Câu chuyện điện - than

Trong những ngày qua, một vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận là chuyện cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện (NMNÐ). Theo công văn của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) gửi Bộ Công thương, đã phản ánh thực trạng báo động trong sản xuất tại các NMNÐ ở tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng do thiếu hụt than trầm trọng. Vậy bản chất sự việc này như thế nào?

Nguồn cung than có thiếu hụt?

Trong hai tháng cuối năm 2018, theo tính toán của EVN, tổng sản lượng phụ tải điện cả nước cần khoảng 37,5 tỷ kW giờ, tăng 600 triệu kW giờ so với kế hoạch năm. Thời điểm này, lượng nước về các hồ thủy điện đang giảm (thấp hơn 1,5 tỷ kW giờ so kế hoạch năm); việc cấp khí cho phát điện từ hệ thống khí Nam Côn Sơn chỉ đạt trung bình 16,5 triệu m3/ngày, khiến sản lượng điện từ khí hụt 810 triệu kW giờ. Ðể bù sản lượng điện thiếu hụt, phương án hiệu quả nhất là huy động các NMNÐ. Ðể đáp ứng được yêu cầu phát điện cao trong tháng 12, các NMNÐ của EVN cần gần 3,1 triệu tấn than, trong đó than trong nước khoảng 2,55 triệu tấn. Song kế hoạch cung ứng của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Ðông Bắc cho EVN chỉ đạt hơn hai triệu tấn (TKV cấp 1,6 triệu tấn), thấp hơn so với nhu cầu 500 nghìn tấn. Trong hệ thống của EVN, một số NMNÐ như Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Phả Lại,... hoạt động sản xuất đang gặp nhiều khó khăn do than dự trữ đã cạn. NMNÐ Hải Phòng có bốn tổ máy (công suất 300 MW/tổ) hoạt động hết công suất cần 12 nghìn tấn/ngày, nhưng có những ngày chỉ được cấp 2.000 đến 3.000 tấn. EVN cảnh báo, nếu TKV cung cấp than thấp hơn nhu cầu, hệ thống điện có khả năng phải cắt giảm phụ tải trong tháng 12 do không còn các nguồn khác để huy động và nguy cơ phải cắt điện ngay từ đầu năm 2019, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia. Do thiếu than trầm trọng, hai trong bốn tổ máy của NMNÐ Quảng Ninh đã phải dừng hoạt động từ ngày 17-11, sản lượng điện giảm hơn 10 triệu kW giờ/ngày, giá trị tương đương 13 tỷ đồng. Nhà máy đã nhiều lần có công văn "kêu cứu" các bộ, ngành chức năng, nhờ can thiệp để TKV và Tổng công ty Ðông Bắc có giải pháp hỗ trợ, cung ứng đủ nguồn than đáp ứng nhu cầu sản xuất đợt cao điểm mùa khô cuối năm.

Tuy nhiên, theo lý giải của Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Hoàng Trung, trên cơ sở dự báo thị trường, cân đối năng lực sản xuất và lượng than tồn kho, kế hoạch tiêu thụ than năm nay của TKV đạt 36 triệu tấn; trong đó, cung cấp cho sản xuất điện 26,5 triệu tấn. Trong 11 tháng qua, TKV đã hoàn thành kế hoạch tiêu thụ cả năm, với 37,4 triệu tấn, tăng gần 4% kế hoạch và 17% so với cùng kỳ. Trong đó, cung cấp cho các NMNÐ theo đúng các hợp đồng đã ký, đạt 26,9 triệu tấn, bằng 103% kế hoạch cả năm và 126% so với cùng kỳ. Các NMNÐ đã nhận than nhiều hơn so với hợp đồng, tăng 5,4 triệu tấn so với năm trước. Do giá than nhập khẩu cao hơn than trong nước 5 đến 10 USD/tấn, các hộ tiêu thụ lớn như điện, xi-măng, phân bón, hóa chất, thép,... trước đây sử dụng than nhập khẩu, nay lại quay về mua than trong nước. Các yếu tố này khiến nhu cầu than tăng đột biến, gây khó cho TKV trong tổ chức sản xuất, chế biến và huy động nguồn than. Riêng NMNÐ Quảng Ninh, theo hợp đồng năm 2018, TKV cung cấp 2,6 triệu tấn than, đến cuối tháng 11 đã cấp vượt 50 nghìn tấn, hoàn thành khối lượng dù chưa hết năm. Phần tăng thêm, TKV đã thống nhất với EVN trong tháng 12 cấp tiếp khoảng 200 nghìn tấn, dự kiến cả năm đạt 2,83 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2017. "Trên thực tế, không phải NMNÐ Quảng Ninh dừng phát, mà chỉ là giải pháp tùy theo tình hình huy động điện. Thông thường, nhà máy chạy ba tổ máy, huy động giảm thì chạy hai tổ. TKV đã cung ứng cho nhà máy bảo đảm theo hợp đồng đã ký, thậm chí còn vượt kế hoạch", Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Hoàng Trung khẳng định.

