Cậu bé buôn đồng nát chạm đến ước mơ bằng mồ hôi và nước mắt

Một trong những cái tên được khán giả nhắc nhiều trong năm 2018 là Tiến sĩ hát Bolero Duy Cường. Ở chàng trai này người ta nhìn thấy 3 hình ảnh rất đặc biệt, đó là một thầy giáo rất đĩnh đạc trên giảng đường, một nghệ sĩ rất phiêu trên sân khấu và một chàng trai trẻ vui vẻ ở đời thường. Ấy thế nhưng, ít ai biết hành trình từ cậu bé buôn đồng nát đến Tiến sĩ hát Bolero đầy những nỗi nhọc nhằn với mồ hôi và nước mắt.

Tiến sĩ hát Bolero Duy Cường.

Tiến sĩ hát Bolero Duy Cường.

Chưa bao giờ xấu hổ vì buôn đồng nát

Được biết, hoàn cảnh của Duy Cường không được may mắn như nhiều người, anh có thể chia sẻ đôi điều?

Do gia đình có nhiều biến cố nên Duy Cường đã bươn chải cuộc sống khá sớm. Từ khi học lớp 5, Duy Cường đã cùng mẹ đi mua quần áo cũ, cắt ra để bán cho những người lau ô tô. Ngày đầu đi cùng mẹ, nhưng ngày thứ 2 thì Duy Cường đi riêng để 2 mẹ con mua được nhiều hơn. Sau một thời gian thì tôi chuyển qua buôn đồng nát.

Ngày ấy, Duy Cường học một buổi đi làm một buổi. Với một cậu bé 10 tuổi, vừa học vừa làm hẳn là không hề dễ dàng?

Vất vả nên Duy Cường rất gầy và đen thui. Mỗi lần chở đồ về thì đồ chất cao ngất, khi nhìn chỉ thấy đồ chứ không thấy người đâu. Dù là một đứa trẻ nhưng Duy Cường biết, với mình, học là quan trọng nhất. Thế nên, tôi vẫn hoàn thành tốt việc học. Đến hiện tại, nhìn lại Duy Cường tự hào là mình luôn luôn là niềm tự hào của các thầy cô.

Có bao giờ anh xấu hổ với bạn bè vì đi buôn đồng nát?

Không. Tôi không hề xấu hổ vì công việc của mình. Nhiều lúc, Duy Cường còn vào tận nhà các bạn để mua. Bằng lao động của bản thân, tôi kiếm ra đồng tiền để giúp đỡ bố mẹ, có thêm một phần để trang trải cho cuộc sống, cho học tập. Duy Cường thấy rất tự hào và chưa bao giờ giấu giếm việc mình từng có hoàn cảnh khó khăn, từng đi buôn dẻ rách, từng đi buôn đồng nát.

Vì hoàn cảnh như thế nên Duy Cường được rất nhiều người thương. Cuộc sống đặt ra cho Duy Cường rất nhiều trở ngại khó khăn nhưng cũng mang đến cho mình nhiều cơ hội. Bên cạnh Duy Cường luôn có rất nhiều người yêu thương. Trong quá trình đi buôn đồng nát cũng như thế, mọi người thường ưu ái hơn, để dành đồ để bán cho tôi.

Trẻ con thường có những ước mơ rất giản dị như quần áo, đồ chơi đẹp trong những ngày Tết. Cậu bé già trước tuổi Duy Cương ước mơ?

Như đã nói, Duy Cường bị già trước tuổi nên không có những ước mơ be bé ấy (cười). Khi bố bị tai nạn giao thông, mẹ Duy Cường ở viện suốt 5 năm đằng đẵng. Khoảng thời gian ấy, cứ 1 đến 2 tháng, mẹ mới về một lần.

Trong 5 năm ấy, Duy Cường và anh trai không ăn Tết vì bố mẹ không ở nhà. Trong nhà cũng chẳng có gì. Khi bố nằm viện, mọi thứ trong nhà đều bán hết kể cả thóc giống. Hai anh em phải ăn khoai trừ bữa. Cá thì cũng phải nêm thật mặn, khi kho lên thì chỉ nhìn thấy muối chứ không thấy cá. Ngày ấy, ước mơ của Duy Cường là được ở cạnh bố mẹ.

Tiền không phải là tất cả

Vì miếng cơm manh áo mà Duy Cường phải bước ra đời từ khi là cậu bé 10 tuổi. Trong hoàn cảnh ấy, anh hiểu lắm sức mạnh của những đồng bạc, vậy kiếm thật nhiều tiền có phải là mục tiêu của Duy Cường?

Khi mình lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn thì không thể không nói đến chuyện việc muốn kiếm tiền để thay đổi cuộc sống. Nhưng, đó không phải là ước mơ. Mục tiêu hàng đầu của Duy Cường là hoàn thành ước mơ của bố mẹ, đó là giáo viên.

Bố mẹ Duy Cương rất khổ. Từ một người lành lặn vì tai nạn giao thông mà bố mất 2 chân. Mẹ cũng vì thế mà vô cùng vất vả. Vì vậy, suốt quá trình học tập, Duy Cường chỉ có một ước mong duy nhất là được trở thành thầy giáo. Cuối cùng, ước mơ ấy đã trở thành hiện thực.

Ước mơ hiện tại của Duy Cương là giúp được những người khác kém may mắn hơn mình. Bản thân Duy Cường đã sống trong hoàn cảnh đó nên thấu hiểu những khó khăn, nhọc nhằn.

