Câu chuyện cuối năm

Ông Tô vác cái cuốc ra vườn. Ông cuốc đám đất ở góc vườn để gieo hạt cải. Mùa này là mùa trồng rau vụ đông rồi. Khi ông Tô đang lúi húi cuốc đất nhặt cỏ thì lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ đến. Lão này hôm nay ăn mặc có vẻ trang trọng. Tay lão ôm một chồng sách vở, gấy tờ. Ông Tô chột dạ. Lão này mà lại đem thơ ra đọc thì có mà hết cả buổi sáng luôn.Ông Tô buông cái cuốc ra đón lão Cốc. Lão Cốc bảo:

- Ông vào nhà tôi có việc quan trọng, cấp bách cần bàn đây!

Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn. Nguồn: Internet

Ông Tô hơi lo lo hỏi lại:

- Việc gì mà quan trọng thế! Lại có chuyện gì mới xảy ra à?

- Không! Tôi đến là để mời ông ra nhập vào hội thơ và câu lạc bộ thơ làng ta. Cuối năm rồi, hội sẽ kết nạp các hội viên mới đấy! Tôi là ủy viên ban chấp hành chuyên trách về công tác kết nạp hội viên mới, tôi rất mong ông sẽ vào với hội thơ làng ta…

Ông Tô thở phào:

- Tôi lại cứ lo… nhưng mà tôi cũng xin nói lại luôn nhé. Tôi vốn là một giáo viên chuyên dạy toán, có biết gì về thơ ca đâu mà ông năm lần bảy lượt mời tôi vào hội thơ của làng ta thế?

- Thì… ông không sáng tác thì làm công tác phê bình thơ cũng OK mà?

Ông Tô phì cười:

- Sáng tác không biết mà lại đi… phê bình có mà các cụ thi sĩ cười vào mũi ấy.

Lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ hơi buồn. Lão chỉ vào đống sách vở giấy tờ để trên bàn nói thêm:

- Lần này có nhiều cụ xin vào hội thơ của làng mà không có ông, tôi buồn quá!

Ông Tô tò mò:

- Những ai xin vào hội thơ thế? Tôi cứ tưởng làng ta ai biết làm thơ đều vào hết rồi cơ mà?

Lão Cốc đưa cho ông Tô xem một bộ hồ sơ và nói:

- Đây là đơn và tác phẩm của tác giả Thanh Đồng…

Ông Tô cầm tập bản thảo ngạc nhiên hỏi:

- Thanh Đồng là ai vậy. Làng ta có ai tên là Thanh Đồng đâu nhỉ?

- Thì chính là cái lão Ngỗng nhà ở đầu làng đấy!

- Có phải cái lão chuyên làm nghề đánh giậm không?

- Đúng rồi… lão ấy đánh giậm ngoài đồng nên lấy bút danh là “Thanh Đồng” cho sát… thực tế đấy! Mà lão có cả một bài thơ nói về nghề đánh giậm đấy… he… he…

Ông Tô cầm bài thơ của lão Ngỗng lên đọc:

“Quê ta đồng ruộng mênh môngLàm nghề đánh giậm trên đồng thật vui,Cá tôm ơi… cá tôm ơi...Tới đây làm bạn với người yêu thơ…”.

Ông Tô phì cười nói:

- Làm nghề đánh giậm diệt sạch cả cá tôm, cá tôm nào còn dám làm bạn nữa chứ?

Lão Cốc đưa tiếp ông Tô một bài thơ:

- Còn đây là bài thơ của nữ sĩ Trần Mỹ Thanh Đa…

Ông Tô sửng sốt:

- Làng ta cũng làm gì có bà nào tên là Thanh Đa đâu nhỉ?

- Thì chính là cái bà Tẻo chuyên bán bánh đa nướng ở gốc đa giữa làng ta đấy. Bà ấy lấy bút danh “Thanh Đa” cũng hay phết…

Ông Tô cầm bài thơ của nữ sĩ Thanh Đa lên đọc:

“Bánh đa vừa trắng vừa giònĂn rồi anh có nhớ hồn bánh đa,Mong sao quý khách gần xaKhông quên hương vị quê nhà giòn thơm…”

Ông Tô suýt nữa thì lại bật lên cười to. Ông bảo:

- Thế này thì là bà ấy quảng cáo bánh đa chứ thơ thẩn cái gì?

