Câu chuyện của lương tâm và trách nhiệm

Những nhà giáo cống hiến cho nền giáo dục nước nhà trên 10 năm, 20 năm bỗng chốc bị thất nghiệp. Câu chuyện buồn này là nỗi day dứt khôn nguôi xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước khi họ cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp 'trồng người' , giờ phải chạy chợ, bán thịt lợn, may gia công thuê, làm công nhân lắp ráp điện tử…

Tiếp tục nghiên cứu kỹ, tránh gây sốc

Trần Hằng

Thời gian qua, trên cả nước liên tục xuất hiện thông tin giáo viên bị chấm dứt hợp đồng. Theo UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) thì huyện có khoảng 600 giáo viên hợp đồng nhưng chỉ có 83 chỉ tiêu biên chế. Theo đó, trong tổng số hơn 600 giáo viên dôi dư sẽ tuyển 83 người, còn lại sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Hay trước thông tin hơn 1.400 giáo viên tại vùng đất tận cùng của Tổ quốc – Cà Mau sẽ bị chấm dứt hợp đồng trước ngày 1-9 tới đây, nhiều giáo viên đang rất lo lắng.

Họ lo vì có thể mất cái nghề mình đam mê, theo đuổi nhiều năm nay. Đặc biệt, chuyện cơm áo, gạo tiền trong cuộc sống hằng ngày cũng đang hình thành nỗi trăn trở với những giáo viên diện hợp đồng. Phản ánh của nhiều giáo viên hợp đồng ở Quảng Nam cho biết về nguy cơ mất việc dù đã công tác lâu năm tại các trường THPT. Tình trạng này có thể còn xảy ra ở nhiều địa phương khác nữa.

Chuyện mới nhất là gần 300 giáo viên hợp đồng ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) bị mất việc do UBND huyện chấm dứt hợp đồng đang gây sự chú ý mạnh mẽ của dư luận, bởi nhiều người đã dạy học trên dưới 20 năm, đã quá tuổi để xin chuyển đổi công việc khác.

Các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng ở Thanh Oai (Hà Nội) lo lắng phản đối quyết định của UBND huyện.

Các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng ở Thanh Oai (Hà Nội) lo lắng phản đối quyết định của UBND huyện.

Câu chuyện này làm chúng tôi nhớ bức tâm thư đẫm nước mắt đại diện cho hàng trăm giáo viên ở tỉnh Hà Nam cũng bị chấm dứt hợp đồng trước kỳ thi tuyển viên chức vào ngày 21-10-2017. Chín tháng sau kỳ thi, chúng tôi đã liên lạc với những thầy cô giáo dạy học lâu năm ở Hà Nam nhưng thi trượt, họ tâm sự rằng, đây là câu chuyện buồn đong đầy nước mắt, bởi gần nửa đời người đứng trên bục giảng, làm chủ nhiệm lớp, cuối cùng thất nghiệp. Họ đang phải bươn chải làm đủ nghề để kiếm sống như: Thợ ảnh, công nhân lắp ráp linh kiện điện tử, may gia công thuê, chạy chợ… Chị Trần Thị Kim Oanh, giáo viên môn tiếng Anh, dạy hợp đồng 19 năm tại Trường THCS Ba Sao (huyện Kim Bảng) cho biết: “Từ khi có kết quả thi đến nay, chẳng có một ai trong ngành giáo dục hay cấp huyện, cấp tỉnh nào hỏi đến chúng tôi chứ nói gì đến chế độ, chính sách”.

Trước ngày thi tuyển viên chức gần 1 tháng, chị cùng với hàng trăm giáo viên của huyện Kim Bảng và các huyện khác trong tỉnh Hà Nam bị chấm dứt hợp đồng. Không có bất kỳ một chế độ chính sách nào cho giáo viên hợp đồng bị thất nghiệp, sau cú “sốc” họ phải chạy vạy đi khắp nơi xin việc. “Tôi mang đơn xin việc đi nhiều nơi nhưng không ở đâu nhận. Họ nói tôi đã quá tuổi, ngay cả tuổi để xin vào làm công nhân cũng không còn. Tôi đành phải nhận hàng may gia công về làm” - Chị Oanh chua xót cho biết.

