'Câu chuyện Bằng Kiều' có gì?

Bằng Kiều hát thì hay rồi! Người ta đến với liveshow Bằng Kiều để xem anh tự làm mới mình ra sao, kể cả phong cách giao lưu với khán giả, đã trưởng thành đến đâu so với khi thể hiện trên băng đĩa của Paris By Night.

Ngoài Hà Nội ngày trở về và Em ơi Hà Nội phố khai mở chương trình, các ca khúc còn lại chủ yếu là các bài tình. Như vậy tên của chương trình- Câu chuyện Bằng Kiều:Trái tim không ngủ yên (Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội 18 và 19/8/2018) có thể được đặt một cách tình cờ, gắn với ca khúc “hit” của anh hai chục năm trước, nhưng cũng khiến khán giả hiểu rằng Bằng Kiều chủ yếu hát ca khúc tình yêu là chính, với một “trái tim không ngủ yên” đầy đa đoan.

Vẫn với giọng cao vút và dường như ít “mái” (nữ tính) hơn so với ngày xưa, ca sĩ 45 tuổi chứng tỏ đẳng cấp của một ca sĩ hàng đầu, một trong vài nam ca sĩ hát hay nhất Việt Nam, và có lượng người hâm mộ vô cùng đông đảo. Với Em ơi Hà Nội phố, Bằng Kiều bê nguyên lời phi lộ khá dài trước khi hát, y như khi biểu diễn bài này trong một chương trình Paris By Night. Phi lộ về tuổi thơ trèo me trèo sấu, nhảy tàu điện ở Hà Nội, học hành chính qui ở Nhạc viện Hà Nội.

Vẫn với giọng cao vút và dường như ít “mái” (nữ tính) hơn so với ngày xưa, ca sĩ 45 tuổi chứng tỏ đẳng cấp của một ca sĩ hàng đầu, một trong vài nam ca sĩ hát hay nhất Việt Nam, và có lượng người hâm mộ vô cùng đông đảo. Với Em ơi Hà Nội phố, Bằng Kiều bê nguyên lời phi lộ khá dài trước khi hát, y như khi biểu diễn bài này trong một chương trình Paris By Night. Phi lộ về tuổi thơ trèo me trèo sấu, nhảy tàu điện ở Hà Nội, học hành chính qui ở Nhạc viện Hà Nội.

Một trong ba khách mời của chương trình là Tú Dưa- tức Anh Tú, người đàn em trong ban nhạc Quả Dưa Hấu ngày nào. Hai người có phần song ca và song tấu (Tú thổi kèn, Kiều chơi guitar) thành công với các ca khúc Hè muộn, Mưa, Nắm lấy tay anh, và có phần đối đáp cũng thú vị khi úp mở về đời tư “phức tạp” na ná nhau, có điều số “lần đò” của Tú Dưa nhiều hơn Bằng Kiều (Tú Dưa là chồng cũ của vận động viên Wushu Thúy Hiền).

Làn Sóng Xanh và “SV 96” được danh ca “PR” tận tình? Trong chương trình, Bằng Kiều nhiều lần nhắc Làn Sóng Xanh như một cột mốc, biểu tượng thành đạt của mình và nhiều đồng nghiệp: Mỹ Linh, Lam Trường, Phương Thanh, Hồng Nhung, Trần Thu Hà... Và nhắc nhiều đến chương trình SV 96 của Đài THVN nơi anh có hai bài hát nổi lên là Giọt sương trên mí mắt (Thanh Tùng) và Mặt trời dịu êm (Dương Thụ). Đúng là Bằng Kiều từng trụ cả năm trời trong Top Ten Làn Sóng Xanh khoảng năm 1997, tuy vậy còn nhiều cột mốc đáng nhớ nữa trong sự nghiệp của Bằng Kiều đã bị bỏ qua không được nhắc đến trong liveshow này: thời tham gia ban nhạc Chìa KhoáVàng và ban nhạc Hoa Sữa. Với khán giả miền Bắc, Làn Sóng Xanh chưa phải là thước đo quan trọng nhất. SV 96 cũng là sân chơi hẹp, nơi chỉ một bộ phận sinh viên quan tâm. Khán giả và đất diễn của Bằng Kiều đa dạng hơn nhiều.