Lão Cốc đưa cho ông Tô một tập sách dày đóng bìa cứng, in ấn rất đẹp nói tiếp:

- Đây là tập thơ của tác giả Ngũ Thiên Sơn…

Ông Tô vừa mở tập thơ vừa hỏi:

- Tác giả Thiên Sơn à… Nghe tên cũng là lạ nhỉ?

- Thì là cái lão ngày xưa chuyên làm nghề đốt than ở cuối làng đấy!

- Là… là… lão Ngu (*)… ấy à?

- Lão ấy đổi tên là Ngũ từ lâu rồi. Lão ấy có thằng cháu nội là tổng giám đốc một công ty kinh tế lớn. Thằng cháu đầu tư, chi tiền thuê hẳn một nhà thơ biên tập, sửa chữa nâng cấp những bài thơ lôm côm của ông nội, chêm thêm vào những mỹ từ như yêu thương, nhớ nhung, trăng gió mây trời, rồi thuê in cả ngàn cuốn, đóng bìa cứng hẳn hoi. Thằng cháu lão ta bảo nếu năm nay ông nội nó được kết nạp vào hội nó sẽ biếu hội thơ làng ta hẳn năm chục triệu đồng tha hồ mà chi tiêu sinh hoạt, không phải bòn tiền đi chợ của vợ để đóng hội phí nữa. Nó còn nói thêm, nếu ông nội nó không được kết nạp vào hội thơ của làng nó sẽ cho ông nó vào hội của xã, của huyện, của tỉnh hoặc lên hẳn hội trung ương cho oách…

Ông Tô nghĩ: “Hóa ra cái hội thơ làng này cũng quan trọng ra phết”. Nghĩ vậy nhưng ông vẫn kiên quyết từ chối, nhất định không chịu viết đơn xin vào hội thơ của làng theo đề nghị của lão Cốc. Ông biết tỏng lão Cốc này muốn có đồng minh trong hội vì nghe đâu cuối năm nay lão ấy sẽ lên làm hội trưởng thay ông hội trưởng cũ đã quá già yếu lẫn cẫn mất rồi…

Lão Cốc thất vọng vì không thuyết phục được ông Tô. Lão ôm đống đơn từ và bản thảo đứng dậy để ra về. Ra đến cửa chợt lão nhớ ra một chuyện liền quay lại nói:

- À... ông còn nhớ lão Phạm Nhân làng ta không?

- Nhớ chứ… lão ấy là người làng, là cán bộ to tham nhũng phải đi tù ai mà quên được?

- Lão ấy cải tạo tốt, được giảm án, ra tù rồi…

- Chậc… kệ xác lão ấy… mà ông nhắc đến lão ấy làm gì chứ?

- Lão ấy ra tù về quê an trú. Lão ấy cũng đang định làm đơn xin vào hội thơ làng ta đấy!

- Lão ấy cũng biết làm thơ à?

- Khi còn đương chức lão ấy ban ngày chỉ đạo kinh tế, ban đêm sáng tác thơ ca, bỏ tiền túi in mấy tập thơ dày cộp, biếu tặng khắp tỉnh ai chả biết… nếu không bị đi tù có lẽ lão ấy đã vào hội lớn rồi chứ lại thèm vào cái hội của làng ta à?

Ông Tô ngần ngừ rồi nói:

- Thế thì lần này lão vào hội làng… Hội thơ làng ta vinh dự quá rồi còn gì…?

Lão Cốc- nhà thơ Cốc Vũ tối sầm mặt vừa bước ra cửa lủng bủng trong miệng: “Vinh dự cái con khỉ gì chứ! Cái loại người ấy đừng vác mặt về làng làm gì…”

.
Hà Nội, ngày 13-11-2020

Truyện ngắn vui của Trọng Bảo

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/cau-chuyen-cuoi-nam-80615