Câu chuyện của người tố cáo tham nhũng ở Bồ Đào Nha

Bồ Đào Nha nằm trong top 30 quốc gia 'sạch' tham nhũng nhất (theo đánh giá CPI 2018 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế). Tuy nhiên, các nhà hoạt động chống tham nhũng nơi đây vẫn cảm thấy đơn độc trong cuộc chiến này. Họ bị khủng bố, đe dọa khi tố cáo tham nhũng.

Vượt qua cây cầu ở thành phố Coimbra, Bồ Đào Nha. Ảnh: Henrique Macedo/unsplash

Vượt qua cây cầu ở thành phố Coimbra, Bồ Đào Nha. Ảnh: Henrique Macedo/unsplash

João Dias Pacheco là một luật sư và là thành viên của Ban lãnh đạo Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Bồ Đào Nha. Ông là một trong những người đã tố giác trong vụ án mà tại đó, các cựu quan chức của Công ty Cấp nước thành phố Coimbra bị nghi ngờ tham nhũng.

Trong hơn 10 năm hoạt động, việc tố cáo tham nhũng của João Dias Pacheco đã được ghi nhận, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của ông. Gần đây, Pacheco cho biết, ông bị khủng bố và đe dọa cả trong đời sống lẫn ngoài công việc...

Để chống tham nhũng và các tội phạm liên quan, cần các tổ chức tư pháp mạnh mẽ, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, như thế là chưa đủ. Vai trò của người dân là rất quan trọng. Công dân cần được trao quyền tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, từ đó, họ có thể thông báo cũng như tố giác những hành vi sai trái nếu có.

Theo luật sư Pacheco, nguồn thông tin từ người dân là rất dồi dào, và phần lớn công dân nhận thức được rằng, tội phạm tham nhũng cùng các tội phạm kinh tế khác cần phải bị trừng phạt, không có vùng miễn trừ.

"Tôi nghĩ, điều cơ bản là mọi người cần được khuyến khích nói ra sự thật và không cảm thấy đơn độc khi phải đối mặt với những hậu quả mà những người họ đã tố cáo có thể gây ra", ông Pacheco nói.

Theo pháp luật của Bồ Đào Nha quy định, các nhân viên trong khu vực hành chính công không phải chịu hậu quả tiêu cực khi tố cáo hành vi sai trái. Tuy nhiên, điều đáng buồn là thực tế không như vậy.

Những người tố giác đã có các trải nghiệm tồi tệ. Nhiều người trong số họ không được đào tạo bài bản về pháp luật, nên thường bị choáng ngợp trước những phản ứng tiêu cực cũng như sự trả thù mà họ phải đối mặt và lúng túng không biết phải ứng phó lại như thế nào.

Và cách mà những người tố cáo suy nghĩ, là phải chịu đựng sự trả thù, tuy nhiên, họ không hiểu tại sao chuyện đó lại xảy đến!

Đợi chờ trong lo âu

Vẫn còn đó sự bất lực của những người tố giác. Sự bấp bênh vây quanh họ, khiến nhiều người phải đặt nghi ngờ lại chính những việc họ đã làm, mặc dù đó không chỉ là sự cống hiến cho dịch vụ công, mà trên hết là sự thúc đẩy xóa bỏ những hành vi sai trái.

Không ít người cảm thấy bị bỏ rơi trong sự thương xót của công lý, mà đáng lẽ họ đã hết sức tin tưởng. Nhưng quả thực đáng buồn khi phải thừa nhận một thực tế rằng, nỗ lực, sự dũng cảm và quyết tâm của họ bị sụp đổ khi họ phải đối mặt với việc bị làm nhục và tủi thẹn. Và, theo như chính trải nghiệm của luật sư Pacheco cũng như thực tế đang diễn ra tại Bồ Đào Nha, thời gian chờ đợi công lý là rất lâu.

Thời gian đó có thể được tính bằng nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, vụ việc có thể bị chìm xuồng, rơi vào quên lãng...

Những người tố giác thường phải trả giá bằng chính sức khỏe của họ. Và, trong khi họ khao khát sự thật được hoan nghênh thì công lý vẫn chưa tới, họ có thể vấp phải nhiều sự đau khổ, còn những sự gian dối lại được công nhận bởi các thẩm phán thiếu chuẩn mực.

Thiếu sự bảo vệ bởi hệ thống tư pháp

Làm thế nào để thúc đẩy chống tham nhũng khi những người tố giác tham nhũng phải tìm cách giấu mình hoặc bị bỏ rơi? Làm thế nào khi mà những người bị tố cáo thường ở các vị trí quyền lực trên người tố cáo, vẫn tiếp tục thực hiện các chức năng và thẩm quyền của họ đối với người tố cáo? Và, phải làm gì khi người bị tố cáo lại thực hiện các cuộc trả thù mang tính áp đặt đối với người đã chỉ ra họ?

Theo luật sư, nhà hoạt động chống tham nhũng Pacheco, hệ thống tư pháp của Bồ Đào Nha đã để lại nhiều không gian, kẽ hở cho người bị tố cáo. Sự trả thù được thấy trong cử chỉ, lời nói và thái độ. Tòa án thừa nhận có thực tế này. Và phía tòa án đã có động thái gì? Bảo vệ người tố giác, hay điều chuyển các bị cáo ra khỏi hiện trường vụ án, hoặc ít nhất là tách họ ra khỏi những người tố giác?

Câu trả lời là "Không". Trong khi chờ đợi tiến trình các cuộc điều ra, người tố cáo có thể phải nghỉ việc với giấy chứng nhận y tế, sự nghiệp của họ có thể bị sụp đổ và tình trạng sức khỏe (tinh thần) trở nên tồi tệ hơn.

Sự cần thiết phải thay đổi

Một số người tố giác có thể cảm thấy mình đơn độc phải đối đầu với kẻ tấn công họ. Trong trường hợp này, họ có thể vận dụng các cơ chế pháp lý phù hợp, thông tin tới cơ quan báo chí truyền thông và kêu gọi sự đồng lòng, giúp đỡ từ những công dân khác.

Bảo vệ và hỗ trợ người tố giác là không để họ phải một mình. Mọi thứ cần phải thay đổi, bắt đầu từ hệ thống tư pháp, và hành động cần nhiều hơn là lời nói.

Hoài Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/cau-chuyen-cua-nguoi-to-cao-tham-nhung-o-bo-dao-nha_t114c52n155430