Câu chuyện đằng sau bức ảnh về vụ nổ ở Beirut

Hình ảnh của AP thể hiện sự khốc liệt của vụ nổ ngày 4/8 tại cảng Beirut cướp đi sinh mạng của 193 người và khiến 6.500 người khác bị thương.

Khi Mustafa Kinno nhìn thấy mặt đất rung chuyển và nghe tiếng nổ lớn ở phía cảng, anh hoảng hốt gọi điện cho anh trai sống gần đó.

Không ai trả lời. Anh thử gọi một người hàng xóm và được biết gia đình họ đang ngồi ngay bên ngoài căn hộ đối diện cảng khi nó phát nổ. Sợ hãi, Mustafa chạy một mạch hơn 4 km tới nhà anh trai, mặc cho thủy tinh vỡ nát dưới chân mình.

"Còn bây giờ, chúng tôi thực sự không thể chịu nổi"

Khi đến nơi, điều đầu tiên anh bắt gặp là khuôn mặt của cháu gái Sedra lấp ló dưới đống đổ nát. Mustafa hoảng hốt bò về phía đứa nhỏ nhưng không thể đưa nó ra. Sau đó, anh tìm thấy đứa cháu gái nhỏ hơn, Hoda. Anh bế xốc nó lên vai và đi ra ngoài.

 Mustafa bế cháu gái Hoda ra khỏi hiện trường vụ nổ. Ảnh: AP

Mustafa bế cháu gái Hoda ra khỏi hiện trường vụ nổ. Ảnh: AP

Hình ảnh của hai chú cháu, được chụp bởi nhiếp ảnh gia Hassan Ammar của AP, thể hiện sự khốc liệt của vụ nổ ngày 4/8 tại cảng Beirut, cướp đi sinh mạng của 193 người và khiến 6.500 người khác bị thương. Trong ảnh là cô bé Hoda, 11 tuổi, người phủ đầy bụi, toàn thân cứng đờ trên vai người chú, với vết thương đang rớm máu trên trán, mắt nhắm hờ và khuôn mặt đau khổ.

Ít nhất 43 người Syria như gia đình Hoda đã thiệt mạng trong vụ nổ. Lebanon hiện có gần 1 triệu người tị nạn Syria, chiếm khoảng 1/5 dân số.

“Tình hình vẫn luôn tồi tệ ngay cả trước khi vụ nổ xảy ra, nhưng chúng tôi vẫn cầm cự được”, anh trai của hai chị em, Mahmoud, nói. "Còn bây giờ, chúng tôi thực sự không thể chịu nổi".

Ali Kinno, 45 tuổi, chuyển từ vùng Aleppo của Syria đến Lebanon từ năm 2008 để tìm việc làm, hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình. Anh được nhận làm lễ tân cho tòa nhà chung cư đối diện cảng.

Năm 2011, nội chiến ở Syria bùng nổ. Một năm sau đó, miền Bắc Aleppo trở thành tiền tuyến, Ali đưa gia đình đến Beirut.

Tuy nhiên, gia đình anh chưa từng thực sự ổn định ở đó. Người tị nạn Syria bị quấy rối và phân biệt đối xử và tình hình chỉ ngày càng xấu đi khi đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế.

Trong nháy mắt, cả khu phố trung lưu biến thành địa ngục

Ali sợ hãi và lo lắng, đặc biệt là cho hai cô con gái, đến nỗi anh không cho chúng đi học, bất chấp lời cầu xin của Sedra. Vì mẹ của lũ trẻ bị đau lưng và hen suyễn, chúng phải chăm lo nhà cửa, đặc biệt là Sedra.

“Con bé nấu ăn, pha trà, chăm sóc em trai Ahmad, tắm cho nó. Con bé là tất cả”, vợ của Ali, Fatima, nghẹn ngào.

Khi đó là khoảng 18h ngày 4/8, khi Ali bảo cô con gái 15 tuổi Sedra đi pha trà.

Cuối ngày, nắng bắt đầu dịu lại, cả gia đình Ali ngồi bên ngoài tòa chung cư 20 tầng, uống trà và ngắm nhìn đường phố. Lúc đó, khói đã bắt đầu tràn ra.

Sedra bê trà ra đặt trên bàn nhưng không rót, cả gia đình đang bàn luận sôi nổi về làn khói nhuốm màu hồng phấn kỳ lạ. Ngọn lửa ngày càng lớn và bắt đầu có những tia lửa kêu tí tách.

