Câu chuyện Greenland và vùng đất cực Bắc bị lãng quên

Greenland xa xôi tưởng chừng bị lãng quên trên Trái Đất, không chỉ có bốn bề băng tuyết mà còn có những nét văn hóa độc đáo hàng nghìn năm và cảnh quan thiên nhiên tuyệt diệu.

Miền đất của người Eskimo thời hiện đại

Sau 3 tiếng di chuyển từ Iceland, máy bay cuối cùng cũng hạ cánh xuống Nuuk, thủ đô của Greenland, một quốc gia tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch. Thành phố cảng phủ tuyết trắng xóa khi nhìn từ trên cao. Nuuk hiện lên trong mắt tôi vào lần đầu gặp gỡ là những ngôi nhà gỗ nhiều màu nổi bật giữa muôn trùng băng tuyết. Quốc kỳ Greenland màu đỏ trắng bay phấp phới trên hòn đảo xinh đẹp, xa xôi.

Chuyến đi Greenland lần này của tôi là cuộc hành trình vội vàng, nằm ngoài dự tính nhưng để lại nhiều dấu ấn thú vị khi được khám phá miền đất xa lạ, lạnh lẽo tưởng như bị lãng quên trên hành tinh rộng lớn. Chuyến đi này, tôi đã có dịp cùng hậu duệ người Eskimo trải nghiệm nền văn hóa độc đáo hàng nghìn năm.

80% diện tích Greenland bị băng tuyết bao phủ. Vị trí địa lý nơi đây tách biệt với đất liền làm thỏa lòng những tâm hồn ưa phiêu bạt một cách lạ kỳ.

Quốc gia này có số lượng dân cư thấp nhất thế giới với khoảng 60.000 người sinh sống. Họ là những hậu duệ của người Eskimo di cư từ Canada hoặc Đan Mạch. Về địa lý, Greenland gần châu Mỹ hơn, nhưng lịch sử và chính trị quốc gia này lại chịu ảnh hưởng bởi châu Âu.

Tôi chọn thuê một căn phòng nhỏ ở nhà người dân thành phố Nuuk. Chi phí lưu trú trong khách sạn ở Greenland đắt đỏ gấp nhiều lần so với các phòng nghỉ tại gia đình người bản địa. Mùa đông, khách du lịch tới Greenland ít nên phòng nghỉ rất sẵn và vắng vẻ.

Chủ nhân căn nhà tôi thuê trọ là một người đàn ông già sống ly thân vợ, nhiệt tình và hiếu khách. Ông tiếp đón tôi bằng sự nồng hậu, chân thành. Những ngày nghỉ chân ở Nuuk, tôi cùng ông đi mua những chai bia lạnh, nhậu như 2 người bạn đã thân từ lâu, kể cho nhau nghe những câu chuyện lịch sử của quốc gia mình.

Tôi vẫn nhớ như in, Nuuk chào đón tôi bằng những tia nắng sớm bên bờ biển phía đông lạnh thấu xương trong trời đông. Hoàng hôn trên miền đất này đến rất vội. Chỉ chừng 14h, trời đã xuất hiện những vầng sáng hồng, tím, báo hiệu mặt trời đang lặn. Khoảng 16-17h, Mặt Trời tắt hẳn, nhường chỗ cho màn đêm.

Một trong những cảnh quan để lại nhiều ấn tượng nhất với tôi trên thành phố cảng này là nhà thờ Church of Our Saviour. Nhà thờ màu đỏ thẫm được bao quanh bởi những ngôi nhà gỗ sơn vàng, rực rỡ giữa thành phố Nuuk nhỏ bé, phủ trắng tuyết. Đa số người Greenland theo đạo Tin Lành. Ngoài ra, quốc đảo này cũng có đạo Công giáo, Baptism và một số tôn giáo nhỏ khác.

Nếu bạn muốn tìm hiểu về tôn giáo của người Greenland, có thể ghé thăm tượng Hans Egede, người truyền đạo đầu tiên cho những người Eskimo xa xưa. Du khách cũng có thể dừng chân ngắm bức tượng Sassuma Arnaa (Mother of the Sea), biểu tượng thiêng liêng trong cuộc sống người Greenland nói riêng và cư dân Bắc Âu nói chung.

Bức tượng được mệnh danh là người mẹ của biển cả, bảo hộ cho muông thú biển. Khi loài người xâm phạm biển cả và làm ô nhiễm, tóc người phụ nữ ấy sẽ dính đầy cát bụi. Bà sẽ trừng phạt con người bằng những cuộc đi săn thất bại ngoài khơi xa.