Sau rất nhiều năm, kể từ khi xóa bỏ cơ chế bao cấp, năm nay TKV đã phải phát động Chiến dịch thi đua 90 ngày đêm sản xuất và tiêu thụ than. Các NMNÐ đang hoạt động hiện nay và nhiều nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới vẫn có nhu cầu sử dụng nguồn than an-tra-xit sản xuất trong nước là chính, vì than cho điện đòi hỏi chủng loại phù hợp thiết kế với khối lượng lớn, ổn định và lâu dài.

Cần chiến lược dài hạn cho điện - than

Hẳn nhiều người còn nhớ, năm 2016 là năm đầy khó khăn đối với TKV. Ngành than tồn kho lên tới 11 triệu tấn, giá trị khoảng 12 nghìn tỷ đồng. Tiêu thụ than gặp khó do xuất khẩu giảm, chỉ bằng 38% so cùng kỳ, các hộ tiêu thụ lớn như điện, xi-măng, hóa chất,... do giá than nhập khẩu rẻ, đều quay sang mua than từ nước ngoài. Theo kế hoạch, năm 2016 nhập khẩu hơn 3,1 triệu tấn than, nhưng đến tháng 8, cả nước đã nhập khẩu tới gần 10 triệu tấn, gấp ba lần kế hoạch. Trước đây, hai ngành điện - than từng là trụ cột chính của năng lượng quốc gia, không tách rời nhau. Thời bao cấp (1986 - 1990), khi các NMNÐ chưa phát triển, than sản xuất thừa mứa, giá than rẻ như cho, "con gà, đôi guốc cũng đá bay tấn than", để duy trì công suất mỏ, giữ ổn định ngành than, Chính phủ có cơ chế giá than bán cho điện cao hơn các hộ sản xuất khác, bởi tính toán chiến lược tương lai về sau, khi các NMNÐ xây dựng xong, mới có đủ than cho sản xuất điện. Khi thành lập Tổng công ty Than Việt Nam (tháng 10-1994), Chính phủ giao Tổng công ty chịu trách nhiệm quản lý, thăm dò, bảo vệ và khai thác than, được Bộ Công nghiệp nặng ký quyết định bàn giao tài nguyên than. Nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Than Việt Nam Ðoàn Văn Kiển nhớ lại: Ðây chính là động lực để ngành than sau này đạt sản lượng khai thác 40 đến 50 triệu tấn/năm. Ngành than đã kiểm soát được nạn "than thổ phỉ", khi giá than tăng, vẫn bán cho điện với giá thấp hơn giá thành (bằng 50 đến 70%) để "chia lửa" cho ngành điện.

Thời gian gần đây, hòn than phải gánh mức thuế, phí cao hơn các nước trong khu vực (15 đến 16%), làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Ngân sách dành cho việc khảo sát trữ lượng tài nguyên than bị cắt giảm, các mỏ không có nguồn kinh phí để thăm dò, chủ động kế hoạch đầu tư phát triển bền vững trong tương lai. Ðây là những "chốt hãm" về cơ chế, chính sách khiến ngành than bị bó hẹp, sản lượng chỉ quẩn quanh mức 40 triệu tấn/năm. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, hằng năm nhập khẩu hàng trăm triệu tấn than, đều phải tính toán đầu tư khai thác mỏ nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch đầu mối cung ứng bền vững lâu dài. Việc cung cấp than khối lượng lớn không đơn giản như mua mớ rau, con cá ngoài chợ, để đầu tư xây dựng một mỏ khai thác hầm lò mới mất hàng chục năm, cần nguồn vốn khoảng 10 đến 15 nghìn tỷ đồng tùy quy mô công suất, xây dựng một lò chợ mới cũng mất tới hai đến ba năm. Với đặc thù như vậy, để bảo đảm cung ứng than lâu dài, nhất là cho các NMNÐ, giữa các bên cần ký hợp đồng dài hạn. Nhưng thực tế, số lượng hợp đồng dài hạn chỉ đếm trên đầu ngón tay, các bên không có ràng buộc nào về mặt pháp lý. Vướng mắc lớn là chưa được giải quyết cơ chế giá than, cho nên TKV và Tổng công ty Ðông Bắc hoàn toàn bị động trong xây dựng kế hoạch sản xuất, đầu tư phát triển mỏ. Việc này bắt nguồn từ bất cập trong chính sách và quản lý, điều hành sản xuất, tiêu thụ than trong nền kinh tế, thị trường than trong nước chưa được vận hành, quản lý chặt chẽ, hợp lý gắn với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững ngành than, thiếu chính sách đồng bộ giữa nhập khẩu với tiêu thụ, sử dụng than nhập khẩu,...

