Cậu bé chăn vịt trở thành Tiến sĩ mê hội họa

Có người gọi vui Trịnh Thắng là 'ông nhiều sĩ', bởi vừa là tiến sĩ, vừa là họa sĩ, thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, đạo sĩ, chưa kể còn là võ sư mấy chục năm. Thế nên, đến triển lãm của anh, không chỉ có giới văn nghệ mà còn rất đông các nhà sư, môn phái, lãnh đạo bệnh viện lớn...

 Trịnh Thắng tham gia diễn thuyết tại hội thảo của Bệnh viện Bạch Mai

Trịnh Thắng tham gia diễn thuyết tại hội thảo của Bệnh viện Bạch Mai

Vẽ là buông theo cảm xúc

“Vô” là triển lãm cá nhân thứ 6 của Trịnh Thắng, trưng bày những sáng tác mới nhất của anh, tập trung vào các cụm chủ đề tâm linh, phát triển tâm thức, giác ngộ thông qua các bức chân dung người, con vật, phong cảnh. Trước triển lãm “Vô”, họa sĩ Trịnh Thắng đã tổ chức các triển lãm “Tìm trong bóng tối” (2011), “Nẻo về” (2015), “Hơi thở cuộc sống” (2016), “Đến từ Ánh sáng” (2018), “Lãng xưa” (tháng 1/2020).

Không được đào tạo mỹ thuật bài bản, hội họa đến với Trịnh Thắng hoàn toàn là cái duyên và bản năng đưa đẩy. Tranh anh đầy hồn nhiên như nét vẽ trẻ thơ. Không cố ý mô phỏng bất cứ điều gì nhưng cũng không bàng quan với dòng chảy cuộc đời. Trịnh Thắng như đứng giữa hai thái cực: một bên là hồn nhiên còn bên kia là trách nhiệm của kẻ hiểu đời.

Khi nhìn vào bất cứ bức tranh nào của Trịnh Thắng để mô tả, bạn có thể nghĩ đây là một quả núi cao, hay đại dương mênh mông, cánh đồng, đoàn người đang nhảy múa, một khu chợ vùng cao,… hoặc không là gì cả. Theo Trịnh Thắng, anh vẽ tranh trong trạng thái thiền, tâm thức thoát khỏi mọi vướng bận của đời sống. Anh trở về với những tháng ngày cùng chúng bạn tung tăng chạy nhảy trên cánh đồng.

Sinh ra trong một gia đình làm nông, từ 6 tuổi, Trịnh Thắng đã được bố mẹ giao cho trông nom, “chỉ huy” một đàn vịt hơn 100 con. Tuổi thơ của anh, vì thế, gắn với những buổi chiều lang thang khắp các cánh đồng, bờ đê quê lúa Thái Bình. Những lúc vịt ngủ, Thắng lấy que vẽ nhì nhằng các vòng tròn bao quanh. Đó là “bức tranh” đầu tiên của Thắng. Sau này, trong tranh của anh cũng xuất hiện rất nhiều vòng tròn, như một ám ảnh vô thức của tuổi thơ. Rồi, anh vẽ lên bãi đất trống những đàn kiến, đám mây, bầu trời với cơn giông… Vẽ tất cả những gì anh thấy, bằng cây gậy xua vịt.

Lớp 12, có lần, bạn bè xúi Thắng vẽ lại truyện Tam Quốc. Và dù chưa bao giờ được xem phim, nhưng trong tiếng hò reo cổ vũ, Thắng ngồi mường tượng và vẽ lại nội dung cuốn tiểu thuyết lên hết mặt bàn mới còn trắng phau phau của lớp học. Nhìn “tác phẩm” của cậu trò cưng, thầy giáo bàng hoàng không thốt nên lời. “Họa xĩ” ngay lập tức bị phạt lao động dọn vệ sinh và suýt khóc khi thầy dọa cấm thi tốt nghiệp. May mà thầy chỉ dọa.

Năm đó, Thắng đỗ cùng lúc 4 trường đại học, nhưng quyết định chọn ĐH Y Thái Bình theo mong muốn của bố mẹ. Tưởng thế là hết duyên với hội họa, nhưng ngành Y lại có môn giải phẫu, nên Thắng lại được say sưa vẽ với cơ, xương, dây thần kinh, mạch máu…

Sang Mỹ học thạc sỹ, tiến sĩ, mỗi buổi lên lớp, anh đều ghi lại bài học của các giáo sư bằng… tranh. Khoảng thời gian 10 năm ở Mỹ, la cà khắp các bảo tàng mỹ thuật, cũng phần nào bồi đắp cho chàng trai trẻ những cảm thức về hội họa. Sau này đi giảng cho sinh viên hoặc tham gia diễn thuyết, Trịnh Thắng cũng không bao giờ cần giáo án hay tài liệu. Thứ duy nhất anh xin là một cây bút cùng chiếc bảng trắng. Để tất cả ý tưởng sẽ được vẽ lên đó.

Hỏi anh mê vẽ thế sao không thi mỹ thuật, Trịnh Thắng cười: “Hồi đó nhà nghèo, được bố mẹ cho ăn, cho học là đã tốt rồi. Ước mơ lúc đó chỉ là học giỏi, được đi nước ngoài. Còn vẽ là bản năng, máu thịt, cứ để tự nhiên thôi”. Với Trịnh Thắng, vẽ là chơi, là buông theo cảm xúc.

Dù không được đào tạo về mỹ thuật nhưng bao năm qua, Trịnh Thắng lại có nhiều học trò tìm đến xin học vẽ. Họ trẻ, hiện đại và khao khát được sáng tạo mà không bị lệ thuộc vào bất cứ quy tắc, niêm luật nào. Học sinh của Trịnh Thắng còn có những em bé bị tự kỷ. Trịnh Thắng không dạy học trò về các kỹ thuật mà anh giúp họ khơi gợi sự sáng tạo, dám thể hiện cảm xúc bản thân, thể hiện cái tôi hồn nhiên trong tác phẩm của mình.

