Câu chuyện cải cách tiếng Anh

Từ nhiều thế kỷ qua, một số nhà ngôn ngữ học đã nỗ lực tìm cách thay đổi cách viết chính tả, đánh vần tiếng Anh để giúp ngôn ngữ quốc tế này dễ học hơn. Tuy nhiên, hầu hết các đề xuất cải cách tiếng Anh không đạt kết quả như mong đợi.

Với nhiều người sử dụng tiếng Anh, trở ngại thường gặp là việc chữ viết và cách phát âm có thể khác nhau “một trời, một vực”, không theo quy tắc nào cả. Nhiều trường hợp cùng nguyên âm, phụ âm nhưng đọc lại khác nhau, khiến người học nhìn chữ không thể biết chính xác cách phát âm, trừ phi dùng tới từ điển. Ví dụ, cùng một chữ cái “c”, lúc thì phát âm là /ka/ (cost: chi phí, can: có thể), lúc lại phát âm là /x/ (city: thành phố, cedar: cây tuyết tùng); cùng là chữ cái “ch”, lúc phát âm là /ch/ (chart: biểu đồ, chess: cờ), lúc lại phát âm như âm /k/ (chord: hợp âm)…Điển hình là những từ kết hợp với âm “ough” có tới 9 cách phát âm khác nhau. Bà Masha Bell - Phó Chủ tịch Hiệp hội chính tả tiếng Anh, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ hiện đại - phát hiện rằng 60% trong 7.000 từ tiếng Anh thông dụng có ít nhất 1 chữ cái được sử dụng bất quy tắc và người học chỉ còn cách “học vẹt”.

Chính vì điều này, Hiệp hội chính tả tiếng Anh cho rằng tiếng Anh là ngôn ngữ phát âm thất thường nhất hành tinh.

Phe ủng hộ cải cách tiếng Anh, trong đó có bà Masha Bell, cho rằng sự phức tạp trong chính tả khiến mọi người, nhất là trẻ em, mất nhiều thời gian, năng lượng và tiền bạc để học tiếng Anh hơn những thứ tiếng khác; trẻ cũng cần sự trợ giúp nhiều hơn từ các phụ huynh và giáo viên trong quá trình phát triển ngôn ngữ tiếng Anh. Họ so sánh rằng, một đứa trẻ muốn đọc viết thành thạo tiếng Anh phải mất 3 năm học, trong khi gần như tất cả trẻ em Phần Lan và Hàn Quốc chỉ cần 3 - 6 tháng là có thể đọc trôi chảy tiếng mẹ đẻ. Một trong các nguyên nhân là tiếng Phần Lan và Hàn Quốc chỉ có 1 cách đánh vần cho mỗi âm, trong khi tiếng Anh có tới 205 cách để đánh vần 44 âm.

Theo bà Masha Bell, việc khó đánh vần tiếng Anh còn hủy hoại sự tự tin của trẻ, khiến nhiều người từ bỏ việc đọc dẫn tới ”mù chữ chức năng” (biết chữ nhưng trình độ đọc và viết ở dưới mức cơ bản). Ước tính 1/5 người nói tiếng Anh là “mù chữ chức năng”. Theo Quỹ Dự án Viết – Đọc (Mỹ), mù chữ gây thất thoát nền kinh tế Mỹ lên tới khoảng 20 tỷ USD/năm.

Trước thực trạng trên, từ nhiều thế kỷ qua, các nhà cải cách tiếng Anh đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm giúp việc đánh vần có tính quy tắc hơn. Phần lớn các đề xuất cải cách ở mức vừa phải, nghĩa là vẫn sử dụng hệ thống bảng chữ cái alphabet, chỉ bớt chữ cái dư thừa trong từ và cố duy trì kiểu dáng từ quen thuộc. Ví dụ trong đề xuất Cut Spelling của Christopher Upward, các chữ cái không liên quan tới phát âm (chữ cái câm) hoặc chữ cái giống nhau sẽ bị lược bỏ như: peace (hòa bình) thành pece, except (trừ ra) thành exept, spell (đánh vần) thành spe, necessary (cần thiết) thành necesary…

Một số đề xuất cải cách (phương pháp viết Simpel-Fonetik của Allan Kiisk , hệ thống ngữ âm của Benjamin Franklin, dự án “đánh vần như phát âm – SaypU” của Jaber George Jabbour …) mang tính quyết liệt hơn, nghĩa là đòi hỏi mở rộng hoặc thay thế hệ thống bảng chữ cái alphabet. Ví dụ, đề xuất “cực đoan” tìm cách xóa bỏ việc sử dụng các chữ ghép (đọc thành một âm) như “ch”, “gh”, “ph”, “qu”, “sh”..và thay bằng các chữ cái mới, mỗi chữ mới tương ứng với một âm duy nhất.

