Cậu bé 10 tuổi may mắn tìm được về nhà sau khi bị bỏ quên trên xe: 'Con có 3 cách cơ mà'

Câu chuyện của một bà mẹ được chia sẻ vào thời điểm nhạy cảm được cộng đồng mạng lan truyền chóng mặt, được coi như một bài học về kỹ năng sinh tồn của trẻ em. Nhưng hơn cả, điều cần học hỏi nhất là cách giáo dục của một gia đình, định hướng kỹ năng cho đứa trẻ và trách nhiệm của người lớn về việc bảo vệ những mầm non tương lai.

“Hãy dạy con kỹ năng để tự bảo vệ”

Cậu bé phiêu lưu trong câu chuyện trên là Phạm Hoàng Sơn (SN 2008) từ hồi tháng 5/2018. Là con trai út trong gia đình có 3 anh em, nhưng Sơn cũng khá tự lập và không về “nũng nịu” như bạn bè đồng trang lứa và có một sự tự tin, kiên trì với những việc mình làm. Câu chuyện đã được mẹ Nguyễn Thị Ngọc Ngà (SN 1977) chia sẻ trên trang facebook cá nhân với mong muốn lan tỏa những thông điệp tích cực và nhận được nhiều chia sẻ, đặc biệt, sau câu chuyện đau lòng của học sinh lớp 1 trường Phổ thông liên cấp Gateway tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ngà bày tỏ: “Tôi đã thực sự bàng hoàng, thậm chí bị ám ảnh đến mất ngủ khi biết đến tin của cậu bé lớp 1 xấu số kia. Rồi bỗng nhiên tôi rùng mình khi tưởng tượng lại chuyện con mình năm ngoái, đúng là nếu con kém may mắn hoặc nếu con ko đủ hiểu biết, kỹ năng, bản lĩnh, tư duy và kể cả sức khỏe là có thể có quá nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn hay tử vong.

Cảm xúc là thế, nên tôi đã quyết định chia sẻ câu chuyện của nhà mình để truyền tải thông điệp: Dạy con kỹ năng mềm cực kỳ quan trong ngay từ khi con ra ngoài đời là khi con bắt đầu đi học mẫu giáo”.

Gặp không ít câu hỏi thắc mắc từ cộng đồng mạng, chị Ngà giải thích: “Ai cũng thắc mắc tại sao tôi không dạy con gọi điện thoại thì câu trả lời là việc đó quá đơn giản để con làm được, kể cả việc tự gọi taxi, nhưng thực tế là giai đoạn đó con đang bị phạt vì một số lỗi, một trong số đó là thức khuya, nên con nhất định tự tìm đường về chứ nhất định không dám làm phiền bố mẹ.

Về đến nhà, câu đầu tiên của con là “Mẹ đừng phạt con”, nghĩa là việc con ngủ quên trên xe con ý thức là một lỗi lớn thuộc về con”.

Phạm Hoàng Sơn (SN 2008), cậu bé đã có hành trình phiêu lưu tìm đường về nhà trong suốt 9 tiếng "lưu lạc" bên ngoài. (Ảnh NVCC).

Phạm Hoàng Sơn (SN 2008), cậu bé đã có hành trình phiêu lưu tìm đường về nhà trong suốt 9 tiếng "lưu lạc" bên ngoài. (Ảnh NVCC).

Theo lời của bà mẹ 42 tuổi này, Hoàng Sơn là một đứa trẻ lỳ lợm, ít nói nhưng lanh lẹ, thích quan sát, thông minh và mạnh khỏe nên khi bị lạc, cậu bé tự tin là có thể tự tìm đường về nhà được. Những ngày luyện thể lực trước đó của Hoàng Sơn trở nên vô cùng hữu ích vào lúc này, việc đi bộ không có gì khó khăn với những ai đã từng leo núi cao, đầy gian nan mà cậu bé chưa từng bỏ cuộc. Câu chuyện ngủ quên và bị bỏ lại một mình trong xe ô tô đưa đón là khi Sơn đang học lớp 4.