Mấy năm gần đây, do mưa nhiều, các nhà máy thủy điện đều phát điện hết công suất, nước ta không xảy ra thiếu điện. Tuy nhiên, trong các năm tới, dự báo thời tiết diễn biến không thuận, ít mưa, trong khi tiến độ các dự án nguồn phát điện mới rất chậm, nguy cơ thiếu điện trong năm 2019 hoặc 2020 diễn ra trước mắt. Ðiều đáng báo động là hiệu quả sử dụng năng lượng (điện, xăng dầu) ở nước ta rất thấp, tiêu dùng điện lãng phí gấp ba lần so mức bình quân thế giới. Giá bán điện thấp hơn các nước trong khu vực chính là "gót chân A-sin" của các Tổng sơ đồ/Quy hoạch phát triển ngành điện. Ðể giải quyết vấn đề này, với chức năng điều tiết vĩ mô nền kinh tế, Chính phủ cần nghiên cứu, có sự kiểm soát giống như xăng dầu, tăng giá điện bán lẻ phù hợp quy luật thị trường. Giá điện không tăng khiến tiềm lực phát triển nguồn cấp bị hạn chế, mất cân đối nghiêm trọng cung - cầu về điện; làm suy giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế do mức tiêu hao năng lượng ngày càng cao trong giá trị sản phẩm làm ra. Giá thành phát điện của các NMNÐ hiện cao hơn giá bán, không còn kinh phí đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường,... Theo tính toán, để tăng 1% GDP, đòi hỏi Việt Nam phải tăng 1,2 đến 1,5% sản lượng cấp điện, ngành điện phải phát triển nhanh hơn so các ngành kinh tế khác. Không tăng giá điện sẽ khiến ngành điện không có tích lũy để tái sản xuất, mở rộng, phát triển các dự án điện,...

Trước tình hình nhu cầu than tăng cao, nhất là các NMNÐ, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng đã yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương phê duyệt biểu đồ cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện than; xây dựng kế hoạch tổng thể về nhu cầu sử dụng than các loại, gồm than trong nước và nhập khẩu, bảo đảm đáp ứng cho các hộ sản xuất, nhất là các NMNÐ. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các đơn vị nghiên cứu giải pháp sử dụng than trộn cho sản xuất điện, trên cơ sở tính toán phối trộn than trong nước và nhập khẩu, khắc phục việc thiếu than an-tra-xit; không để thiếu than cho sản xuất điện, kể cả ngắn hạn trong tháng cuối năm. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu TKV, Tổng công ty Ðông Bắc và các hộ tiêu thụ than khẩn trương thỏa thuận, ký hợp đồng mua bán than năm 2019 và kế hoạch mua bán than dài hạn, thực hiện nghiêm theo hợp đồng để đáp ứng đủ than cho sản xuất. Về giá bán than trong nước thực hiện theo Luật Giá, giao Bộ Tài chính chủ động làm việc và hướng dẫn các đơn vị sản xuất than xác định giá theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm sản xuất, kinh doanh than có hiệu quả,...

Nhập khẩu than tăng mạnh

Trong vài năm trở lại đây, than đá tiếp tục lọt vào nhóm hàng nhập khẩu lớn của nước ta, chủ yếu nhập từ Ô-xtrây-li-a, In-đô-nê-xi-a và Trung Quốc. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu than đạt 927 triệu USD, năm 2017 tăng lên 1,52 tỷ USD và 11 tháng năm nay đã vượt mức 2,2 tỷ USD (gần 20 triệu tấn). Thị trường In-đô-nê-xi-a chiếm 50% về lượng (8,67 triệu tấn) và 31,2% về kim ngạch (638,27 triệu USD), tăng tới 92,2% về lượng và 115,4% về trị giá so cùng kỳ; giá nhập khẩu tăng hơn 12% (trung bình 73,6 USD/tấn). Thị trường Ô-xtrây-li-a chiếm 26% về lượng (4,52 triệu tấn) và 33,8% về kim ngạch (692,52 triệu USD), giá nhập khẩu tăng 28,5% (hơn 153 USD/tấn),...

QUANG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/38523202-cau-chuyen-dien-than.html