Câu chuyện Amazon: Thương hiệu đắt nhất thế giới

Amazon vượt mặt Google lên trở thành thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2019. Giá trị của Amazon vào khoảng 315,5 tỉ USD, tăng 52% so với năm ngoái.

CEO của Amazon Jeff Bezos

CEO của Amazon Jeff Bezos

Bảng xếp hạng BrandZ 100 công ty toàn cầu do Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Kantar công bố ngày 11/6, Amazon từ vị trí thứ ba trong năm 2018 đã trở thành thương hiệu có giá trị nhất thế giới. Đứng ở vị trí thứ hai là Apple với giá trị 309,5 tỉ USD.

Theo bảng xếp hạng này, Google tụt từ vị trí thứ nhất trong năm 2018 xuống vị trí thứ ba trong năm 2019 với giá trị thương hiệu 309 tỉ USD. Trước đây, trong 12 năm liên tiếp, Google và Apple thay nhau giữ hai vị trí đầu bảng. Microsoft vẫn đứng ở vị trí thứ 4.

Có thể thấy, câu chuyện thành công của Amazon và những công thức “thần kì” của Jeff Bezos luôn gợi sự tò mò. Và mặc dù có rất nhiều lý do đưa thương hiệu Amazon vượt lên những cái tên lớn khác, tuy nhiên, có hai điều cốt lõi làm nên điều này là Jeff Bezos và Amazon Web Service.

Không giống như Apple, Google, và Microsoft, Amazon không bị cố định với một hệ sinh thái thiết kế chặt chẽ với ứng dụng và dịch vụ. Thay vào đó, Jeff Bezos quyết định mục tiêu của Amazon tập trung vào các nền tảng phục vụ khách hàng tốt nhất và nhanh nhất có thể.

“Khách hàng của chúng tôi trung thành với chúng tôi cho đến giây phút ai đó đem đến cho họ một dịch vụ tốt hơn. Và tôi thích điều đó. Đó là động lực lớn đối với chúng tôi”, Jeff Bezos chia sẻ.

Triết lý lấy khách hàng làm trung tâm, "khách hàng là thượng đế” này đã góp phần đưa Amazon trở thành một trong những công ty thương mại điện tử hàng đầu thế giới hiện nay.

Trọng tâm của định hướng này được Jeff Bezos định hình bằng việc làm sao để những khách hàng cũ quay lại sử dụng dịch vụ ở những lần tiếp theo. Amazon luôn làm việc từ quan điểm của khách hàng để đưa ra những ý tưởng sẽ tạo ra giá trị hợp pháp.

Ví dụ, Prime được tạo ra vì Amazon hiểu rằng khách hàng muốn mua sản phẩm chất lượng với ít tiền hơn và khách hàng muốn nhận sản phẩm nhanh nhất có thể. Prime dường như là một giải pháp đáp ứng cả hai nhu cầu của phân khúc khách hàng này.

Do đó, các kết quả điều tra từ ACSI (Chỉ số hài lòng khách hàng của Mỹ) cho thấy Amazon vẫn chiếm vị trí số một trong các công ty hàng đầu nước Mỹ. Đồng thời, lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được từ một khách hàng (customer lifetime value) tại Amazon được thị trường nhận định là rất cao.

Bên cạnh đó, một trong những khác biệt chính giữa Amazon và những gã khổng lồ công nghệ khác là đội ngũ lãnh đạo chặt chẽ. Jeff Bezos đã tập hợp một nhóm các nhà điều hành trung thành ở vị trí cao nhất của công ty.

Nhiều người trong số họ đã ở lại Amazon trong nhiều năm, nếu không nói là nhiều thập kỷ. Bezos S-Team thường có ít hơn 20 giám đốc điều hành. Điều này cũng được ông áp dụng với các nhân viên của mình khi công ty chia thành các nhóm độc lập với 10 thành viên hoặc ít hơn để thực hiện nhiệm vụ.

Chiến lược đa dạng loại hình dịch vụ dựa trên các nền tảng công nghệ số cũng đem lại lợi nhuận cho Amazon. William Lazonick, giáo sư danh dự về kinh tế tại Đại học Massachusetts, Lowell phân tích, Amazon Web Services phát triển từ nhu cầu cơ sở hạ tầng thương mại điện tử của công ty đã giúp đội ngũ nhân viên sáng tạo nhiều chức năng khác nhau.

Amazon Web Service là dịch vụ mang lại lợi nhuận lớn cho Amazon

Không chỉ cung cấp dịch vụ hậu cần cho Airbnb và Netflix mà còn lưu trữ cả thư viện sách điện tử Kindle và giúp Alexa có thể nói cho bạn biết hôm nay người dùng cần gì.

“Với dữ liệu người dùng khổng lồ của mình, công ty này có thể đưa ra những phân tích để thực hiện các chiến lược giữ chân khách hàng, buộc họ phải tiếp tục đưa ra quyết định mua hàng với những chiêu thức marketing vô cùng chuẩn xác”, ông William nhận định.

Điều này vô hình dung đã giúp cho Amazon luôn nằm trong top đầu các công ty có chỉ số lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được từ một khách hàng cao nhất thế giới khi luôn nhắm trúng tới các sở thích của khách hàng chuẩn xác hơn để gia tăng lợi nhuận.

Do đó, phần lớn lợi nhuận của tập đoàn này đến từ hoạt động điện toán đám mây, Amazon Web Services. Bộ phận công nghệ cao này, đã đưa Amazon trở thành công ty hàng đầu thế giới về điện toán đám mây khi mang về 25 tỷ USD trong khi doanh thu web ở Bắc Mỹ chỉ tạo ra 2,8 tỷ USD lợi nhuận.

Cùng với đó, Amazon không phung phí lợi nhuận của mình vào việc mua lại cổ phiếu. Một sự khác biệt có ý nghĩa hơn trong việc định hình con đường của Amazon nằm ở chiến lược phân bổ tài nguyên, đặc biệt là cách tập đoàn này sử dụng lợi nhuận kiếm được.

Đây là một trong số rất ít các tập đoàn lớn của Mỹ đang chọn giữ lại lợi nhuận và tái đầu tư, trong đó có việc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nhân sự. Từ năm 2014 đến năm 2016, Amazon đã tăng số lượng kỹ sư phần mềm từ 18.266 lên 30.433 người. Dự kiến công ty này sẽ bổ sung thêm 50.000 người tại các trụ sở mới ở New York và Bắc Virginia.

Như đã nói, làm nên thành công của Amazon có rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, với tinh thần không bao giờ từ bỏ của Jeff Bezos và một “vũ khí” không thể thiếu, dữ liệu khách hàng, câu chuyện của Amazon mang đến thông điệp, nếu bạn luôn kiên định với mục tiêu từ đầu, bạn sẽ thành công.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/cau-chuyen-amazon-thuong-hieu-dat-nhat-the-gioi-152078.html