“Lúc con về đến nhà và thuật lại câu chuyện, phản ứng đầu tiên của tôi là trách con, đáng lẽ con phải gọi điện thoại báo, bởi vì nếu cô giáo có báo với bố mẹ biết chuyện con mất tích thì cả trường lẫn gia đình trong suốt 9 tiếng đồng hồ đó sẽ hoảng loạn, lo lắng như thế nào.

Con thanh minh là tại con sợ mẹ phạt và con tin mình làm được. Lúc đó, bỗng nhiên tôi lại cảm thấy tự hào vì ý chí và bản lĩnh của con”, chị Ngà nhớ lại.

"Con có 3 cách cơ mà"

Chị Ngà chia sẻ: “Tôi không thể hình dung ra hậu quả khôn lường như thế nào khi con có thể chết ngạt trên xe ô tô đóng kín. Tuy nhiên, tôi tin con biết cách thoát ra, con rất tự tin “khoe” với mẹ “Có tận 3 cách để ra cơ mà mẹ. Cửa lái sẽ ra được dễ dàng, cửa trượt thì bấm nút trên buồng lái, còn nếu không thì có búa thoát hiểm”.

Nhờ vậy, tôi nhìn vào mặt tích cực của sự việc và giải quyết với nhà trường rất ôn hòa, nhẹ nhàng, đồng thời, trường con cũng có động thái tích cực”.

Chị Ngà vẫn còn nhớ như in cảm xúc ngày hôm đó: “Với tôi, trải nghiệm 9 tiếng tự thoát khỏi xe ô tô khóa kín rồi tìm đường về nhà đã cho con quá nhiều bài học, kinh nghiệm. Đó là những trải nghiệm không bao giờ quên của con. Thật may mắn khi con gặp nhiều người tốt! Tuy nhiên, tôi cũng đã phải tranh thủ dạy thêm con về kỹ năng xử lý nếu gặp người xấu, cùng trò chuyện rút kinh nghiệm.

Vậy là sau những lần giúp con rèn luyện thể lực và tinh thần bằng cách phải đi bộ, chạy bộ cả nhiều cây số, đặc biệt là mới 8 tuổi con đã sở hữu tấm bằng công nhận tự mình chinh phục ngọn núi ở độ cao 3.500m, rèn cho biết chịu đói chịu khát, điều kiện khắc nghiệt, thử thách thì con đã có được sự tự tin để phiêu lưu”.

“Tôi vẫn giữ quan điểm muốn chia sẻ câu chuyện này, vì theo tôi, câu chuyện may mắn của con tôi ngày hôm đó phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng, kiến thức, tư duy, bản lĩnh và cả sức khỏe tinh thần và thể chất của con. Đó chính là các yếu tố mà tôi muốn nhắn nhủ các phụ huynh nên chú ý rèn cho con từ sớm.

Ngay từ khi con còn nhỏ, tôi đã rất chú trọng phát triển IQ, EQ và nhiều kỹ năng mềm cho con. Mới 3 tuổi mà cu cậu đã chơi đàn rất ấn tượng; còn việc luyện rèn thể lực, tôi cực kỳ coi trọng. Các con tôi đều nói không với ốm đau, bệnh tật. Cả gia đình, ai cũng chăm thể dục thể thao.

Tôi cũng hay chuyện trò dạy con tư duy, suy đoán, xử lý và rất nhiều các kỹ năng mềm khác, luôn muốn con trưởng thành, vững vàng để khi gặp khó khăn không lùi bước. Với tôi, tinh thần, thể chất, sự thông minh và các kỹ năng mềm là những thứ rất cần thiết cho cuộc sống của con.

Bên cạnh đó, tôi cũng chú trọng cho các con tham gia các khóa học như “Tôi tài giