Cậu bé bại não được tuyển thẳng vào Đại học FPT

Chuyện cậu bé bại não Phan Hoàng Anh ở Tuyên Quang được tuyển thẳng vào Đại học FPT vì thành tích học tập xuất sắc trong mùa thi năm nay khiến nhiều người nể phục.

 Tình yêu thương của chị Hải, anh Ngọc luôn là điểm tựa quan trọng cho con trai vững bước. Ảnh: Đào Thanh.

Tình yêu thương của chị Hải, anh Ngọc luôn là điểm tựa quan trọng cho con trai vững bước. Ảnh: Đào Thanh.

Người mẹ lao công đáng trân trọng

Tôi gặp chị Lê Thanh Hải, ở tổ 2 phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang - người mẹ lao công của cậu bé bại não Phan Hoàng Anh vừa được tuyển thẳng vào Đại học FPT với học bổng 100%. Đứng trên hè phố, mồ hôi túa đầm vai áo, cái nắng hanh hao của những ngày đầu thu càng làm khuôn mặt chị hằn rõ những nếp nhọc nhằn của thời gian.

Đặt chiếc chổi lên xe, tấp xe rác cạnh lề đường, chị nhẹ nhàng kể về cuộc đời mình và hành trình chăm sóc con trai Phan Hoàng Anh.

Một ngày đầu tháng 9 của 19 năm về trước, chị Lê Thanh Hải vượt cạn và cậu bé Phan Hoàng Anh ra đời trong niềm hạnh phúc của chị Hải, anh Phan Thế Ngọc (chồng chị). Đây là đứa trẻ thứ 2 của gia đình anh chị.

Thật không may, chỉ 4 ngày sau sinh, bé Hoàng Anh bỏ bú không rõ nguyên nhân. Đưa lên viện khám, anh chị chỉ biết nhìn nhau rồi nuốt nước mắt vào trong khi nghe bác sĩ tư vấn cách chăm sóc trẻ bại não thể múa vờn.

Những ngày bé còn non nớt, hai anh chị đi khắp nơi hỏi phương thuốc chữa cho con. Nhưng các bác sĩ đều bảo, bệnh của cháu hiện chưa có thuốc chữa, giải pháp hữu hiệu nhất là cho Hoàng Anh phục hồi chức năng. Kéo theo đó là chuỗi tháng ngày anh chị triền miên bên con ở Bệnh viện phục hồi chức năng Hương Sen.

Lên 3 tuổi, cậu bé bại não Hoàng Anh mới chập chững đi những bước đầu đời. Rồi sau đó, bé mới biết bi bô từng tiếng gọi bố, gọi mẹ. Nhìn con nói chẳng hề dễ dàng, chẳng được tròn vành, rõ tiếng là mỗi lần anh chị nhìn nhau khóc.

Ngoài thời gian làm lao công, để có tiền chăm sóc con, chị Lê Thanh Hải làm thêm đủ nghề. Ảnh: Trần Ngọc.

Nghề nghiệp của anh là công nhân nhà máy xi măng còn chị chỉ là lao công. Do đó, để có thêm tiền nuôi con, hằng ngày chị lụi cụi làm thêm đủ nghề để kiếm tiền. Khi thì nhận lau dọn nhà, lúc lại nhặt nhạnh thêm vỏ nhựa, vỏ lon bia trên hè phố…

Trải qua những gian nan vất vả, đôi lúc cũng khiến chị thấy buồn, nhưng chưa khi nào chị gục ngã. Bởi vậy, trên từng góc đường nhỏ ở TP Tuyên Quang, người ta có thể bất chợt nhìn thấy một người đàn bà lao công ngồi bên đường dáng vẻ mệt mỏi, nhưng chưa khi nào chị thể hiện sự mệt mỏi trước mặt con trai.

Chị bảo rằng, với mỗi đứa trẻ bình thường, cha mẹ luôn là nguồn che chở động viên lớn lao thì đối với con chị, nguồn động viên che chở ấy lại cần lớn gấp nhiều lần. Cứ thế, Hoàng Anh lớn lên từ những giọt mồ hôi của mẹ, của cha và bằng cả tình yêu thương đong đầy.

Chuỗi thành tích của cậu bé bại não

Lúc Hoàng Anh 7 tuổi, chị Hải đưa con đến học tại lớp khuyết tật của Trường Tiểu học Bình Thuận. Thật may, tuy Hoàng Anh khó khăn trong đọc, viết nhưng phần nhận thức khá tốt.

Trong 3 năm học THPT, Phan Hoàng Anh liên tục đạt được giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh. Ảnh: Đào Thanh.

Bởi thế, chỉ sau 2 năm ở trường, Hoàng Anh được vào học lớp 2, hòa nhập học tập với những đứa trẻ bình thường khác.

Những năm học tiếp theo, Hoàng Anh vẫn một buổi đến trường, một buổi đi phục hồi chức năng. Năm lớp 8, khi đang điều trị, em may mắn được Tổ chức Chữ thập xanh Quốc tế tặng chiếc laptop.

Do việc điều khiển bàn tay gặp khó khăn, các trường Hoàng Anh theo học đều ưu tiên cho em sử dụng máy tính để ghi chép bài; làm bài thi, bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm.

Chiếc máy tính dần trở thành người bạn đồng hành, giúp cậu bé bại não Hoàng Anh giành được nhiều giải thưởng tin học cấp tỉnh, cấp khu vực.

Trong câu chuyện về cậu con trai khuyết tật, chị Hải, anh Ngọc nhắc nhiều về thầy giáo Lê Thái Hòa. Thầy phụ trách đội học sinh giỏi tin của Trường THPT Chuyên Tuyên Quang. Thầy là người chưa khi nào hết nhiệt huyết để vun đắp cho tài năng của cậu học trò khuyết tật nhưng sáng dạ.

Bởi thầy biết, nghị lực và năng lượng tích cực ở Hoàng Anh còn gấp đôi, gấp ba nhiều học sinh bình thường khác.

Giấy báo tuyển thẳng với 100% học bổng của Trường Đại học FPT là nguồn động viên quý giá trong chuỗi ngày vất vả của Hoàng Anh và gia đình. Ảnh: Đào Thanh.

Được thầy cô quan tâm, động viên, bạn bè giúp đỡ, cả 3 năm học tại Trường THPT chuyên Tuyên Quang em đều đạt học sinh giỏi. Liên tiếp trong 2 năm lớp 10 và 11, em đều giành giải nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Tin học và năm lớp 12 giành giải nhì. Em cũng đoạt 4 Huy chương Đồng từ các cuộc thi Học sinh giỏi khối các trường THPT Chuyên khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc bộ, Trại hè Hùng Vương được tổ chức hàng năm.

Giấu giọt nước mắt đằng sau vạt áo, chị Hải rủ rỉ: Dù con có vuông tròn hay méo mó thì giống như bao người mẹ khác, khi nào chị cũng thấy tự hào và hạnh phúc vì những đứa con của mình.

Niềm vui của chị lại được nhân đôi khi mới nhận được tin cô con gái cả, chị của Hoàng Anh, vừa bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ ngành Ngoại thương tại Cộng hòa liên bang Đức.

Đào Thanh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cau-be-bai-nao-duoc-tuyen-thang-vao-dai-hoc-fpt-d272394.html