Môn tiếng Anh 15 năm qua tỉnh Hà Nam không thi tuyển viên chức. Chính vì vậy mà kỳ thi lần này, các giáo viên hợp đồng đã rất nỗ lực và hy vọng mình có cơ hội vào biên chế. Nhưng không ngờ họ đều trượt gần hết. Theo chị Oanh thì nhiều thầy cô giáo bộ môn tiếng Anh có điểm thi năng lực cao nhưng vẫn bị trượt vì xét điểm học tập và điểm tốt nghiệp thấp hơn sinh viên mới ra trường.

Chị Oanh điểm thi năng lực được 75 điểm, đứng thứ 10 nhưng xét điểm học tập thì chị đứng thứ 17 mà môn tiếng Anh huyện Kim Bảng chỉ lấy 13 chỉ tiêu. Kim Bảng có 17 giáo viên tiếng Anh THCS dự thi, trong đó có 14 người có thâm niên từ 15 -19 năm, chỉ có duy nhất 1 người đỗ và đứng thứ 13.

Thi trượt viên chức giáo viên ở Hà Nam còn có nhiều giáo viên giảng dạy gần 20 năm, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, có gia đình 2 vợ chồng đều là giáo viên nhưng bị “ra đường” sau kỳ thi. Chia sẻ đắng lòng của một giáo viên lâu năm ở huyện Thanh Oai: “So với giáo viên biên chế, công việc của giáo viên hợp đồng có khi vất vả hơn, thậm chí năng lực cũng không thua kém, thế nhưng sau khi đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giáo dục thì lại đột ngột cắt hợp đồng”.

Để giải quyết đơn kêu cứu của hơn 300 giáo viên ở Thanh Oai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp ngày 31-7 đã đưa ra chỉ đạo nhân văn, đó là không được để tình trạng giáo viên hợp đồng 20 năm mà vẫn chưa được tuyển dụng. Ông Chung đã giao cho Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ kiểm tra, rà soát lại toàn bộ giáo viên hợp đồng tại các quận, huyện.

Giáo viên bị cắt hợp đồng không chỉ nằm trong hạn mức chỉ tiêu biên chế, mà nó còn là câu chuyện của lương tâm và trách nhiệm. Sự nghiệp giáo dục nước nhà đã nhờ có những giáo viên hợp đồng có đủ năng lực, đủ phẩm chất, khi thiếu giáo viên thì họ là một lực lượng bổ sung thiếu hụt đó, nhưng khi đủ thì lại “hất” họ ra. Cần phải làm rõ trách nhiệm khi ký kết hợp đồng để lấy lại công bằng trong môi trường giáo dục.

Trong buổi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến biên chế ngành giáo dục, hiện tượng dôi dư giáo viên tại một số địa phương trong phiên họp Quốc hội sáng 5-5-2018, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện nay, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục công lập có số lượng hợp đồng làm công tác chuyên môn rất lớn.

Quan điểm của Bộ Nội vụ là đề nghị các địa phương chưa thực hiện việc chấm dứt hợp đồng làm chuyên môn đối với đội ngũ giáo viên còn trong định mức biên chế, mà tiếp tục nghiên cứu. Bên cạnh đó, cũng cần ưu tiên những giáo viên đã hợp đồng lâu năm và có trình độ, năng lực đảm bảo yêu cầu thì có chính sách ưu tiên tuyển dụng vào biên chế. Không sắp xếp, không tuyển dụng được thì mới tính đến vấn đề tinh giản biên chế theo đúng Nghị định 108 của Thủ tướng Chính phủ.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Chúng ta chưa làm tốt việc đào tạo và sử dụng giáo viên

Thu Phương (ghi)

Về quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm: Hiện chúng ta có hơn 100 cơ sở đào tạo, trong đó có 14 đại học sư phạm, 33 cao đẳng sư phạm và 2 trung cấp sư phạm. Cho đến nay có hàng chục ngàn sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp và đang theo học, nhu cầu sử dụng rất lớn. Nhưng chúng ta lại đang mâu thuẫn giữa sự tồn tại của các cơ sở đào tạo với mong muốn nâng cao chất lượng; mâu thuẫn giữa mong muốn đầu tư đột phá cho cơ sở đào tạo với lựa chọn cơ sở nào để đầu tư.

