Câu chuyện cậu sinh viên lượm ve chai của 'giáo sư quần đùi' Trương Nguyện Thành gây sốt mạng xã hội

Kể chuyện chàng sinh đi lượm ve chai, 'giáo sư quần đùi' nhắn nhủ phụ huynh: Đừng giới hạn con bằng hiểu biết của mình!

Mới đây, "giáo sư quần đùi” Trương Nguyện Thành của Đại học Hoa Sen chia sẻ trên Facebook cá nhân chuyện cậu sinh viên phải theo mẹ đi nhặt ve chai hàng đêm và bàn về "giới hạn của cha mẹ khi định hướng cho con".

Câu chuyện được chia sẻ lại trên nhiều diễn đàn, khiến không ít phụ huynh tự vấn: "Liệu mình có đang áp đặt góc nhìn hạn hẹp vào tương lai của con?". Một số cha mẹ khác băn khoăn: "Muốn chọn cá lớn thì buộc phải bỏ cá nhỏ, hay vẫn còn cách khác?".

Huy (tên nhân vật đã được Giáo sư Thành thay đổi để đảm bảo quyền riêng tư) là sinh viên năm thứ Tư khoa Ngôn ngữ Anh. Hai mẹ con Huy sống nương tựa vào nhau bằng nghề lượm ve chai. Bốn năm trước, vì biết đến hoàn cảnh khó khăn của Huy nên thầy Thành tặng huy suất học bổng toàn phần của Đại học Hoa Sen. Những mong Huy nhờ cơ hội này mà phát triển, đổi đời. Nhưng nhân buổi gặp gỡ, không ngờ Huy tâm sự rằng vừa thi rớt mấy môn.

Hỏi ra mới biết, vì đêm đêm đi lượm ve chai cùng mẹ để kiếm sống, ngày còn đi dạy tiếng Anh ở trung tâm nên Huy không còn mấy thời gian và sức lực dành cho việc học.

Thầy Thành "té ngửa" vì sự đánh đổi không khôn ngoan của cậu học trò. 8 giờ đi lượm ve chai chỉ bằng 2 giờ đi dạy tiếng Anh ở trung tâm. Giờ chịu khó khăn về kinh tế một chút, đầu tư thời gian vào học, sau này kiếm tiền dễ hơn bao nhiêu. Vậy mà hằng đêm Huy vẫn chọn cách lang thang ngoài đường để rồi lên lớp không còn sức mà học.

Hỏi ra mới biết, Huy thừa hiểu thiệt hơn. Nhưng mẹ em nghĩ việc lượm ve chai có thu nhập ổn định nên vẫn muốn con trai đi lượm. Chàng trai hiếu thảo nghĩ rằng cuộc sống chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau, nên chẳng muốn cãi lời!

Hiểu tấm lòng người con của Huy nên thầy Thành quyết định mời mẹ em lên nói chuyện. Ban đầu, tuy đã phân tích nhưng người mẹ vẫn muốn Huy đi lượm ve chai, nhưng sẽ cho Huy về sớm hơn để có thời gian nghỉ ngơi.

Dường như thấy mẹ Huy vẫn chưa hiểu triệt để vấn đề, thầy Thành gọi cả một bạn khác đang học cùng ngành lên. Đó là một bạn nữ người dân tộc Tày, cũng có hoàn cảnh khó khăn, về điều kiện và sức học tương đương với Huy nhưng hiện tại đã sắp mở công ty riêng. Điều khác biệt duy nhất là thời gian rảnh cô để học hỏi, khởi nghiệp, thay vì đi lượm ve chai!

Người mẹ hiểu ra vấn đề và nói sẽ để Huy có thời gian học hành, không vì cái lợi trước mắt mà đánh mất tương lai.

Kể ra câu chuyện trên, Giáo sư Trương Nguyện Thành nhắn nhủ: “Làm cha mẹ làm sao bạn hiểu được hạn chế trong sự hiểu biết của mình về xã hội trong tương lai và những thay đổi trong môi trường sống trong tương lai khi định hướng cho con? Thật sự chỉ có nhà thông thái mới biết giới hạn của mình còn đa số chúng ta, bạn cũng như tôi đều không biết điều mình không biết.”

Giáo sư Trương Nguyên Thành - Đại học Hoa Sen (Ảnh từ Facebook của nhân vật)

Câu nói này khiến đa số cha mẹ phải giật mình nhìn lại cách mình định hướng cho tương lai của con. Chúng ta “không biết điều mình không biết”, để rồi áp đặt sự hiểu biết có giới hạn của mình vào con đường của con trẻ.

Bài viết nhận được nhiều lời khen vì thầy đã nhiệt tình giúp mẹ con Huy đi đúng đường. Có người nói: Vì mẹ Huy ít học, ít lý lẽ nên dễ tiếp thu, còn nhiều phụ huynh khác ỷ mình có học để không chịu thay đổi, bắt con đi theo lối mòn cứng nhắc mà cha mẹ hoạch định.

Một số bình luận cho rằng phụ huynh có cái lý của riêng họ. Họ cũng trải qua đủ bão giông nên muốn con mình đi theo con đường vững chắc dù quen thuộc. Ổn định hay mạo hiểm, có nên để con bỏ cá nhỏ để bắt cá lớn, hoàn toàn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người.

Theo www.phunuonline.com.vn

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/nong-tren-mang/cau-chuyen-cau-sinh-vien-luom-ve-chai-cua-giao-su-quan-dui-truong-nguyen-thanh-gay-sot-mang-xa-hoi-281503.html