Một trong số ít nhân vật đề xuất cải cách chính tả tiếng Anh có tính ứng dụng nhất phải kể tới là Noah Webster (1758 -1843) – một nhà soạn từ điển, soạn sách giáo khoa, nhà bình luận chính trị và chủ bút người Mỹ. Cho rằng tiếng Anh bị “hư hỏng bởi giới quý tộc Anh”, ông đã đặt ra một số tiêu chuẩn riêng để đánh vần và phát âm đúng tiếng Anh theo kiểu của người Mỹ.

Nhiều cách đánh vần của Noha Webster trở nên phổ biến trong tiếng Anh - Mỹ như: “color” (màu sắc) thay vì “colour” (tiếng Anh - Anh), “honor” (sự kính trọng) thay vì “honour”; những từ kết thúc bằng –ise (tiếng Anh – Anh) được chuẩn hóa thành –ize (tiếng Anh – Mỹ)….Nhưng Noha Webster vẫn thất bại trong nỗ lực biến từ “machine” (máy móc) thành “masheen”, cũng như từ “women” (phụ nữ) thành “wimmen”.

Trong lịch sử, một số nhân vật nổi tiếng khác thất bại trong nỗ lực đơn giản hóa tiếng Anh gồm: Tổng thống Mỹ thứ 26 Theodore Roosevelt, nhà văn Anh H.G Welss, nhà bác học nổi tiếng của Anh Charles Darwin, nhà văn Mỹ Issaac Asimov, hoàng tử Philip - công tước xứ Edinburgh (chồng nữ hoàng Anh Elizabeth II)…. Đến nay, nhiều cá nhân, trong đó có thành viên của các nhóm ủng hộ cải cách tiếng Anh như Hiệp hội chính tả tiếng Anh, Ủy ban Đọc – Viết Mỹ…, vẫn tiếp tục nỗ lực sáng tạo chính tả mới cho tiếng Anh. Tuy nhiên, không mấy đề xuất gây “tiếng vang” và được sử dụng rộng rãi. Ở Anh, Hiệp hội chính tả tiếng Anh thừa nhận không đạt được tiến bộ lớn nào kể từ khi thành lập vào năm 1908. Hiệp hội này từng đệ trình dự luật cải cách chính tả vào năm 1953 song không được thông qua.

Cũng như các ngôn ngữ khác, những nỗ lực cải cách chính tả tiếng Anh thường vấp phải phản ứng tiêu cực từ công chúng do chữ viết bao giờ cũng mang tính “bảo thủ” , là thói quen, tập quán của người sử dụng. Bên cạnh đó, một số chuyên gia ngôn ngữ quốc tế đã chỉ ra 3 lý do chính khiến một ngôn ngữ, trong đó có tiếng Anh, khó có thể cải cách toàn bộ.

Thứ nhất, theo tiến sỹ ngôn ngữ học Nathaniel Swain thuộc Đại học Melbourne (Australia), “ngôn ngữ là sinh ngữ”, tức là luôn có sự vận động, biến đổi không ngừng. Các từ mới phát sinh, thay đổi theo nhu cầu của chính cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó. Nhiều từ mới có xu hướng “trẻ hóa” và luôn mang tính phổ biến theo số đông. Người ta có thể dùng cách viết khác, thường ngắn gọn hơn, từ đời sống thông thường, và khi số lượng người dùng đủ lớn, các nhà ngôn ngữ học mới có thể thống nhất đưa các từ mới vào trong từ điển.

Thực tế chỉ vài năm qua, tiếng Anh thay đổi khá nhanh. Ví dụ, từ điển tiếng Anh Oxford gần đây bổ sung thêm một số từ vựng mới được giới trẻ sử dụng rộng rãi như: FOMO (hội chứng lo sợ mất cơ hội), YOLO (thể hiện sự thoải mái sống và tận hưởng cuộc sống ), tl:dr (quá dài, không thể đọc tin nhắn), Googled (tìm kiếm trên Google)…Như vậy, chỉ một nhóm người cố gắng “cưỡng ép” số đông phải thay đổi hệ thống chính tả sẽ là việc làm “lạc lối”, thiếu hiệu quả.