Trong gia đình người dân Nuuk nói riêng và người Greenland nói chung, các ông bố đi làm, săn bắn, người mẹ lo nội trợ, chăm con, quán xuyến việc nhà.

Muốn hiểu hơn về cuộc sống của người Greenland từ thời tổ tiên Eskimo, bạn có thể đến bảo tàng Greenland (Nuuk). Nơi đây trưng bày các hiện vật tái hiện lại quá trình sinh sống, phát triển của người dân vùng Bắc Âu xa xôi.

Các mẫu vật về ngành công nghiệp khai khoáng, nét văn hóa của người dân bản địa qua những bộ trang phục truyền thống, phương tiện di chuyển, công cụ săn bắn, các loại da từ lông động vật, thậm chí cả xác ướp người... đều xuất hiện tại bảo tàng nhỏ xinh nằm bên bờ biển tại thành phố cảng Nuuk.

Rời Nuuk xinh đẹp, tôi lên con tàu Sarfaq Ittuk đến miền đất sát vùng Bắc Cực - Ilulissat. Thị trấn hiện ra trước mắt tôi là những tảng băng trôi khổng lồ, hùng vĩ, ngút tầm mắt.

Tôi, chàng trai xứ nhiệt đới, cảm thấy thoải mái vô cùng khi ở một nơi lạnh tận xương, chẳng hề sợ hãi trước tiếng động vang trời của những tảng băng khổng lồ lâu lâu lại nứt vỡ rơi xuống biển. Tôi ở Ilulissat một tuần, gác lại những bận rộn của thế giới ngoài kia, hòa mình với cuộc sống người bản địa vùng cận Bắc Cực, chiêm nghiệm cuộc sống lạnh giá chỉ có tuyết và những tảng băng trôi.

Nhà ở Ilulissat chẳng khác gì mấy so với những căn nhà ở Nuuk. Hoàng hôn nơi đây cũng ảo diệu như bầu trời tôi từng chiêm ngưỡng trên thành phố cảng. Ilulissat ghim lại trong ký ức của tôi là cuộc sống phóng khoáng, đầy sự hài lòng của hậu duệ người Eskimo.

Săn bắn là nghề tạo nguồn thu nhập chủ yếu cho các hộ dân sinh sống tại Ilulissat. Hải cẩu ở vùng này có rất nhiều. Chúng là là lương thực, nguồn tài chính cho cư dân ở đây. Dân Ilulissat săn bắt hải cẩu một cách ý thức và đủ dùng.

John, chủ nhà nơi tôi thuê trọ, là tay săn thứ thiệt vùng này. Cứ vài ngày, người đàn ông này lại đi săn hải cẩu, hươu nai hoặc đi câu cá. Pia, vợ của ông ở nhà may vá, làm đồ thủ công, quà lưu niệm từ lông, da thú, kiếm thêm thu nhập nuôi 4 đứa nhỏ.

Da hải cẩu hay lông gấu Bắc Cực được người dân ở đây sản xuất thành đồ mặc thường ngày để tránh cái lạnh cắt da cắt thịt. Ngoài ra, những món đồ lưu niệm như găng tay, mũ lông… cũng được khách du lịch yêu thích.

Điều đặc biệt nhất ở Ilulissat mà không phải ai cũng may mắn được trải nghiệm là săn hải cẩu bằng xe chó kéo cùng người bản địa Greenland. Phải tận mắt chứng kiến những nét văn hóa được lưu giữ hàng nghìn năm, du khách mới có thể hiểu được cuộc sống của những người dân vùng đất băng giá, xa xôi nhất thế giới này.

Săn hải cẩu bằng xe chó kéo cùng người bản địa

Đến năm 2002, có khoảng 4.700 con chó ở Ilulissat được nuôi bằng thịt hải cẩu, cá chim... Khoảng 10-12 con có thể kéo 300 kg hàng từ Nunatarsuaq (Greenland) băng qua những dãy đồi cao vút để đến Ilulissat trong vòng 4 tiếng. Nhà chú John có tổng cộng 23 con, trong đó có khoảng 5 con còn nhỏ, 18 con còn lại thay phiên nhau kéo xe đi săn bắn khoảng 2-3 lần/tuần.

Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến vùng đất cận Bắc Cực, nên rất mong chờ một chuyến đi săn hải cẩu bằng xe chó kéo đúng nghĩa, không giống những tour đi xe chó kéo dịch vụ, dễ dàng có ở khắp nơi trên thế giới. May mắn thay, chú John là người có kinh nghiệm gần nửa thế kỷ làm thợ săn thực thụ và di chuyển bằng xe chó kéo để đi săn hải cẩu, săn nai.

Tôi đã cùng hậu duệ người Eskimo trải nghiệm cuộc săn bắt như những ngư dân và thợ săn bản địa, biết được cách chế biến món ăn truyền thống từ loài vật này và nghe vô vàn câu chuyện từ xưa đến nay về những cư dân của vùng Bắc Cực lạnh giá.

Săn hải cẩu chẳng phải chuyện dễ dàng gì nhưng đối với những người như chú John, đó là công việc thường nhật. Sau khi di chuyển đàn chó kéo đến bờ các tảng băng, thợ săn sẽ đục vài lỗ trên băng và giăng lưới ngầm dưới hố. Bầy hải cẩu đi vào trú hay kiếm ăn sẽ sa lưới, sau vài ngày thợ săn đem cầm xà beng tới xúc lớp băng đá ở bề mặt đi, kéo lưới lên những con hải cẩu mắc bẫy.

Những con hải cẩu sập bẫy đều chết cóng, đông cứng dưới lớp băng tuyết. Thợ săn sử dụng nước dưới lớp băng để rửa thịt hải cẩu, làm nước nấu, thậm chí nước trong những hố băng có thể uống được vì rất sạch và tinh khiết.

Sau khi bắt hải cẩu xong xuôi, những người thợ săn sẽ nghỉ chân trong những căn chòi gỗ nhỏ. Chú John cùng chú Niels, người bạn đồng hành trong cuộc đi săn, ngồi thảnh thơi sau chuyến săn tại căn chòi cũ kỹ, đủ đồ nghề săn bắn khiến tôi cảm thấy ngưỡng mộ cuộc sống phóng khoáng, hoang dã của những người Eskimo thời hiện đại.

Người dân Ilulissat như chú John không mưu cầu một cuộc sống xa hoa, đủ đầy. Họ hài lòng với nét văn hóa được lưu giữ hàng nghìn năm và hạnh phúc với những gì họ có.

Bắc cực quang, núi băng - món quà thiên nhiên huyền diệu

Tôi may mắn khi được chiêm ngưỡng Bắc cực quang kỳ ảo với nhiều màu xen kẽ, ngắm cả bầu trời đầy sao sáng thành vệt ở cả thành phố Nuuk và thị trấn Ilulissat. Thứ ánh sáng này là món quà tuyệt diệu mà thiên nhiên ban tặng cho miền đất băng giá khắc nghiệt.

Đêm, tôi chụp bầu trời Ilulissat, nhiệt độ ngoài trời chỉ âm 18 độ C, vì nơi này sát vịnh biển, thêm nữa lại gần chỗ tảng băng trôi nên có thể nhiệt độ xuống tới âm 20 độ, gió rít lạnh tận xương. Tuy vậy, tôi vẫn cảm thấy thật đã, vì những điều kỳ diệu từ thiên nhiên đâu phải ai cũng có cơ may được chiêm ngưỡng.

Tới miền đất băng giá hẳn không thể quên nhắc tới những tảng băng trôi. Nằm về phía tây Greenland, thị trấn Illulissat nổi tiếng với những tảng băng khổng lồ, đủ hình thù bao phủ xung quanh, có những núi băng cao đến 1 km.

Vịnh băng ở Ilulissat được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Sắc trắng xanh của băng, cùng với độ cao hùng vĩ, đã tạo nên một bức tranh siêu thực cho miền đất cận Bắc Cực.

Greenland không có những công trình kiến trúc ấn tượng, không có trung tâm thương mại sầm uất, không di tích lịch sử ngàn năm. Miền đất khắc nghiệt này chỉ có cảnh quan thiên nhiên là say lòng du khách.

Bất kỳ ai từng đặt chân tới Greenland, dành cả đêm ngắm thứ ánh sáng đặc sản của bầu trời phương Bắc, trầm trồ trước những khối băng trắng xanh, sống vô lo, phóng khoáng giữa những con người xứ lạnh... đều cảm thấy thật sự may mắn khi được trải nghiệm những điều tuyệt diệu ở miền đất xa xôi tận cùng Trái Đất.

Trần Đặng Đăng Khoa

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cau-chuyen-greenland-va-vung-dat-cuc-bac-bi-lang-quen-post895231.html