Cậu bé-sát thủ Nga bám chặt X-37B Mỹ trên quỹ đạo

Nga và Mỹ làm cho nhau phát điên trên vũ trụ.

Lại xin được tiếp loạt bài của chuyên gia, cựu kỹ sư trưởng TSNIIMASH Vladimir Tuchkov về vũ khí Nga- nước ngoài. Lần này thì về X-37 Mỹ và các phương tiện, phương pháp diệt vệ tinh của Nga, Mỹ, Trung Quốc ... Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 28/7/2019.

Công ty Mỹ SpaceX phóng máy bay vũ trụ không người lái Х-37 В lên thực hiện một sứ mệnh bí mật trên vũ trụ, năm 2017 (Ảnh: Zuma/TASS)

Công ty Mỹ SpaceX phóng máy bay vũ trụ không người lái Х-37 В lên thực hiện một sứ mệnh bí mật trên vũ trụ, năm 2017 (Ảnh: Zuma/TASS)

Bí mật đã không còn là bí mật. Cựu Bộ trưởng Không quân Mỹ và hiện đang là Chủ tịch (nguyên văn- chắc chủ tịch Hội đồng quản trị-ND) Trường Đại học Tổng hợp Texas (Mỹ) El Paso Heather Wilson vừa mới hé lộ thông tin về chức năng của máy bay vũ trụ bí mật Mỹ Boeing X-37B — Orbital Test Vehicle (OTV)- (còn nhiều cách gọi khác, nhưng xin dùng thuật ngữ “máy bay vũ trụ” như tác giả Tuchkov-ND.

Còn hơn thế, bà thổ lộ bí mật này một cách rất “tâm huyết”: “.....Các đối thủ của chúng ta không thể biết được là con tàu (vũ trụ) này của chúng ta (Mỹ) sẽ xuất hiện ở những đâu trong lần tới. Và chúng ta biết rất rõ rằng điều đó khiến cho kẻ thù của nước Mỹ phải phát điên. Và tôi thực sự vui mừng vì điều đó (kẻ thù phát điên)”.

Vậy có nghĩa là, thiết bị này (X-37) được sử dụng hoàn toàn cho mục đích quân sự.

Nhưng trước thời điểm thổ lộ tâm tình của bà cựu Bộ trưởng Không quân Mỹ nói trên, cứ mỗi khi nói về chiếc máy bay vũ trụ do Boeing chế tạo với sự tham gia trực tiếp của Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Hoa Kỳ (DARPA) và bằng tiền của Lầu năm góc này, các quan chức Mỹ toàn kể cho bàn dân thiên hạ nghe những chuyện hoang đường (về chức năng của X-37B).

Nào là các chuyến bay dài ngày vào vũ trụ của X-37B được thực hiện chỉ là để tiến hành các nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của vũ trụ đối với nhiều loại vật liệu khác nhau.

Và những quan chức cấp cao Mỹ dám kể những chuyện khó tin như vậy bất chấp một thực tế là chiếc máy bay vũ trụ này thuộc biên chế của Không quân Mỹ, và chỉ Quân đội Mỹ mới có quyền sử dụng, ngay cả các chuyên gia NASA hoặc của bất kỳ một cơ quan bộ ngành nào khác trong Chính phủ Mỹ cũng đều không được phép tham gia vào các chương trình bay của X-37B.

Bà Wilson quả là một con người chân thành. X-37 B bay trên quỹ đạo hình elip và có khả năng cơ động, thay đổi quỹ đạo bay một cách khó lường. Chính các khả năng này, theo cựu Bộ trưởng Không quân (bà Wilson), đã đem đến cho Mỹ những ưu thế cực kỳ lớn trước các "kẻ thù của nước Mỹ".

Tuy vậy, ngoài các nguồn thông tin chính thống, còn tồn tại những nguồn thông tin không chính thống, hoặc đó là những phát biểu giấu tên của những chuyên gia cực kỳ am hiểu các bí mật, hoặc là những thông tin tình báo bị rò rỉ.

Và chính luồng thông tin (không chính thống) này mới cho phép chúng ta đưa ra giả định với xác suất chính xác rất cao rằng: nhiệm vụ chính của chiếc máy bay vũ trụ Mỹ nói trên (X-37B) là tiêu diệt các vệ tinh quân sự (và không chỉ có vệ tinh quân sự) của đối phương.

Còn một thực tế nữa khiến chúng ta tin rằng giả thiết trên (chức năng của X-37B là tiêu diệt vệ tinh đối phương) là đúng hoặc rất gần với sự thật- đó là xu hướng phát triển vũ trụ (phục vụ cho các mục đích) quân sự hiện đại.

Cho đến thời điểm hiện tại, cả ba siêu cường - Nga, Trung Quốc và Mỹ - đều đã sở hữu các cụm vệ tinh quân sự khá ấn tượng phục vụ cho các mục đích trinh sát và liên lạc. Vẫn không có một đột phá công nghệ lớn nào trong lĩnh vực này. Chỉ có sự gia tăng số lượng những vệ tinh như vậy.