Thứ hai, chỉ có quyền lực nhà nước với sức mạnh hợp ý toàn dân trong điều kiện lịch sử nhất định mới có thể “ra lệnh” cho việc thay đổi chính sách ngôn ngữ. Ví dụ, sự ra đời của Nhà nước Nga Xô Viết đã dẫn tới việc chữ viết và chính tả mới của tiếng Nga chính thức định hình vào năm 1917 và được đưa vào sử dụng từ năm 1918. Sau khi nước Đức tái thống nhất, vào năm 1996, ba nước nói tiếng Đức là Đức, Áo và Thụy Sỹ cùng một số vùng nói tiếng Đức ở một số nước khác đã họp tại Vienna (Áo) để đưa ra một số quy tắc chính tả mới. Nó đã trở thành bắt buộc trong trường học và cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc Nhà nước chỉ giao cải cách cho các nhà chuyên môn mà thiếu sự tham gia của người dân đã dẫn tới một phong trào phản đối cuốn từ điển chính tả Đức cải cách được xuất bản năm 1996. Tòa án Hiến pháp Đức thậm chí phải vào cuộc, thừa nhận quyền tự do của con người trong việc lựa chọn cách nói, cách viết của mình, khi không hề có luật định chính thức buộc họ phải đọc/viết như thế nào. Tức là, bên ngoài trường học, họ thích nói kiểu gì cũng được. Về cơ bản, sau nhiều cuộc “cải cách của cải cách” để giải quyết các vấn đề tranh cãi như: gộp nét, tách nét, các chữ phiên âm nước ngoài…, sự thay đổi chính tả tiếng Đức xem như thành công. Nhưng được vậy là bởi việc thay đổi rất đơn giản, hầu như không làm thay đổi các quy tắc sử dụng ngôn ngữ quen thuộc.

Thứ ba, nếu thay đổi toàn bộ hệ thống chính tả tiếng Anh, tương tự như khi phải học thuộc hàng nghìn từ bất quy tắc, hàng trăm triệu người sử dụng tiếng Anh khắp thế giới sẽ phải gạt bỏ hàng ngàn từ đã thuộc và học lại từ đầu các cấu trúc ngữ pháp mới. Người sử dụng tiếng Anh thành thạo chắc chắn sẽ không muốn mất thêm thời gian và tiền bạc để học hệ thống đánh vần mới. Thay đổi cách viết còn dẫn tới việc phải in ấn lại số lượng lớn văn bản, tài liệu, sách tiếng Anh và chi phí để thực hiện sẽ vô cùng lớn. Như vậy, ngay cả khi hệ thống chính tả hiện tại gây tốn kém thì cũng nên “giữ nguyên trạng”, bởi việc chuyển sang một hệ thống chính tả mới còn mất nhiều nhân lực, vật lực và tài lực hơn. Bên cạnh đó, ý tưởng thay đổi những vấn đề liên quan đến ngôn ngữ không hề đơn giản bởi ngôn ngữ phản ánh truyền thống văn hóa – lịch sử của cả một dân tộc. The Atlantic (Mỹ) ví von “sứ mệnh” cải cách chính tả tiếng Anh giống như sửa chữa một ngôi nhà cũ song phải giữ được “lịch sử và nét riêng biệt”.

Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Masha Bell cho rằng không cần thiết thay đổi toàn bộ hệ thống đánh vần của tiếng Anh; thay vào đó, chỉ cải tiến “vừa đủ” để đảm bảo cách đọc –viết tiếng Anh hiện đại với lịch sử gần 600 năm vẫn được duy trì. Bà Masha Bell đề xuất cải tiến khoảng 2.828 từ tiếng Anh bất quy tắc thông dụng nhất để chúng phản ánh đúng âm thanh đánh vần hiện tại.

Có thể nói, những nỗ lực cải cách ngôn ngữ, trong đó có tiếng Anh, sẽ tiếp tục diễn ra trên thế giới. Song để thành công, các sáng kiến phải mang tính khoa học, phù hợp với bản chất của sự phát triển ngôn ngữ.

Thiết kế: Thúy Hà

Võ Duy

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/special-today/cau-chuyen-cai-cach-tieng-anh-125035.html