Có một thực trạng nữa là chúng ta đang để sự tồn tại lưng chừng giữa các cơ sở đào tạo sư phạm và hệ quả của nó là “vàng thau lẫn lộn”, sâu xa hơn điều này sẽ làm chậm quá trình đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, chúng ta còn chưa làm tốt việc đào tạo gắn với sử dụng, dẫn đến dư thừa một số lượng lớn giáo viên, thừa thiếu cục bộ ở nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là giáo viên hợp đồng.

Chúng ta đã có chiến lược quy hoạch mạng lưới các trường đại học cao đẳng (Quyết định số 47 và Quyết định 121 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch; Quyết định 37 năm 2013 về Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng).

Nguyên tắc quy hoạch cơ sở đào tạo sư phạm phải dựa trên cơ sở cung cầu (dự báo được nhu cầu), việc quy hoạch nhằm ổn định và phát triển, trong đó đặc biệt chú ý đến đối tượng bị tác động, yếu tố xã hội, yếu tố nhân văn và chế độ chính sách. Quy hoạch theo tôi còn cần phải xem xét yếu tố địa lý, văn hóa của vùng miền, vì yếu tố địa lý sẽ kích thích phát triển vùng, yếu tố văn hóa không phải là “áp đặt tập quán văn hóa” mà tạo đà phát triển…

Nói điều đó để thấy, trong các văn bản pháp lý, chúng ta đã tiên lượng được thực tế thừa thiếu giáo viên và đã báo động hơn 5 năm qua, không ít lần đặt kế hoạch “quy hoạch các trường sư phạm” nhưng vẫn chưa đưa ra giải pháp khả thi.

Tôi cho rằng, chúng ta cần có câu trả lời càng sớm càng tốt, nếu khát vọng đổi mới giáo dục thành công vì hơn ai hết, vì thầy cô có vị trí đặc biệt quan trọng và chỉ có trường sư phạm tốt mới tạo được thầy cô giỏi. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, nhằm góp phần giải quyết bài toán “thiếu cân đối trong sử dụng giáo viên”, tôi nghĩ phải nâng cao chất lượng đầu vào các trường sư phạm; đồng thời, chương trình đào tạo, cách thức đào tạo của các cơ sở cũng phải đổi mới (để làm được điều này, trình độ những người thầy trong các cơ sở sư phạm cũng phải được nâng lên mạnh mẽ), đi kèm với đó là nâng cấp cơ sở vật chất các nhà trường.

Đáng mừng là năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường phải xác định chỉ tiêu dựa trên cơ sở thống kê nhu cầu, việc làm, tôi cho là một chủ trương đúng đắn, cơ bản được các trường đồng thuận. Đào tạo phải gắn với sử dụng, sẽ giải quyết được bài toán “dôi dư” giáo viên, sinh viên sư phạm tốt nghiệp phải có việc làm đúng ngành nghề học, tránh tình trạng thất nghiệp hoặc trở thành giáo viên hợp đồng, dạy học 5-10 năm, thậm chí 20 năm mà vẫn bị mất việc, như vậy mới là giải pháp tối ưu.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội: Giáo viên hợp đồng có đủ năng lực, phẩm chất thì phải có chế độ ưu tiên

Anh Thư (thực hiện)

- Dân tộc ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, ông đánh giá thế nào về việc giáo viên giảng dạy lâu năm bỗng nhiên bị chấm dứt hợp đồng?

+ Trước tiên phải nói đến những giáo viên hợp đồng có thể họ không nắm chắc luật, nghĩ rằng ký hợp đồng sau nhiều năm sẽ có biên chế. Hoặc khi ký hợp đồng, lãnh đạo huyện không giải thích rõ để cho người lao động biết đó chỉ là hợp đồng lao động chứ không phải biên chế. Sau này khi ký hợp đồng với giáo viên phải cần các cơ quan giám sát như Công đoàn, Sở LĐTB&XH, các điều khoản phải công khai trong hợp đồng, phải xem giáo viên đã nắm rõ điều khoản hay chưa.