“Lấy tâm làm gốc, mọi thứ còn lại chỉ là lá trên cổ thụ”

Đầu để trọc, nuôi râu quai nón, chân đi guốc mộc, ăn mặc như đạo sĩ… bảo Trịnh Thắng là họa sĩ còn được, chứ là tiến sĩ giảng dạy hàng ngàn sinh viên, làm việc với toàn các tổ chức quốc tế… hẳn nhiều người băn khoăn. GS.TS Nguyễn Lân Dũng, sau khi nhìn Trịnh Thắng từ đầu đến chân và được giới thiệu là Tiến sĩ Y khoa, cũng phải ngạc nhiên mà đi hỏi những người nghiên cứu sinh từ Mỹ về. Hỏi rồi mới biết, Thắng từng đỗ thủ khoa ở cả 2 vòng thi tuyển du học ở Mỹ. Năm 2003, anh bảo vệ thành công Thạc sĩ, đến năm 2007 thì bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngành Y tế cộng đồng tại Đại học Bắc Carolina (Hoa Kỳ). Cuối cùng, vị giáo sư phải thốt lên: “Ấn tượng đặc biệt của tôi về TS Thắng là một nhà khoa học trẻ trung, giỏi giang, tự tin, lạc quan và tràn đầy nhiệt huyết sống”.

Sau khi từ Mỹ về, Trịnh Thắng tham gia giảng dạy về phương pháp nghiên cứu, khoa học xã hội và hành vi, truyền thông chuyển đổi hành vi, phương pháp giảng dạy tích cực, nghệ thuật nói chuyện trước đám đông... Anh cũng từng làm chuyên gia tư vấn cho nhiều dự án phát triển và khoa học xã hội của Tổ chức y tế thế giới (WHO), Quỹ dân số liên hợp quốc (UNFPA), CARE Quốc Tế, UNICEF, Đại sứ quán Thụy Điển… tại Việt Nam có Bộ Y Tế, Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện tỉnh, thành phố.

Từng tập luyện Karatedo, Tán thủ và Thái cực quyền, năm 2012, sau khi về làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Hành động vì Cộng đồng (REACOM), anh đã sáng lập ra trường phái mới lấy tên là "Dịch Tâm Thể", một môn tập luyện dưỡng sinh kết hợp từ y học, võ học, yoga, thiền và trường sinh học. Anh giải thích ý nghĩa của trường phái này là Dùng tâm trí để chuyển dịch năng lượng bản thể, hoặc có nghĩa là Chuyển dịch năng lượng bản thể dưới sự điều hành của tâm trí.

Là một bác sĩ, nhưng Trịnh Thắng không bao giờ thích dùng từ “bệnh”, hay “bệnh nhân”, “người bệnh”. “Tôi sử dụng khái niệm mất cân bằng năng lượng tạm thời để gọi thay cho bệnh. Khi nghe được từ đó, bệnh nhân có niềm tin và hứng khởi với việc tìm và thiết lập lại trạng thái cân bằng năng lượng cần có”, anh diễn giải.

Trịnh Thắng cũng mở võ đường để dạy võ cho những người có nhu cầu và xuất bản cuốn sách “Dịch Tâm Thể” (NXB Lao động, 2012). Nói về cuốn sách này, TS. Đoàn Lê nhận định: “Không còn những con chữ khô khan, tẻ nhạt, mọi thứ được tuôn trào ra hết sức sinh động. Nó mang lại cảm giác của một cuộc chuyện trò trực tiếp với những lời chia sẻ hồn nhiên mà sâu sắc, đưa người đọc chìm vào một tâm cảnh mới, từng bước đi trên con đường khám phá bản thể”.

Ở góc phòng trà nhỏ xinh của triển lãm “Vô” có bày một số cuốn sách của Trịnh Thắng. Chủ yếu là sáng tác văn chương mà tác giả tâm đắc. Ngoài rất nhiều thơ, còn có cả truyện ngắn và tiểu thuyết (Rái cá đồng và cô bé hàng xóm, 2005; Lạc đường, 2006; Dấu ấn đồng quê, 2007)… Một số được viết với 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp.

Trước nay, Trịnh Thắng còn được bạn bè, người quen tán dương với khả năng “xuất khẩu thành thơ”, tự sáng tác và hát với chất giọng liêu trai. Trong suốt buổi trò chuyện, thỉnh thoảng, vị tiến sỹ tốt nghiệp tại Hoa Kỳ lại cất giọng hát vài câu do mình sáng tác. Khi thì tiếng Việt, khi bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Anh cũng phấn khởi ký tặng sách bằng một loại chữ do mình tự sáng tạo (!)

Vẻ như, không chỉ trong hội họa, mà bất cứ mọi thứ, Trịnh Thắng đều giữ tâm thái hồn nhiên, phấn khởi, hồ hởi. “Tôi tâm niệm lấy tâm làm gốc. Chỉ cần dưỡng gốc thì mọi thứ còn lại, y khoa, hội họa, âm nhạc, văn chương… cũng chỉ là những chiếc lá trên cây cổ thụ”, vị tiến sĩ trẻ gật gù chiêm nghiệm.

Tiến sĩ y khoa, họa sĩ Trịnh Thắng tại triển lãm “Vô” đang diễn ra tại phòng tranh 31 Văn Miếu

Diệp Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/cau-be-chan-vit-tro-thanh-tien-si-me-hoi-hoa-1766646.tpo