Câu chuyện ám ảnh từ nạn nhân 'ma men'

Khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông tại nước ta liên quan việc sử dụng rượu bia trước khi lái xe và chi phí để khắc phục hậu quả rất lớn. Những vụ tai nạn vì rượu bia đã biến những thanh niên, những lao động chính thành gánh nặng.

Các nhân vật trải nghiệm chia sẻ câu chuyện với sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân

Các nhân vật trải nghiệm chia sẻ câu chuyện với sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân

Tàn phế vì rượu bia

Trong độ tuổi thanh niên, là lao động chính nhưng bỗng chốc bị liệt nửa người vì lạm dụng rượu bia. Đây là câu chuyện Hà Anh Mến (ở Yên Thế, Bắc Giang) kể cho các sinh viên cảnh sát trong chương trình “Vì một xã hội an toàn giao thông năm 2018”. Chương trình do Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp với các đơn vị như Grap, GO – VIET, Bảo hiểm Bưu điện… tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên về nguy cơ của việc lái xe sau khi uống rượu bia.

Trở lại với Hà Anh Mến, người thanh niên chia sẻ đã từng có người yêu, khi tai nạn trên tay có đeo nhẫn cưới bởi 2 tuần nữa anh sẽ thành chú rể. Hôm đó, anh tham gia buổi liên hoan của bạn, uống rất nhiều rượu và khi về đã không làm chủ tốc độ dẫn tới tai nạn. “Bác sĩ báo tôi liệt tứ chi vì bị chấn thương đốt sống cổ và không thể phẫu thuật được. Mọi sinh hoạt của tôi đều do người nhà giúp, từ ăn uống, tắm rửa đều tại giường… Về nhà, trên cổ của tôi vẫn có 1 vật để gông lại, cố định đốt sống nên tôi phải nằm suốt 1 năm bất động” – anh Mến kể lại.

Cùng hoàn cảnh trên là trường hợp anh Nguyễn Quang Tạo (ở Bắc Giang) – một người từng là lao động chính, có thu nhập khá cao. Nhớ lại ngày tai nạn, anh Tạo kể đã dự 2 đám cưới hôm đó và uống quá nhiều rượu nên bị ngã. Sau đó, các bác sĩ đã phải chờ 1 ngày để men rượu trong người anh giảm đi mới có thể phẫu thuật. Anh nói tiếp: “Phẫu thuật xong, tôi vẫn nghĩ chỉ cần điều trị một thời gian là có thể đi lại. Một hôm, tôi đọc được tờ giấy ở phía cuối giường ghi tôi bị vỡ đốt sống, phải ngồi xe lăn vĩnh viễn. Tôi thực sự rất sốc, khóc rất nhiều và không tiếp xúc bất kỳ ai. Hi vọng qua câu chuyện của tôi, các bạn nên tránh rượu bia, giữ an toàn cho bản thân mình” – anh Tạo nói.

Phải chi phí cả đời cho thương tật

Có mặt tại chương trình, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung – Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ với các sinh viên cảnh sát về khó khăn khi hòa nhập cuộc sống của những người như anh Mến, anh Tạo nhất là khi điều kiện nước ta còn nhiều thiếu thốn. “Hằng năm, chúng tôi tiếp nhận các bệnh nhân tổn thương tủy sống hoặc tổn thương khác do tai nạn giao thông rất nhiều… Chi phí điều trị rất cao, từ khi sơ cứu, cấp cứu phải mất từ vài triệu tới vài trăm triệu. Sau đó là quá trình phục hồi chức năng để nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe. Chi phí hằng tháng từ 3 – 5 triệu thậm chí nhiều hơn, có bạn một tháng vào viện mấy lần. Đây là thương tật cả đời nên mình sẽ phải bỏ chi phí trong cả đời” – bác sĩ Dung nói.

Phó GS.TS Lê Huy Trí – Phó GĐ Trung tâm nghiên cứu ATGT (HV CSND) công bố số liệu thể hiện, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông xảy ra tại nước ta liên quan tới rượu bia và chi phí cho việc khắc phục hậu quả rất lớn. Ông Trí đề nghị mỗi sinh viên phải nhận thức rõ tác hại của việc lạm dụng rượu bia, kiên quyết không uống rượu nếu phải điều khiển phương tiện giao thông để bảo vệ chính mình và mọi người.

Xuân Ân

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/cau-chuyen-am-anh-tu-nan-nhan-ma-men-1333912.tpo