Câu chuyện của người đàn ông dành cả đời để đi 'mua lại' những đứa HIV

Thường thì người ta chỉ lo cho cuộc sống của bản thân, gia đình mình hoặc tốt bụng hơn nữa thì cưu mang những đứa trẻ lành lặn bị bỏ rơi, còn Phương Đình Toại lại làm việc khác người.

Linh mục Phương Đình Toại hiện là "cha" của hàng trăm đứa trẻ nhiễm HIV (Ảnh: Internet)

Nỗi ám ảnh về đứa bé vừa lọt lòng đã bị “cò” giao bán

Người đàn ông lạ đời dành cả đời để đi mua lại những đứa trẻ nhiễm HIV là linh mục Phương Đình Toại. Năm 2000, ông sang Thái Lan làm y sĩ cho một trung tâm chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS. Và chính tại nơi đây, ông đã chứng kiến một cảnh tượng khiến ông ám ảnh đến già và thôi thúc ông phải mua lại những đứa trẻ nhiễm HIV bằng mọi giá rồi cưu mang chúng.

Đó là một lần có ông gặp gỡ một cô gái Việt Nam bị bán sang Campuchia ép làm gái mại dâm, nhưng cô ta lại bị nhiễm HIV và đang mang thai nên bị đuổi ra đường và cô ấy tìm mọi cách để sang Thái Lan. Đứa trẻ chào đời, cô suy kiệt. Trước khi nhắm mắt, cô nhìn ông khẩn cầu, rằng điều duy nhất cô muốn chỉ là tìm lại đứa con, đưa nó về quê nhà.

Ngôi nhà tình thương Mai Tâm - nơi cưu mang hàng trăm đứa trẻ nhiễm HIV (Ảnh: Internet)

Ông đồng ý giúp và giúp cô ấy hoàn thành ý nguyện. Từ đó nhiều điều khiến ông thao thức, tự hỏi lòng: Tại sao có một đồng hương bị xã hội vùi dập? Tại sao có một phận đàn bà bị ruồng bỏ? Tại sao có một linh hồn vừa mở mắt, một linh hồn kia đã phải nhắm mắt nơi đất khách quê người?

Bốn năm sau hết thời hạn công tác bên Thái Lan, ông Toại trở về nước và được Tòa Tổng giám mục địa phận TP.HCM giao nhiệm vụ quản lý Ban Mục vụ chăm sóc người có HIV/AIDS. Ông đi khắp các bệnh viện động viên từng bà mẹ mắc bệnh mà không ai chăm sóc. Ông lo thuốc thang, giúp nơi ăn chốn ở cho từng người. Rồi số người cần giúp đỡ ngày càng nhiều nên năm 2005, ông phải thuê một căn nhà ở quận Phú Nhuận cho việc này.

Từ đó, ngôi nhà tình thương mang tên Mai Tâm ra đời với 5 trẻ được ông bảo bọc và chỉ trong vòng hơn một năm, số lượng các em đã gấp 5 lần. Năm 2009, ông chuyển “nhà” về một nơi khang trang hơn ở quậnThủ Đức. Người ta nghĩ ông vui nhưng mà vui sao được khi điều đó đồng nghĩa với việc ông phải chứng kiến ngày càng nhiều bi kịch. Một đứa trẻ bơ vơ, một đời người thăm thẳm…

Tìm đến những bà mẹ có hoàn cảnh khó khăn, họ tuyệt vọng vì bị chính người thân xa lánh khi mang căn bệnh thế kỷ. Họ chấp nhận cái chết và bán con cho “cò” để lấy tiền sống thêm ngày nào hay ngày đó và cũng hi vọng con mình được vào chỗ tử tế, được người khác nuôi nấng.

Ông Toại vẫn nhớ như in về lần đầu gặp mỗi đứa trẻ (Ảnh: Internet)

Những đứa trẻ của người mẹ nhiễm HIV được "cò" trả giá 10, 15 triệu cho một bé vừa chào đời. Chứng kiến cảnh đó, ông Toại đau lòng và tự nhủ phải mua lại, phải giành tụi nhỏ bằng mọi giá nếu không số phận của những đứa trẻ vừa lọt lòng kia rồi sẽ ra sao? Với mong muốn cứu vớt những mảnh đời bất hạnh ấy, không ít lần ông Toại đã cạn túi tiền để mua lại những cháu bé.

