Câu chuyện giáo dục: Con học, cha mẹ đua tranh

Chuyện xếp hạng học sinh (HS) lâu nay tưởng là quy định bắt buộc đến khi TP.HCM kiến nghị sẽ bỏ việc xếp hạng này. Hóa ra, lâu nay không hề có quy định chính thức nào từ Bộ GD-ĐT về chuyện xếp hạng HS cuối năm học cả.

Lớp có 43 học sinh nhưng 42 học sinh đạt loại giỏi - Ảnh: PHCC

Việc xếp hạng này trên thực tế cũng làm hài lòng nhiều phụ huynh. Sẽ có những phụ huynh vui, thậm chí tự hào về thứ hạng của con mình; nhưng còn nhiều phụ huynh khác hoặc tặc lưỡi cho qua, hoặc “buồn như con chuồn chuồn” vì con mình bị xếp hạng quá thấp.

Thực ra, chuyện xếp hạng này đã có từ... thời thuộc Pháp, ở các trường tiểu học. Sau khi nước VN Dân chủ cộng hòa được thành lập, việc xếp hạng HS không còn là yêu cầu bắt buộc nữa, nhưng các trường tiểu học (gọi là cấp 1) vẫn duy trì. Nếu hồi đó, chuyện xếp hạng khiến HS phấn đấu hơn, cố học cho tốt hơn, còn cha mẹ không quan tâm nhiều lắm, thì bây giờ chuyện xếp hạng con cái ở trường lại khiến cha mẹ nhiều khi phấn khởi quá mức, nhiều khi bức xúc quá đà, và nhiều khi thành cuộc đua tranh của... cha mẹ, chứ không phải của HS nữa.

Cơ sự vì bây giờ có mạng xã hội, mọi chuyện, nhất là chuyện học hành của con cái, đều được cha mẹ đưa “lên mạng” với nhiều tâm tình khác nhau. Có người để... khoe con học giỏi, có người để than trách vì sao điểm số con mình thấp, có người lại tìm những nguyên nhân con mình không xếp hạng cao ở những “đối tượng” ngoài con mình. Dù là với mục đích gì, thì tự nhiên, chuyện học hành bình thường của con trở thành “cuộc đua” của cha mẹ một cách không cần thiết.

Nhiều lớp học đã cho số điểm tổng kết xếp hạng cuối năm ở mức... cao ngất ngưởng, lớp có 43 HS thì 42 em đạt loại giỏi. Xếp hạng hay cho điểm như thế, thà đừng cho điểm gì cả lại hay hơn. Vì các em sẽ không cảm thấy mình “bị bỏ lại phía sau”, còn thầy cô thì cũng nhẹ lòng.

Chính vì thế, việc bỏ xếp hạng trong lớp trở thành yêu cầu bắt buộc.

Nhưng vấn đề ở đây không chỉ bỏ xếp hạng, mà cái chính là bỏ tư tưởng chạy theo thành tích ở các trường, các lớp. Từ câu chuyện của phụ huynh đã thành câu chuyện của giáo viên, của nhà trường, và cuối cùng, của các bậc lãnh đạo trường hay sở. Ai cũng muốn có thành tích cao, và thay vì đó là thành tích thật, thì mình cứ cho “thành tích ảo” đi, nếu có mất, chỉ mất... điểm thừa trên “thế giới ảo”, còn nếu được, thì được rất nhiều thứ.

Trẻ con, từ chỗ là sự “đặt cược” của cha mẹ, thành sự “đặt cược” của lớp học, của nhà trường và cao hơn. Các thành tích cứ thế được được “ban” ra như mưa rào tháng hạ, mọi người đều vui, chỉ có việc thực học là... buồn, vì thất bại.

Dạy và học như thế, thà đừng cho điểm còn hơn.

Thực ra, đã có những nước trên thế giới không áp dụng cho điểm ở bậc tiểu học hay THCS. Chỉ có những đánh giá về từng mặt của HS, từ khả năng tới kỹ năng, từ học hành tới vui chơi, vậy thôi. Hiện nay VN cũng áp dụng điều này ở cấp tiểu học.

Nói cho cùng, HS nhỏ tuổi ở các lớp tiểu học hay THCS học để vui sống, học để biết những cái chưa biết, chứ không quan tâm học vì điểm số.

Thanh Thảo

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/cau-chuyen-giao-duc-con-hoc-cha-me-dua-tranh-1092150.html