Các nghiên cứu chủ yếu hướng tới mục tiêu chế tạo được "vệ tinh sát thủ" có khả năng vô hiệu hóa hoặc thậm chí phá hủy các phương tiện- thiết bị vũ trụ của đối phương. Để đối phương phải chiến đấu trong các điều kiện của “Thời kỳ đồ Đá”, có nghĩa là, không còn khả năng sử dụng “đôi mắt và đôi tai vũ trụ” nữa.

Và cả ba siêu cường nói trên vừa đều khiêm tốn giữ im lặng ở các diễn đàn công khai, vừa âm thầm nhưng tích cực tìm kiếm những cách thức hiệu quả hơn để tiêu diệt vệ tinh của đối phương.

Bởi vì những cách thức không hiệu quả lắm đã và đang tồn tại. Và chúng (các phương pháp) này đã hai lần được thể hiện trong các cuộc thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh. Đầu tiên là người Trung Quốc, và sau đó là người Mỹ.

Về nguyên tắc, chúng ta (Nga) đã cũng có thể làm điều tương tự như họ, bời vì chính xác là trong trang bị của Bộ đội đường không- vũ trụ Nga cũng đã có những phương tiện có chức năng y như vậy.

Ngày 12/1/2007, đúng 6 giờ 28 phút giờ Bắc Kinh, Trung Quốc đã phóng quả tên lửa đạn đạo KT-1. Quả tên lửa này đã phá hủy chiếc vệ tinh khí tượng “Fenyun-1C” đã “hết niên hạn sử dụng” ở độ cao 864 km. Tên lửa được trang bị đầu đạn động học, không có chất nổ. Nó đã phá hủy chiếc vệ tinh khi vệ tính đang “bay” trên tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc).

Mỹ ngay lập tức “cực lực lên án” hành động “quân sự hóa vũ trụ” này của Trung Quốc và tuyên bố quyết không chấp nhận ý đồ quân sự hóa vũ trụ. Đồng thời, Mỹ cũng tuyên bố rằng các thử nghiệm như vậy dẫn đến sự gia tăng các mảnh vỡ (rác) trong vũ trụ. Trong trường hợp này, “rác trên vũ trụ” được nhân lên vì có thêm những mảnh vỡ của chiếc vệ tinh Trung Quốc bị phá hủy kia.

Nhưng đến ngày 21/2/2008, người Mỹ đã lại làm đúng cái việc mà Trung Quốc đã làm và đã bị Mỹ lên án. Tên lửa phòng không SM-3 mang đầu tác chiến động học được phóng từ tàu tuần dương mang tên lửa có điều khiển “Lake Erie” cũng đã phá hủy chiếc vệ tinh trinh sát USA-193 của Mỹ bị mất kiểm soát. Vệ tính này bị phá hủy ở độ cao 247 km.

Tất nhiên, Nga cũng sở hữu các tên lửa có khả năng tiêu diệt những vệ tinh ở quỹ đạo thấp và trung bình. Việc đánh chặn như vậy có thể được thực hiện bởi tổ hợp tên lửa phòng không S-500 (đã bắt đầu được sản xuất hàng loạt trong năm nay 2019), các tên lửa của Hệ thống phòng không Matxcova A-135 “Amur”, và cả máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31BM được trang bị tên lửa “không đối không” R-37M.

Việc đánh chặn các vệ tinh không phải là một nhiệm vụ quá phức tạp về mặt kỹ thuật. Bởi vì các vệ tinh di chuyển trên một quỹ đạo không đổi với tốc độ cũng không đổi. Chỉ cần phóng tên lửa đánh chặn đến một điểm có tọa độ đã được biết rất rõ từ trước.

Nhưng nếu như vệ tinh cơ động, thì một nhiệm vụ đánh chặn như vậy sẽ rất khó thực hiện, bởi vì tên lửa đánh chặn sẽ cũng cần phải di chuyển trong không gian không phải theo một đường thẳng, mà phải lặp lại các động tác (cơ động) của của vệ tinh mục tiêu.

Phương pháp đánh chặn các vệ tinh từ Trái đất bằng tên lửa cực mạnh nói trên không được coi là một phương pháp có triển vọng, đấy là còn chưa kể đến việc nó cũng rất tốn kém.

Và rất "không thân thiện với môi trường" vì nó “đổ rác” vào vũ trụ. Tuy nhiên, cần phải hết sức lưu ý một điều rằng trước nghĩ ra (và áp dụng) phương pháp đánh chặn động học, người Mỹ đã từng tiến hành một số thử nghiệm cực kỳ kinh khủng để phá hủy các vệ tinh- bằng cách cho thực hiện các vụ nổ nhiệt hạch ngay trên vũ trụ.

Chính vì thế mà với việc diệt vệ tinh chỉ bằng tên lửa, thì dù sao người Mỹ cũng đã thực hiện một bước tiến khá dài và “nhân văn” về phía trước trong lĩnh vực “diệt vệ tinh một cách văn minh”.

