Cậu bé sửa đồng hồ, chiếc máy kỳ lạ và nhà làm phim tiên phong

Đây là câu chuyện về một cậu bé sống ở nhà ga. Hãy theo chân cậu ấy, bởi đây là Hugo Cabret. Trong đầu cậu chứa đầy những bí mật, và cậu đang chờ để bắt đầu câu chuyện của mình.

Nước Pháp những năm 1930, cậu bé Hugo Cabret 12 tuổi và cha mình, một thợ làm đồng hồ, đã tìm thấy một con robot bị hỏng và vứt chỏng chơ bên ngoài bảo tàng, nơi cha cậu làm việc. Họ quyết định sẽ sửa nó. Nhưng một trận cháy ở bảo tàng đã cướp đi người cha duy nhất của Hugo. Và kể từ đó, cậu trở thành đứa trẻ mồ côi.

Con robot bị hỏng mở đường cho cuộc phiêu lưu nghẹt thở

Một người bác của Hugo đưa cậu về nhà ga xe lửa và dạy cậu cách sửa chiếc đồng hồ lớn ở trung tâm nhà ga. Một ngày kia, ông bác của cậu cũng biến mất, để lại Hugo vẫn tiếp tục sống trong tháp đồng hồ. Cậu mang theo con robot bị hỏng với niềm hy vọng rằng mình sẽ sửa được nó và giải mã được thông điệp mà cha cậu nhắn nhủ với cậu.

Cuốn sách The Invention of Hugo Cabret của Brian Selznick.

Để tiếp tục sống trong tháp đồng hồ, cậu bắt đầu trộm đồ ở cửa hàng đồ chơi, và bị bắt quả tang bởi người chủ ở đó, một người đàn ông lạnh lùng đã thu luôn cả cuốn sổ tay có hình robot của cậu.

Cũng từ đây, Hugo gặp một cô gái lập dị có niềm đam mê bất tận với sách vở và nắm giữ chiếc chìa khóa hé mở bí mật về con robot nhưng đồng thời cũng đưa cậu vào một cuộc phiêu lưu kỳ lạ mà có thể đặt tất cả những bí mật của cậu vào vòng nguy hiểm. Nhưng đồng thời cuộc phiêu lưu cũng dẫn Hugo đến một trong những kho tàng tuyệt tác của điện ảnh nhân loại.

Người biến điện ảnh trở thành nghệ thuật thực sự

The Invention of Hugo Cabret là cuốn sách hư cấu lịch sử của nhà văn, họa sĩ Brian Selznick. Cuốn sách là hành trình tìm về một thời quá khứ huy hoàng của nhà làm phim tiên phong nước Pháp Georges Mélìes trong buổi bình minh của điện ảnh.

Ông thường được biết đến với thể loại phim hình tượng (fantasy) và lối kể chuyện sử dụng nhiều hiệu ứng đặc biệt như quay đè (double exposure) chia đôi màn hình (split screen) hay hoạt hình dừng động (stop motion).

Nhà làm phim Georges Mélìes (8/12/1861 - 21/1/1938).

Bộ phim nổi tiếng nhất của Mélìes - Le voyage dans la lune (A Trip to the Moon) làm năm 1902 đã trở thành một huyền thoại trong lịch sử điện ảnh, được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hình ảnh mặt trăng bị con tàu đâm vào mắt đã trở thành một biểu tượng độc đáo đầy tính nghệ thuật và đại diện cho sự nghiệp làm phim của Georges Mélìes.

Ông khởi đầu là ảo thuật gia ăn khách, nhưng khi chứng kiến sự kỳ diệu của hình ảnh động nhờ phát minh của anh em nhà Lumiere, ông bắt đầu hứng thú với phim ảnh. Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp làm phim năm 1896 đến khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, người ta ước tính Mélìes đã làm khoảng 500 bộ phim ngắn, và chỉ còn khoảng 200 bộ phim trong số đó còn tồn tại cho đến ngày nay.

Bộ phim câm trên giấy

Georges Mélìes là nhà làm phim có sức ảnh hưởng lớn trong văn hóa đương đại, ông từng được nhắc đến trực tiếp, hoặc gián tiếp qua các bộ phim của mình trong các tác phẩm điện ảnh, video âm nhạc, hoặc thậm chí là trong sách vở. Nhưng có lẽ The Invention of Hugo Cabret của Brian Selznick là cuốn sách đầu tiên và đến nay là duy nhất tập trung vào sự nghiệp làm phim của Mélìes cũng như sáng tạo ra cuộc sống đầy thú vị của ông vào những năm cuối đời.

Bên cạnh câu chuyện tưởng tượng xen lẫn với các chi tiết có thật, The Invention of Hugo Cabret còn có những hình minh họa đẹp mắt do chính tác giả Brian Selznick thực hiện. Tuy vậy, hơn cả là một cuốn sách tranh, tác phẩm trông giống như bộ phim câm đen trắng đầy hấp dẫn trên giấy.

Một số hình minh họa của Brian Selznick trong cuốn The Invention of Hugo Cabret.

Lời mở đầu của cuốn sách cũng gợi mở cho độc giả điều đó. “Tôi muốn các bạn tưởng tượng mình đang ngồi trong bóng tối, giống như phần mở đầu của một bộ phim… Rồi bạn cuối cùng cũng nhìn thấy một cậu bé giữa đám đông, và cậu bé ấy bắt đầu chạy băng băng qua nhà ga xe lửa. Hãy theo chân cậu ấy, bởi đây chính là Hugo Cabret. Trong đầu cậu chứa đầy những bí mật, và cậu đang chờ để bắt đầu câu chuyện của mình.”

Được viết vào năm 2007, cuốn sách kể về cuộc đời của một nhà làm phim, và 4 năm sau nó lại được chuyển thể dựng thành phim. Từ những bức hình đen trắng của Selznick, đạo diễn Martin Scorsese đã biến chúng thành bộ phim đầy màu sắc và âm thanh.

Với sự tham gia của các diễn viên Ben Kingsley, Helen McCrory, Asa Butterfielf và Chloë Grace Moretz, bộ phim Hugo đã nhận được 11 đề cử Oscar, nhiều hơn bất cứ bộ phim nào trong năm đó, bao gồm cả những hạng mục quan trọng cho đạo diễn, quay phim, Kịch bản và cả Bộ phim xuất sắc nhất. Cuối cùng bộ phim cũng mang về 5 tượng vàng cho Quay phim, Kỹ xảo, Chỉ đạo nghệ thuật, Biên tập âm thanh và Hòa âm.

Bộ phim Hugo (2011).

Suy cho cùng thì tự bản thân The Invention of Hugo Cabret đã gần như là tác phẩm điện ảnh. Nó không chỉ tôn vinh con người mà còn đề cao tình yêu thương đầy nhân văn trong đó. Cuốn xứng đáng có một cái kết có hậu, hoặc đôi khi chỉ cần một chút trò ảo thuật nho nhỏ để trí tưởng tượng đưa bạn đến một thế giới đầy thú vị của cuộc sống: điện ảnh.

Thu Hoài

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cau-be-sua-dong-ho-chiec-may-ky-la-va-nha-lam-phim-tien-phong-post898627.html