lấy tiền chênh lệch. Hồi đó bán bất cứ thứ gì cũng bị coi là phạm pháp. Vì thế, chị gái tôi phải mặc áo tơi lá, giấu những thứ đem bán bên trong. Đến nơi, chị tôi đứng chờ tít đằng xa, còn tôi đi thám thính xem hàng nước nào vắng khách để thỏa thuận giá cả. Đó luôn là cả một công việc khó khăn và mạo hiểm. Thường tôi phải lượn đi lượn lại hàng chục vòng, trong cái nhìn soi mói của khá nhiều người. Không thể nào biết ai trong số đó là phòng thuế cải trang. Họ sẵn sàng tịch thu những thứ mình mang trong người, với lý do không được phép buôn bán hàng nhà nước phân phối. Họ sẽ hỏi lấy ở đâu ra những thứ thuộc hàng quý hiếm ấy? Và trong đa số trường hợp, mất không cho họ, nhưng thoát được người, vẫn còn là may.
Có hôm mưa rét, quán nào cũng đông kín khách vào tránh mưa trú rét là chính, khiến tôi cứ phải đi loanh quanh mà không dám vào hàng nào. Nhiều phen chị tôi đứng chờ cả buổi chiều dưới những làn mưa phùn, chân chỉ muốn khuỵu xuống vì đói và rét. Nhưng chưa lần nào chúng tôi không trót lọt, kể cả có hôm trao hàng, nhận tiền trong nhá nhem tối. Tuy vừa rét vừa mệt nhưng hai chị em vui lắm. Thèm quắt ruột một cái kẹo dồi cũng không dám. Về nhà, bố tính ngay ra số tiền lãi, cất kỹ vào tủ, cảm thấy vừa có thêm nguồn dự trữ chiến đấu chống lại hiện tại, đưa đàn con mau chóng băng đến tương lai dù ông không hề biết điều gì đang đợi các con ông ở phía trước.
Giống như các anh chị em của tôi, bố tôi dự liệu trước cho tôi mọi thứ để có một tương lai sáng sủa. Từ những mặc cảm và nỗi kinh sợ về cái nghèo (ba phần tư cuộc đời bố tôi chìm trong đói rét, mặc dù ông từng là bí thư kiêm chủ tịch một xã lớn), mọi mong muốn của ông cho tôi đều hướng tới sự giàu có. Ông muốn tôi có một cái nghề hái ra tiền; một công việc nhiều người mơ ước; thậm chí thành một con buôn cũng tốt… Tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của chữ nghĩa là thứ luôn mang đến cho ông tai họa.
Vì thế việc tôi trở thành nhà văn, với ông, còn hơn cả sự chơi xỏ của số phận, hoặc giống như một câu chuyện hài.
Giờ đây, tất cả những chuyện đói rét đã lùi xa. Thậm chí, giờ người ta bắt đầu sợ ăn, kiêng ăn. Nhưng, những ký ức thì vẫn còn mãi…

Tạ Duy Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/cau-chuyen-hai-cua-so-phan-1373436.tpo