Cầu BOT 'tư nhân' thu phí 5 năm vẫn chưa được thẩm định

Một cây cầu BOT 'tư nhân' làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 950 triệu đồng ở Kiên Giang thu phí đã lâu nhưng vẫn chưa được nghiệm thu, quyết toán.

Cầu dây văng được đầu tư bằng hình thức BOT ở huyện xã Thạnh Đông, (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, thu phí hơn 5 năm nay nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng thẩm định phương án tài chính, xác định mức thu phí khiến người dân nghi ngại.

Cầu dây văng được đầu tư bằng hình thức BOT ở huyện xã Thạnh Đông, (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, thu phí hơn 5 năm nay nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng thẩm định

Chiếc cầu dây văng bắc qua kênh xáng Chưn Bầu ở xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp được xây dựng bằng hình thức BOT do bà Lương Thị Mai Tho làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 950 triệu đồng. Cầu được thiết kế có 5 nhịp với tổng chiều dài 27m, rộng 2,7m, chiều cao thông thuyền 5,2m, chiều rộng thông thuyền 22m. Tải trọng cho phép là 1,5 tấn. Cầu được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2012.

Tuy cầu dây văng chưa được HĐND tỉnh Kiên Giang thông qua mức thu phí nhưng chính quyền địa phương vẫn chấp thuận cho thu đối với xe đạp là 1.000 đồng, xe gắn máy 2.000 đồng, xe 4 chỗ 10.000 đồng và 15.000 đồng xe 7 chỗ. Riêng cán bộ và học sinh ở địa phương thì được miễn phí qua lại.

Hàng ngày, người dân ít thì qua cầu 2-3 bận, người đi nhiều thì 4-5 bận, với phí 2.000 đồng cho một chiếc xe máy đi qua.

Hàng ngày, người dân ít thì qua cầu 2-3 bận, người đi nhiều thì 4-5 bận, với phí 2.000 đồng cho một chiếc xe máy đi qua. Tính ra, phải tốn một khoản tiền kha khá cho việc qua lại cây cầu huyết mạch này.

Một số hộ dân có nhà gần đây cho biết, khu vực này trước đây là bến đò ngang nên việc qua lại kênh xáng Chưn Bầu có phần bất tiện và mất nhiều thời gian so với khi có cầu. Tuy nhiên, mức thu phí qua cầu như thế này là hơi cao đối với người dân ở vùng quê nên cần giảm 50% giá để mọi người bớt gánh nặng.

"2.000 đồng một lượt thôi, nhưng đi qua lại đi lại nhiều tốn biết bao nhiêu tiền mà nói. Người dân ở đây phản ánh dữ lắm", ông Đặng Văn Sáu ở ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Đông nói.

Cây cầu bắc qua tuyến giao thông huyết mạch nên hàng ngày có rất nhiều người qua lại.

Được biết, sau khi cầu hoàn thành vào tháng 9/2012, đến tháng 8/2014, UBND huyện Tân Hiệp mới lập phương án tài chính để trình Sở Tài chính thẩm định. Tuy nhiên đến nay, phương án vẫn chưa được Sở Tài chính thẩm định, chưa thông qua HĐND tỉnh để thu phí theo quy định.

Theo UBND huyện Tân Hiệp, trong quá trình kêu gọi và chấp thuận cho bà Lương Thị Mai Tho đầu tư dự án cầu treo theo hình thức BOT, huyện chưa nắm rõ quy trình về đầu tư BOT theo quy định do đó chưa trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án.

Việc cho chủ đầu tư thu phí qua cầu trong gần 5 năm qua trong khi phương án tài chính chưa được xem xét thông qua đã làm cho nhiều người dân không khỏi nghi ngại.

Câu hỏi người dân đặt ra là 5 năm qua, chủ đầu tư đã thu phí được bao nhiêu tiền; việc thu phí có được giám sát hay không và quan trọng hơn là được thu phí trong bao nhiêu thời gian?

Tuy nhiên, chủ đầu tư BOT cầu kênh xáng Chưn Bầu đang gặp khó vì chưa được thẩm định, quyết toán.

"Bắt cây cầu này phải thông báo cho dân biết là thu phí bao nhiêu năm, bao nhiêu năm nghỉ. Còn đằng này làm thinh hoài làm sao dân biết", ông Hứa Văn Tỷ, ở ấp Thạnh Tây nêu ý kiến.

Đáng lý phải xóa bỏ cho người dân nông thôn, chứ làm gì mà góp hoài vậy, lâu lắm rồi.

Ông Võ Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Thạnh Đông lý giải: chính quyền vẫn biết cây cầu này chưa được các cấp có thẩm quyền của tỉnh thẩm định và thông qua mức thu phí nhưng do sốt ruột cho nhà đầu tư nên chính quyền địa phương đã cho chủ đầu tư thu phí nhiều năm nay.

"Cầu thu phí được 4-5 năm rồi. Thực tế mà nói, chủ đầu tư người ta bỏ tiền mà không cho người ta thu thì cũng tội người ta", ông Chín phân bua.

Ông Khánh, chồng của bà Tho - chủ đầu tư cây cầu BOT này cho rằng: việc chậm trễ về mặt thủ tục cũng có phần lỗi do mình.

“Do mình không hiểu các thủ tục nên làm không đúng, trục trặc lên trục trặc xuống khiến kéo dài thời gian. Tiền thì mình cũng đã bỏ ra đầu tư rồi nên khi thủ tục chưa xong cũng sốt ruột lắm. Mỗi ngày chúng tôi thu được từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Thời gian thu phí là 15 năm. Chúng tôi thu phí theo quy định của UBND tỉnh. Hiện nay chỉ còn đợi Sở tài chính thẩm định phương án tài chính”, ông Khánh nói.

Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang cho biết mức thu và thời gian thu phí sẽ được tính toán lại sau khi các sở, ngành cho ý kiến chính thức trong vài tháng tới đây. Trong trường hợp, nhà đầu tư đã thu đủ theo kết quả thẩm định của Sở Tài chính thì chính quyền địa phương sẽ cho ngừng ngay việc thu phí qua cầu BOT này. /.

Lam Hiếu/VOV - ĐB SCL

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/cau-bot-tu-nhan-thu-phi-5-nam-van-chua-duoc-tham-dinh-743359.vov