Hiện giờ thì những nỗ lực chính đều tập trung vào việc chế tạo vũ khí chống vệ tinh (bằng) năng lượng – vũ khí laser và vũ khí điện từ. Và các hệ thống như vậy sẽ được bố trí ngay trên vũ trụ, vì thế nên cần phải “bơm” lên một lượng năng lượng khổng lồ để đạt được công suất đầu ra đủ để phá hủy các thiết bị vũ trụ.

Những nghiên cứu trong lĩnh vực này đang được tiến hành trong khoảng thời gian dài và từ trước đây rất lâu. Tuy vậy, không thể nói bất cứ điều gì rõ ràng về việc khi nào thì các tổ hợp tác chiến (laser và điện từ) cụ thể sẽ xuất hiện.

Một nhiệm vụ thực tế và khả thi hơn nhiều để vô hiệu hóa các vệ tinh – đó là sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử. Nhưng những công trình nghiên cứu này được giữ bí mật tuyệt đối.

Vậy chính xác thì chiếc máy bay vũ trụ X-37 B làm gì trên quỹ đạo luôn thay đổi trên vũ trụ? Rất nhiều khả năng là nó đang thử nghiệm một số công nghệ chống vệ tinh nào đấy.

Đó có thể là (công nghệ) đánh chặn cơ học, cũng có thể là tác động điện từ , tất nhiên, với cường độ không cao (vì chỉ thử nghiệm), cũng như rất có thể nó (X-37B) đang “thanh tra”, hay nói rõ hơn là đang nghiên cứu các vệ tinh của đối phương.

X-37B – đó là thiết bị bay không người lái kiểu máy bay được trang bị động cơ tên lửa. Trọng lượng cất cánh tối đa của nó là 5 tấn. Tải trọng hữu ích- 900 kg. Chiều dài- 8,9 m, sải cánh- 4,5 m.

Nó được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa mang “Atlas-5”, còn bắt đầu từ chuyến bay thứ năm, phương tiện mang nó (lên quỹ đạo) là “Falcon-9”. Hạ cánh (tiếp đất) theo kiểu máy bay. Có khả năng cơ động trong vũ trụ. Đã có 2 (hai) chiếc X-37B được chế tạo, và chúng được đưa lên quỹ đạo luân phiên nhau.

Bắt đầu từ năm 2010, (X-37B) đã thực hiện 4 chuyến bay. Các chuyến bay bay trong vũ trụ có thời gian lần lượt như sau: 224 ngày, 469 ngày, 675 ngày, 718 ngày. Hiện giờ đang là chuyến bay thứ năm, bắt đầu từ ngày 7/ 9/2017.

Nga cũng không vừa- cũng đang tiến hành thử nghiệm trên vũ trụ các hệ thống chống vệ tinh. Hơn nữa, "dấu vết" của các lần thử nghiệm như vậy lại được phát hiện một cách hoàn toàn tình cờ.

Cụ thể, có một vật thể vũ trụ kích thước không lớn trong suốt một thời gian dài đã được xác định là rác vũ trụ. Nhưng đột nhiên, cái “rác thải” này "sống dậy", có nghĩa là nó bắt đầu thay đổi vị trí của mình trên quỹ đạo.

Nó lần lượt “áp sát”, đầu tiên là 2 chiếc vệ tinh của Nga, rồi sau đó- 2 chiếc vệ tinh của Trung Quốc. Các chuyên gia vũ trụ lúc đầu khẳng định ngay rằng nó đang tiến hành “công tác kiểm tra” các thiết bị vũ trụ, truyền những dữ liệu (về những thiết bị vũ trụ đó) về Trái đất, cụ thể hơn nữa- về chính Trung tâm điều khiển bay (của Nga).

Nhưng đến khi cái “rác thải” này “va quệt nhẹ” với tầng cuối của một tên lửa mang đã sử dụng và sau đó thay đổi quỹ đạo bay của mình, các chuyên gia ngay lập tức xếp “vật thể vũ trụ” này vào lớp “sát thủ”.

Các chuyên gia đặc biệt chú ý đến thời gian hoạt động tích cực rất lâu của vệ tinh (nói trên), tức là thời gian mà nó có thể cơ động. Điều này chỉ ra rằng chiếc vệ tinh thu nhỏ trên (của Nga) sử dụng một kiểu động cơ mới ưu việt hơn rất nhiều, “kinh tế” hơn rất nhiều so với tất cả các kiểu động cơ khác hiện có.

Như đã nói và nhấn mạnh ở trên, chiếc vệ tinh (Nga) này được phát hiện một cách hoàn toàn tình cờ, sau khi nó đã thực hiện các loạt các “động tác“ cơ động trong suốt một khoảng thời gian rất dài trên vũ trụ. Và như vậy- không chỉ mỗi X-37B Mỹ mới có khả năng "làm cho kẻ thù phát điên phát rồ", mà cả cậu bé- sát thủ Nga như nói trên cũng có năng lực tương tự.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/cau-be-sat-thu-nga-bam-chat-x-37b-my-tren-quy-dao-3384680/