Câu chuyện đầy kịch tính phía sau lâu đài tổ chức hội nghị G7 ở Đức

Nằm giữa những đỉnh núi phủ tuyết trắng của dãy Bavaria ở Đức, lâu đài tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay có lịch sử gây ấn tượng không kém khung cảnh của nó.

Được xây dựng vào đầu Thế chiến I bởi nhà triết học và nhà thần học Johannes Müller, như một nơi ẩn dật cho những môn đồ của ông, lâu đài Schloss Elmau từng là một trại quân sự của Đức Quốc xã, bệnh viện dã chiến, nơi trú ẩn cho những người sống sót sau thảm sát Holocaust.

Đây cũng là địa điểm tổ chức hội nghị của các nhà lãnh đạo G7 ngày 27-28/6. Câu chuyện phía sau lâu đài này bám sát với lịch sử trong thế kỷ XX đầy biến động của nước Đức. Giờ đây, lâu đài là một khách sạn sang trọng và vẫn thuộc sở hữu của gia đình Müller, dù từng rời khỏi tay họ trong một khoảng thời gian, theo Washington Post.

Bám sát thời kỳ biến động của nước Đức

Trước khi ông Müller xây dựng Schloss Elmau trong giai đoạn 1914-1916, ông đã thu hút một lượng lớn môn đồ trong giới quý tộc, giới kinh doanh và cộng đồng Do Thái của Đức.

Những người ủng hộ việc làm của ông Müller, trong đó có việc chỉ trích chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa tư bản, cũng như nhà thờ Thiên chúa giáo - đổ xô đến lâu đài này.

Tại đây, họ đã đắm mình trong vũ điệu và âm nhạc. Nơi đây tiếp đón các chính trị gia và nhân vật nổi tiếng của chính phủ Đức trong giai đoạn 1919-1933.

 Lâu đài được xây dựng vào năm 1916. Ảnh: Schloss Elmau.

Lâu đài được xây dựng vào năm 1916. Ảnh: Schloss Elmau.

Khi đế chế Đức Quốc xã bắt đầu, ông Müller đã có thái độ được coi là “mâu thuẫn”. Trong khi ca ngợi Hitler, ông lại cho rằng các chính sách chống người Do Thái của nhà độc tài này là "một sự ô nhục cho nước Đức”.

“Ông ấy rất ngạc nhiên trước những người Do Thái. Ông ấy nghĩ họ là 'những người Đức tốt hơn’”, Dietmar Müller-Elmau, cháu trai của ông Müller và là chủ sở hữu hiện tại của khách sạn, cho biết.

Ông Müller đã rút ra những điểm tương đồng giữa hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa tập thể của Đức Quốc xã và quan điểm từ chối tư lợi của ông.

Ông phản đối chủ nghĩa bài Do Thái và cấm kiểu chào Quốc xã tại Schloss Elmau. Tuy nhiên, sự ủng hộ kiên định của Müller dành cho Hitler đã khiến các quan chức Đức Quốc xã rơi vào tình thế khó xử.

Tuy nhiên, sau đó, ông liên tục bị Gestapo, cảnh sát mật của Đức Quốc xã, thẩm vấn và cuối cùng việc làm của ông bị cấm. Tuy nhiên, điều đó không làm lay chuyển lòng tin của Müller đối với Hitler.

Người sáng lập Schloss Elmau, Johannes Müller và vợ, Irene Sattler. Ảnh: Schloss Elmau.

Năm 1942, trong nỗ lực ngăn chặn việc SS, nhóm bán quân sự, tịch thu lâu đài, ông Müller đã cho quân đội của Đức Quốc xã thuê lâu đài để làm nơi nghỉ mát cho những người lính từ mặt trận trở về.

Tuy nhiên, hai năm sau, ông Müller bị quản thúc tại gia và Schloss Elmau bị biến thành bệnh viện quân y cho binh lính Đức. Vào năm sau, khi Đức Quốc xã đầu hàng, quân đội Mỹ giành quyền kiểm soát Elmau. Nơi đây nhanh chóng trở thành một trại tù, sau đó là một trường huấn luyện quân sự.