Quãng thời gian khó khăn thời thơ ấu đã tạo nên một Duy Cường thế nào ở hiện tại?

Cuộc sống khó khăn đã rèn cho tôi tính tự lập rất lớn. Từ năm lớp 5 đã phải đạp xe đi buôn đồng nát và mãi đến khi học hết lớp 12, tôi mới nghỉ để ôn thi đại học. Quãng thời gian đó đã giúp tôi rất nhiều. Nó hun đúc cho tâm hồn tôi sự sâu sắc. Đó cũng chính là lý do người ta nhận xét, Duy Cường hát Bolero hơi màu triết học.

Năm 2018 được coi là dấu mốc vô cùng quan trọng khi chàng Tiến sĩ hát Bolero trở thành cái tên được khán giả đặc biệt yêu thích?

Năm qua, tôi rất hạnh phúc vì đã chính thức trở thành ca sĩ, làm liveshow đầu tiên và đã có nhiều thành công. Đến giờ phút này, bằng sự yêu thương của khán giả mà tôi chạy show liên tục. Nói thật, Duy Cường không có can đảm thực hiện liveshow đâu, nhưng chính mẹ nuôi là người đã giúp đỡ, chuẩn bị hết mọi thứ. Làm một liveshow rất khó, nhiều nghệ sĩ cả đời hoạt động nghệ thuật không thể làm được liveshow. Vì vậy mà, trong tâm niệm, tôi cảm ơn tổ nghiệp rất nhiều vì đã dành cho tôi nhiều ưu ái và được khán giả nhất mực yêu thương.

Hiện tại, cát-xê của Duy Cường là bao nhiêu?

Trước khi tham gia thần tượng Bolero, tôi mong ước được hát ở phòng trà và được nhận cát-xê 400 hoặc 500 trăm ngàn đồng. Ngày ấy, mỗi cuối tuần, tôi theo các anh các chị đi hát, nhưng hát miễn phí thôi và chỉ duy nhất một lần được cát-xê 500 ngàn.

Sau cuộc thi thần tượng Bolero, cát-xê có thay đổi. Tuy nhiên, mức cát-xê của tôi linh động, có những show không có cát-xê, các show từ thiện từ 5 – 10 triệu nhưng các show sự kiện thì sao động từ 50 – 100 triệu đồng. Duy Cường có được điều này chính là nhờ tình yêu thương của khán giả.

Nói thật, trước đây, Duy Cường chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành ca sĩ. Thế nên, nhận tiền cát-xê từ bầu show đôi lúc còn run, bởi không dám nghĩ chỉ hát vài bài mà mình nhận được số tiền như thế. Thực sự, Duy Cường rất vui khi giọng hát chân thành, mộc mạc của mình đã chạm đến trái tim của khán giả.

Không dám yêu vì... sợ

Một câu hơi riêng tư chút nhé, Duy Cường đã có người yêu chưa?

Duy Cường đã từng có người yêu, yêu rất say đắm trong 3 năm nhưng rồi vì duyên hết nên dừng lại. Hiện tại, dù không còn yêu nhưng cả hai vẫn quan tâm đến nhau xem nhau như những người bạn. Ở đời, thương nhau khó lắm vậy nên đừng vì lý do gì mà ghét nhau. Gặp được nhau đã là cái duyên rồi. Bản thân Duy Cường luôn mong muốn sẽ gặp được một cô gái yêu thương mình, sẽ thấu hiểu mình, cho công việc của mình.

Mong muốn sao, tôi nghĩ nhiều cô sẵn sàng làm người yêu của Duy Cường mà?

Duy Cường sợ. Hiện tại, Duy Cường rất bận, ngày thì đi dạy, tối lại chạy show. Thế nến, tôi không dám yêu. Khi nào mọi người chán nghe Duy Cường hát thì khi đó sẽ yêu. Hiện tại, tình yêu lớn nhất của tôi lúc này là giảng viên và hát Bolero.

Bạn có nghĩ đến chuyện yêu một cô gái cũng làm nghệ thuật để thấu hiểu cho nhau?

Tôi không nghĩ mình sẽ yêu một cô gái làm nghệ thuật, vì đã tự thấy bản thân mình rất vất vả. Mình vất vả, người yêu vất vả lúc đó sẽ khổ cả đôi. Vì thế Duy Cường rất sợ. Bản thân tôi cảm nhận được niềm vui của người nghệ sĩ và cũng hiểu được nỗi khổ. Khi đứng trên sân khấu, mình có thể được hàng ngàn người tung hô, nhưng khi về đến nhà thì chỉ có một mình, lúc ấy cũng cảm thấy cô đơn, trống vắng.

Anh sẽ loạn nhịp trước một cô gái thế nào?

Với Duy Cường, nếu ai đó nói, yêu không quan tâm đến vẻ ngoài là nói dối. Thế nên, cô gái ấy phải xinh một chút và phải vô cùng hiếu thảo. Bởi, yêu Duy Cường chưa đủ đâu phải yêu luôn bố mẹ của Duy Cường nữa. Như chị đã biết, bố của tôi là người tàn tật và mẹ vô cùng vất vả nên Duy Cường không muốn bố mẹ buồn. Thế nên, một cô gái yêu tôi cũng phải có trách nhiệm đối với bố mẹ của tôi.

Xin cảm ơn Duy Cường về cuộc trò chuyện thú vị này.

LÊ ANH

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số Tết

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/cau-be-buon-dong-nat-cham-den-uoc-mo-bang-mo-hoi-va-nuoc-mat-a260758.html