Cảm thấy không ổn, vợ của Ali đã gọi mọi người vào trong nhà. Đó là khi họ nghe thấy tiếng nổ đầu tiên. Rồi vụ nổ thứ hai, chỉ vài giây sau đó. “Cứ như thể cả bến cảng bị nhấc lên ném về phía chúng tôi”, Ali nói.

Trong nháy mắt, cả khu phố trung lưu biến thành địa ngục, tất cả tung lên không trung và vỡ nát.

“Gạch, đá, nhôm, kính... Mọi thứ đổ lên đầu chúng tôi”, Ali kể lại. Anh bị xuất huyết não, gãy nhiều xương sườn, mất thị lực mắt trái và chấn thương tai phải.

Sedra đã tử vong do bị bức tường lát gạch của tòa nhà đổ xuống đè lên. Hoda bị gãy cổ và nhiều chấn thương khác. Fatima bị gãy xương sống, gãy một chân và không thể cử động.

Đó là cảnh Mustafa nhìn thấy khi anh chạy đến từ bên kia thị trấn và bế Hoda đi. Chú của Hoda đã đưa cô bé lên một chiếc xe quân sự chở những người bị thương đến bệnh viện.

Một bức ảnh khác của Ammar chụp thi thể của Sedra, trong chiếc váy dài có hoa, được anh trai cô là Qoteiba và anh rể Fawaz khiêng đi.

Mahmoud, con trai cả của Ali và Fatima, khi đó đang đi làm ở Kfour, khoảng 40 km về phía bắc Beirut. Không thể liên lạc với bất kỳ ai trong gia đình sau vụ nổ, anh bắt taxi, đi mất 45 phút để về đến Beirut. Đến khi giao thông bị chặn, anh chạy bộ nốt vài km còn lại về nhà.

“Tôi thấy nhiều người chết trong ôtô dọc đường... Càng nhìn tôi càng tưởng tượng những điều khủng khiếp có thể xảy ra với gia đình tôi", anh nói.

Fawaz gọi cho anh và báo tin Sedra đã chết.

Bé Hoda Kinno và anh Mustafa Kinno là hai nhân vật trong bức ảnh gây ấn tượng của AP. Ảnh: AP.

Một tháng sau vụ nổ, gia đình họ đã được đoàn tụ tại nhà trú ẩn tạm thời ở phía nam Beirut. Họ đều kiệt quệ và vẫn đang phải điều trị chấn thương với những hóa đơn y tế chồng chất.

Hoda phải đeo nẹp cổ, hầu như không nói được. Cô bé nói mình không nhớ gì về vụ nổ và hậu quả của nó. Fatima, mẹ của cô bé, cho biết Hoda bị ám ảnh, liên tục xem các clip về vụ nổ trên mạng xã hội. Cô bé thức giấc nhiều lần vào ban đêm, thỉnh thoảng bật khóc.

Fatima cũng bị khủng hoảng.

“Giờ đây, mọi thứ đều khiến tôi sợ hãi, chỉ nhìn thấy một cánh cửa tôi cũng tưởng tượng nó sẽ đổ ập xuống đầu mình”, cô nói khi ngồi trên ghế sofa, chân bị băng bó và đeo nẹp lưng.

Anh cả Mahmoud, 25 tuổi, đang phải gánh vác nhiều trách nhiệm khi cha đã mất việc. Với đứa con trai 4 tuổi của mình, anh sẵn sàng mạo hiểm cả mạng sống để rời Lebanon đến châu Âu tị nạn.

“Tôi không muốn ở lại đây thêm một ngày nào nữa”, anh nói.

Ali dằn vặt mình vì hoàn toàn bất lực trước thảm cảnh của gia đình. Mười ngày sau vụ nổ, anh đến trước tòa nhà khóc thương con gái.

“Con bé luôn ở trong bếp. Nó thích nấu ăn”, anh nói. "Tôi không thể ngừng nghĩ đến hình ảnh con bé ở đó".

Bản đồ thiệt hại của vụ nổ Beirut từ hình ảnh vệ tinh NASA Vụ nổ lớn ngày 4/8 làm rung chuyển Beirut, thủ đô của Lebanon. NASA đang giúp lập bản đồ mức độ thiệt hại để xác định nơi mọi người cần giúp đỡ.

Khánh Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-chuyen-dang-sau-buc-anh-ve-vu-no-o-beirut-post1134559.html