Chiến tranh có thể đã kết thúc, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến lập trường mâu thuẫn của ông Müller đối với Đức Quốc xã.

Năm 1946, Philipp Auerbach, ủy viên chính quyền bang Bavaria và là người sống sót sau thảm họa Holocaust, đã kiện chống lại ông Müller với lý do "tôn vinh" Hitler.

Sự thay đổi lớn nhất

“Ông tôi đã chọn không bào chữa cho mình”, Müller-Elmau nói. "Ông thú nhận lỗi lầm chính trị của mình, nhưng không phải lỗi thần học có liên quan”, ông nói thêm.

Sau khi thất vọng vì mất nhiều thời gian để kiểm soát lâu đài một cách hợp pháp, ông Auerbach đã chiếm dụng nó mà không có quyền sở hữu theo pháp luật. Trong giai đoạn 1947-1951, lâu đài phục vụ như một viện điều dưỡng cho những người sống sót sau thảm họa Holocaust và những người phải di dời.

Sự kiểm soát của ông Auerbach đối với Elmau chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Ông bị bắt vì cáo buộc tham nhũng sau đó. Năm 1952, ông bị kết tội gian lận và tham ô. Những ngày sau bản án, ông Auerbach đã tự kết liễu cuộc đời mình.

Một đám cháy xảy ra tại lâu đài Schloss Elmau vào năm 2015. Ảnh: Schloss Elmau.

Nhà sử học Michael Brenner cho biết mặc dù Schloss Elmau phản ánh lịch sử phức tạp của Đức, nó cũng thể hiện những nỗ lực của đất nước để nhìn nhận sự thật.

“Müller-Elmau và gia đình ông đã không trốn tránh quá khứ này, mà đối mặt với nó”, ông Brenner nói.

Lo sợ các yêu cầu bồi thường thiệt hại của gia đình Müller, chính quyền bang Bavaria đã cho các con của ông thuê lâu đài vào năm 1951. Một thập kỷ sau, họ trở thành chủ sở hữu hợp pháp.

Müller-Elmau trở thành chủ sở hữu vào năm 1997. Một ngọn lửa thiêu rụi tòa nhà vào năm 2005 đã mang đến cơ hội tạo ra những thay đổi lớn nhất. Hầu hết khách sạn phải được phá bỏ và xây dựng lại.

“Nhìn khách sạn chìm trong biển lửa - thật là một sự nhẹ nhõm tuyệt vời. Đó là điều tuyệt vời nhất có thể xảy ra với tôi vì trước đó, tôi đã đóng rượu mới vào bình cũ”, Müller-Elmau nói.

"Và bây giờ, tôi có thể làm một chai mới cho loại rượu mới", ông nói thêm.

Ngày nay, khoảng 220 buổi hòa nhạc được tổ chức tại lâu đài hàng năm, vì nó tiếp tục thu hút những tên tuổi lớn nhất trong làng nhạc cổ điển trên toàn thế giới. Không ai trong số họ mong đợi một khoản tiền lương.

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel với Cựu Tổng thống Barack Obama tại hội nghị G7 vào năm 2015. Ảnh: AFP.

Vị trí biệt lập khiến Elmau trở thành địa điểm tiếp đón các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh G7 trong tuần này. Trong lần gần nhất hội nghị G7 được tổ chức ở đây vào năm 2015, địa điểm này là bối cảnh cho một bức ảnh mang tính biểu tượng.

Trên một chiếc ghế dài bằng gỗ, cựu Tổng thống Barack Obama ngồi thư giãn, hai tay dang rộng. Trước mặt ông là cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đang dang rộng vòng tay chào đón, với những ngọn núi hùng vĩ ở phía sau.

“Mọi chính trị gia, mọi vị khách đến đây đều muốn chụp ảnh trên băng ghế đó”, ông Müller-Elmau nói.

Vân Đinh

Theo Washington Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-chuyen-day-kich-tinh-phia-sau-lau-dai-to-chuc-hoi-nghi-g7-o-duc-post1330282.html