Câu chuyện buồn đằng sau người đàn ông khỏa thân trên sân khấu Oscar

Cho đến nay, người đàn ông khỏa thân trên sân khấu vẫn được nhắc đến là một trong những khoảnh khắc điên rồ nhất lịch sử lễ trao giải điện ảnh Oscar.

Năm 1974, khi người dẫn chương trình David Niven đang chuẩn bị mời minh tinh Elizabeth Taylor lên sân khấu Lễ trao giải Oscar lần thứ 46 để công bố chủ nhân giải thưởng quan trọng nhất “Phim hay nhất”, một người đàn ông khỏa thân bước ra từ phía bên trái sân khấu, tay tạo dáng chữ “V”, lướt qua sau lưng ông Niven trước khi chạy vào trong cánh gà.

Người đàn ông khỏa thân náo loạn sân khấu Oscar năm 1974.

Người đàn ông khỏa thân náo loạn sân khấu Oscar năm 1974.

Tình huống bất ngờ khiến cả khán phòng sững sờ trong giây lát rồi cười rộ lên. Để làm dịu bầu không khí, Niven bông đùa: “Có phải thật thú vị khi nghĩ rằng đây có lẽ là tràng cười duy nhất mà người đàn ông này có được trong đời khi cởi đồ và để lộ những khuyết điểm của mình không?”.

Sau đó, lễ trao giải tiếp tục, Elizabeth Taylor gọi tên tác phẩm “The Sting” của nhà sản xuất Michael Phillips giành chiến thắng. Tuy nhiên, người đẹp “Cleopatra” lúc đó vẫn chưa “hoàn hồn” bởi sự việc trước đó. “Cô ấy hoàn toàn bị sốc nặng vì một người đàn ông khỏa thân. Cô ấy sợ biểu hiện trên sân khấu không tốt. Chúng tôi phải trấn an rằng cô ấy làm tốt và mọi người đã có một trận cười sảng khoái”, Phillips nói với The Hollywood Reporter.

Elizabeth Taylor tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 46.

Khác với nhận định của Niven, sự cố trên sân khấu Oscar 1974 trở thành “truyền thuyết” của Hollywood chỉ sau một đêm. Đến tận bây giờ, nó vẫn được xem là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ và điên rồ nhất của Oscar.

Tuy nhiên, chính sự nổi tiếng này làm xuất hiện nghi vấn ban tổ chức lễ trao giải đã dàn dựng toàn bộ sự việc. Robert Metzler, một quản lý doanh nghiệp kiêm người xử lý sự cố cho giải Oscar, đã kể với Los Angeles Times vào năm 1993: “Tôi không nghĩ đó là một sự cố. Lúc đó, vợ tôi có mặt ở hậu trường để thử trang phục và David Niven mượn bút của cô ấy khi hai người gặp nhau ở hành lang. Cô ấy đưa nó cho anh ấy và anh ấy ngồi xuống một bậc thềm, viết nhận xét của mình về thiếu sót của người đàn ông đó. Anh ấy còn nói với vợ tôi rằng rất hài lòng về những gì anh ấy viết. Lúc đó cách khoảng 2 giờ trước khi vụ ồn ào trên sân khấu xảy ra”.

MC David Niven được cho là biết trước sự việc.

Thêm một căn cứ cho nghi vấn dàn dựng là người đàn ông khỏa thân sau khi làm loạn lễ trao giải điện ảnh uy tín nhất thế giới không hề bị bắt giữ, mà còn thong thả mặc đồ và trả lời phỏng vấn truyền thông. “Mọi người không nên xấu hổ khi khỏa thân nơi công cộng. Ngoài ra, đó là một cách để bắt đầu sự nghiệp”, ông tuyên bố.

Người đàn ông đó là Robert Opel (sinh năm 1939) là một nghệ sĩ theo chủ nghĩa khái niệm, nhiếp ảnh gia kiêm nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính.

Oscar không phải là sự kiện đầu tiên Opel khỏa thân. Ông từng “không mảnh vải che thân” xuất hiện trong một số cuộc họp của Hội đồng thành phố Los Angeles để phản đối lệnh cấm khỏa thân tại các bãi biển trong khu vực. Ông cũng hoạt động tích cực trong phong trào giải phóng người đồng tính. Ông cũng ký hợp đồng làm nhiếp ảnh gia bán thời gian cho tờ báo dành cho người đồng tính The Advocate.

Sau Lễ trao giải Oscar lần thứ 46, Opel từ vô danh thành người nổi tiếng cả trong và ngoài giới nghệ thuật. Ông được mời tham dự nhiều chương trình truyền hình và sự kiện ở Hollywood.

Năm 1978, Opel thành lập Fey-Way Studios ở San Francisco. Đây là phòng trưng bày nghệ thuật đồng tính công khai đầu tiên của Mỹ. Tại đây, ông hoan nghênh các tác phẩm gây tranh cãi, mang tính tiên phong. Ông cũng là người ủng hộ ban đầu cho nhiếp ảnh gia nổi tiếng sau này Robert Maplethorpe và Tom of Finland – một trong những họa sĩ vẽ tranh đồng tính có tầm ảnh hưởng đến văn hóa cộng đồng LGBT những năm cuối thế kỷ 20.

Đáng tiếc, sự nghiệp của Opel không kéo dài. Một năm sau đó, Opel chấm dứt cuộc đời của mình ở tuổi 40. Studio của ông bị hai gã đàn ông tấn công để đòi tiền và ma túy. Chúng trói Opel và hai người bạn ở phòng sau rồi bắn chết ông.

Hung thủ sát hại Opel và đồng bọn bị bắt giữ vào ngày 10/7 cùng năm khi đang cố gắng chạy trốn đến Miami.

Cuộc đời người đàn ông khỏa thân trên sân khấu Oscar kết thúc trong bi kịch.

30 năm sau, cháu trai của Opel, Robert Oppel, tiết lộ, chú của anh đã bỏ một chữ “P” trong họ để giúp gia đình không phải chịu điều tiếng bởi những việc làm của ông. “Chú ấy đã ôm tôi một lần, nhưng sau đó chú ấy bị sát hại vào đúng năm tôi chào đời”, Oppel kể.

Robert Oppel đã quay một bộ phim tài liệu có tên “Uncle Bob”, ra mắt năm 2010, về cuộc đời và cái chết của Opel. Người cháu nghi ngờ vụ giết người có thể không chỉ là một vụ cướp đơn thuần dù không có bằng chứng.

Oppel đã liên hệ với những kẻ giết người đang ở trong tù và hai người này đồng ý xuất hiện trong phim của người cháu. Tuy nhiên, nhà chức trách nhà tù không đồng ý.

Năm 2014, người cháu Oppel tổ chức buổi tri ân tác phẩm của Opel tại một phòng trưng bày nghệ thuật ở Hollywood.

Tú Oanh

Theo The Hollywood Reporter, New York Post

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cau-chuyen-buon-dang-sau-nguoi-dan-ong-khoa-than-tren-san-khau-oscar-post1425848.tpo