Hiểu rằng đứa trẻ nào cũng cần có mẹ, ông cố gắng thuyết phục cả người mẹ về cùng: “Thôi chị về mái ấm, xem như nghỉ sinh vài ngày. Với nuôi đứa trẻ giúp chúng tôi vài ngày thôi, nó còn nhỏ quá”. Chỉ cần họ chịu về là ông thở phào. Bởi vì, chỉ một vài lần nhìn đứa trẻ khóc, một vài lần cho nó bú mớm, một vài lần thấy bàn tay nhỏ xíu nắm chặt ngón tay mình, người mẹ sẽ tự khắc chẳng muốn buông. Chứ nhìn đứa trẻ đỏ hỏn, rời xa vòng tay mẹ từ lúc lọt lòng ông xót lắm.

Cứ như vậy, mái ấm Mai Tâm đã cưu mang hàng trăm đứa trẻ. Dù đã đông các cháu, nhưng chỉ cần nghe ở đâu có trẻ “si-đa”, ở đâu có cuộc bán mua số phận, ông lại tức tốc lên đường để giành mua lại bằng được những đứa bé đó.

Tính luôn cả những trường hợp bà mẹ nhiễm bệnh thì Mai Tâm là nơi nương náu của hơn 300 phận người. Và con số này chắc chắn chưa dừng lại ở đó.

Sự trưởng thành của các con là động lực để ông Toại gắn bó với công việc khác người này

Ông Toại kể về tình trạng bệnh tình của từng cháu khi được ông mua lại và đưa về Mai Tâm: "Nhiều cháu nhỏ khi vừa lọt lòng được uống thuốc kịp thời khi vừa sinh ra và phơi nhiễm, chỉ khoảng 40 ngày thì triệt tiêu hoàn toàn căn bệnh. Nhiều cháu trong số đó, được chăm sóc và thuốc thang đều đặn, sống khỏe mạnh như một người bình thường. Thậm chí, nhiều em còn học đại học, trong đó có em tốt nghiệp ngành điều dưỡng, rồi tự quay về mái ấm làm việc. Nhưng cũng có đứa trẻ vì phát hiện muộn mà không đủ sức chống chọi được số phận của mình".

Một căn phòng học tập của mái ấm Mai Tâm dành cho các em (Ảnh: Internet)

Đến với mái nhà Mai Tâm những đứa trẻ bất hạnh không những được “cha” Toại cưu mang, mà còn được cha dạy cách làm người, những bài học về ứng xử trong cuộc sống rằng phải có lòng “nhân từ” dù ngay cả khi đói nghèo và bệnh tật. Nhìn thấy tụi trẻ sống biết chia sẻ, nhận từ ông vui lắm và cũng chính là động lực để ông sống và làm công việc này.

Mỗi ngày, ông luôn nhắc với những “đứa con” của mình rằng: “Cuộc đời tụi con rất quan trọng với cha”. Ông nhắc nó phải sống có trách nhiệm với bản thân và với người đã cứu mang nó, ông muốn chúng trả ơn ông bằng sự trưởng thành, thành công trong cuộc sống chứ không phải buông bỏ bản thân khi ông đã dùng cả đời, tâm huyết để giành lại và cưu mang tụi nhỏ.

Không có bố mẹ, người thân đến thăm hay đưa về nhà nuôi, nhưng với những đứa trẻ ở mái nhà Mai Tâm thì đây thực sự là gia đình của chúng. Cha Toại là người cha, người mẹ thứ 2 của chúng. Chính cha Toại đã dạy tụi nhỏ cách tự lập, sống có trách nhiệm với bản thân, dám đối đầu với số phận và vượt qua nó.

Nếu không có cha Toại, không có tấm lòng thương người của ông thì có lẽ hàng trăm đứa trẻ nhiễm HIV đã bị bán đi đâu đó, sống chết chẳng biết ra sao nữa. Nhưng khi về với mái ấm Mai Tâm chúng được chăm sóc, dạy học chữ, học cách làm người tử tế và biết ơn người cha đã dành cả cuộc đời chỉ để đi mua, giành lại những đứa trẻ nhiễm HIV mà người ta hắt hủi.

Linh Đan

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/tin-tuc/xa-hoi/cau-chuyen-cua-nguoi-dan-ong-danh-ca-doi-de-di-mua-lai-nhung-dua-hiv-56301.html