- Một bộ phận giáo viên hợp đồng lâu năm, yêu nghề, năng lực giảng dạy tốt, tại sao lại không được công nhận, vẫn bị chấm dứt hợp đồng sau 10 - 20 năm giảng dạy? Xét cả về lương tâm và trách nhiệm thì đều đi ngược lại với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

+ Giáo viên hợp đồng hay giáo viên biên chế chỉ khác tên gọi, quan trọng nhất chính là người giáo viên đó có đủ năng lực và phẩm chất hay không. Chưa chắc giáo viên biên chế trình độ chuyên môn đã giỏi hơn giáo viên hợp đồng. Do vậy, dù là giáo viên hợp đồng thì phải xem những cống hiến của họ cho sự nghiệp giáo dục để mà ghi nhận, đánh giá.

Nếu giáo viên hợp đồng không đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất lại chưa tốt thì phải làm rõ xem có nên tiếp tục ký hợp đồng hay không. Ngược lại, nếu giáo viên hợp đồng mà dạy giỏi, tư cách đạo đức tốt thì ta phải công nhận, không thể đẩy giáo viên lâu năm ra để cho người mới vào được. Những giáo viên hợp đồng lâu năm phải có chế độ, chính sách, nếu có năng lực thì phải có chế độ tuyển dụng vào viên chức, không thể cắt hợp đồng của họ.

Trách nhiệm trước hết là đối với người ký hợp đồng ồ ạt, không lường trước giáo viên sẽ dôi dư, đến khi không giải quyết được hậu quả thì cắt hợp đồng của họ. Bộ LĐTB&XH, Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT, đặc biệt là công đoàn ngành giáo dục phải ngồi với nhau xem xét, đánh giá, tạo điều kiện, hỗ trợ người lao động ở mức nào đó nhằm đảm bảo chế độ, quyền lợi cho giáo viên hợp đồng, không thể để tình trạng “sống chết mặc bay”.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng: Cần làm rõ trách nhiệm của người đã ký hợp đồng với các giáo viên

PV

- Thưa Giáo sư, ông nhận định thế nào về việc hàng loạt giáo viên bị chấm dứt hợp đồng trong thời gian qua. Khi thiếu giáo viên, một số huyện ký hợp đồng và phân công họ về giảng dạy tại các trường (cả 3 cấp), nhưng sau nhiều năm thì bất ngờ chấm dứt hợp đồng với họ?

+ Chúng ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo” và coi giáo viên như những kỹ sư tâm hồn dìu dắt thế hệ trẻ có đủ kiến thức và tâm thế để vững vàng bước vào đời. Giáo viên là một tầng lớp hiện nay có lương không đủ sống nhưng lại có trách nhiệm rất nặng nề, không chỉ trong nhiệm vụ chuyển giao kiến thức mà còn phải dạy bảo vệ kỹ năng sống, uốn nắn kịp thời về các lệch lạc và tư cách đạo đức cho các thế hệ học sinh.

Họ không đơn giản là những người chèo đò mà còn là những người "trồng người" như lời Bác Hồ căn dặn: “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Chính vì vậy, phải ra sức chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên trong cả nước.

Những giáo viên sau nhiều năm đã tham gia giảng dạy mà bị cắt hợp đồng, họ sẽ phải đi đâu, làm gì khi tuổi đã cao và hoàn cảnh kinh tế không thể đảm bảo nếu không tìm được việc làm? Việc chuyển xuống giảng dạy ở các cấp dưới (tiểu học, mầm non) đâu dễ dàng đảm bảo chất lượng. Đây không phải vì thiếu kiến thức mà là thiếu kỹ năng trong việc dạy dỗ trẻ em ở lứa tuổi nhỏ.

- Năm 2017, sau kỳ thi tuyển viên chức giáo viên ở Hà Nam thì hàng trăm giáo viên hợp đồng đã thi trượt. Họ cho rằng cách tính điểm bằng bài thi năng lực cộng với xét điểm học tập và điểm tốt nghiệp là không công bằng. Theo Giáo sư, giáo viên hợp đồng có thâm niên nhiều năm khi thi tuyển viên chức có cần chính sách ưu tiên không?