Hồng Nhung- cô cháu họ song ca Trái tim không ngủ yên với Bằng Kiều, có trêu anh về người từng song ca đình đám với anh bài này, người mà theo Nhung “không nói tên thì ai cũng biết”. Quả thực Trái tim không ngủ yên đã đưa Bằng Kiều- Mỹ Linh lên đỉnh danh vọng hồi thập kỷ 90 thế kỷ trước. Mỹ Linh không là khách mời của Bằng Kiều trong chương trình này. Anh hóm hỉnh: “Hai đứa thử hát lại cùng nhau rồi, nghe chán lắm, mỗi đứa nhìn một hướng, mỗi đứa nhìn một người khác”. Và nay, một phần vì Kiều- Nhung trót nhận họ hàng trên sân khấu nên bản song ca Trái tim không ngủ yên giảm hẳn độ hấp dẫn, không còn nghe đến đâu hồi hộp đến đấy (vì độ tình tứ của giọng hát và diễn xuất), mà chủ yếu là màn phô diễn kỹ thuật của hai chú cháu. Tiết mục song ca Fernando (ABBA) mà họ bắt chước cặp Cher- Andy Garcia trong phim Mamma Mia phần 2, có vẻ “ép phê” hơn.

Để đánh dấu chặng thành công ở hải ngoại, có Minh Tuyết làm khách mời song ca với Bằng Kiều. Cô đơn ca thêm hai bài Nếu em được lựa chọn và Để cho em khóc, phong cách khá “gằn”. Trái với hình ảnh sexy trên sân khấu hải ngoại, Minh Tuyết bên ngoài có sắc vóc hợp với Bằng Kiều, như anh hài hước nhận xét.

Chương trình dài ba tiếng, trong đó dành hơn nửa tiếng cho tiểu phẩm Vợ người ta. Đây có thể nói là sự mạo hiểm bởi một kịch bản khá nhạt (của Đinh Tiến Dũng) khiến những kịch sĩ chuyên nghiệp như Quang Thắng- Vân Dung còn nhạt theo, huống hồ nghiệp dư như Bằng Kiều. Có một câu buồn cười khi Quang Thắng trong vai bạn cũ của Bằng Kiều, nhận xét anh sau nhiều năm không gặp: “Chiều cao của cậu vẫn không thay đổi so với hồi học mẫu giáo nhỉ!”. Bằng Kiều hơn một lần tự trào về chiều cao của mình, và chi tiết kịch hôm nay làm phóng viên nhớ hồi thập kỷ 90 thế kỷ trước, Mỹ Linh- người có mối tình sâu đậm với Bằng Kiều, có lần “nói quá” với chúng tôi rằng “người yêu em cao 1 mét bốn nhăm!”

“Hồi đó không ai hát chéo véo như thế cả”- Bằng Kiều kể về thời mới nổi với giọng hát cao khác thường. Bà con vẫn gọi là giọng “phi giới tính”. Bằng Kiều, một giọng hát độc đáo, cực kỳ cá tính. Học hành bài bản. Dạo 2004-2010 mạng internet chưa phát triển như bây giờ, không được nghe anh hát trên các kênh chính thống, nhiều người tiếc hùi hụi. Còn nhớ, chẵn chục năm trước nhạc sĩ Phú Quang trả lời tôi trên Tiền Phong, nói rất thích giọng Bằng Kiều, và: “Bằng Kiều cũng muốn về hát lắm. Tôi không tin cậu ấy cố tình cầm cờ ba que như người ta đồn. Đang hát hò trên sân khấu người ta nhét gì vào tay thì cầm cái ấy thôi, làm gì có ý thức gì. Đến Phạm Duy còn có ngày về cơ mà”. Giờ thì anh đã được thoải mái bộc lộ tài năng chín muồi ở quê hương. Điều mà khán giả như tôi chờ đợi, là sự đột phá hơn nữa trong nghề nghiệp, không ỷ vào chất giọng “trời phú”. Và tiết chế, khắt khe hơn với bản thân, ví dụ ôm đồm thêm món kịch nghệ trong bối cảnh nó không hề khai mở được đường hướng nào mới cho anh thì chẳng nên cố làm gì.

Vi Khanh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/cau-chuyen-bang-kieu-co-gi-1314643.tpo