+ Tôi có theo dõi sự việc giáo viên hợp đồng ở Hà Nam thi trượt viên chức qua báo chí. Trên Báo CAND có loạt bài điều tra về sự kiện này, trong đó có thông tin trước kỳ thi tuyển viên chức giáo viên ngày 21-10-2017, nhiều giáo viên ở Hà Nam đã bị chấm dứt hợp đồng từ ngày 18-9-2017, khi năm học mới vừa bắt đầu.

Chị Bùi Thị Hương (42 tuổi), giáo viên môn tiếng Anh dạy hợp đồng tại Trường THCS Thụy Lôi, huyện Kim Bảng đến nay đã được 19 năm, nhiều năm là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm chủ nhiệm lớp, nhưng kỳ thi viên chức vừa qua, chị đã bị trượt với bài thi năng lực đạt 65/100 điểm.

Điều đáng nói nhất là sự không công bằng, không minh bạch trong các kỳ thi tuyển viên chức. Các tiêu cực đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số cán bộ giáo dục ở các địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua cho thấy rất có thể dễ dàng xảy ra tiêu cực trong thi cử khi còn những người vì vụ lợi mà đánh mất đi lương tâm của người thầy giáo, làm sai lệch các kết quả thi.

Mặc khác, giáo viên đã dạy hợp đồng lâu năm thì việc xem lại học bạ của họ trước đây là không hợp lý. Theo thời gian, họ đã tự nâng cao kiến thức và nghiệp vụ, cho nên phải có sự phân biệt so với các sinh viên mới ra trường.

- Theo Giáo sư thì Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ LĐTB&XH cần có những giải pháp nào cho hàng triệu giáo viên hợp đồng trên cả nước khi họ đang đứng trước nguy cơ mất việc bất cứ lúc nào?

+ Sau khi sự việc xảy ra ở huyện Krông Pắk, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp khẩn và yêu cầu huyện Krông Pắk dừng việc chấm dứt hợp đồng với giáo viên, đồng thời tìm hướng giải quyết. Ngành chức năng tỉnh Cà Mau vừa chính thức thông tin hơn 1.400 giáo viên hợp đồng tại địa phương này sẽ không bị cắt hợp đồng toàn bộ mà sẽ được rà soát, sàng lọc trên cơ sở sắp xếp lại trường học và giáo viên trên địa bàn. Nhằm bổ sung biên chế cho các trường THPT và phổ thông dân tộc nội trú, Sở GD&ĐT Quảng Nam cho 110 giáo viên hợp đồng trên 36 tháng xét tuyển đặc cách vào biên chế theo hình thức xét tuyển cạnh tranh.

Tôi hy vọng lãnh đạo các Sở GD&ĐT, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch các tỉnh cần vào cuộc để tìm giải pháp thỏa đáng cho các giáo viên bị cắt hợp đồng mà rơi vào tình trạng thất nghiệp với đầy khó khăn trong cuộc sống. Cần làm rõ trách nhiệm của những người trước đây đã ký kết hợp đồng với giáo viên mà không tính đến yêu cầu phát triển giáo dục ở địa phương mình, hoặc thậm chí ký cho những người thân quen kể cả khi biết họ chưa đủ tiêu chuẩn như quy định. Người đã từng ký các hợp đồng này cần phải có trách nhiệm với chữ ký của mình, chứ không có lý do gì sau nhiều năm lại buộc thôi việc những người mà trước đây mình đã tiếp nhận.

Việc chuyển những giáo viên hợp đồng sang các môn còn thiếu giáo viên hoặc chuyển xuống dạy các cấp thấp hơn là chưa hợp lý, mà chỉ là giải pháp tình thế, nhưng phải đi kèm với các hình thức bồi dưỡng về chuyên môn, về kỹ năng cho các giáo viên hợp đồng bị chuyển bất đắc dĩ này. Không thể để các giáo viên đã được ký hợp đồng và đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ trong nhiều năm nay bỗng dưng trở nên thất nghiệp.
PV

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/cau-chuyen-cua-luong-tam-va-trach-nhiem-505377/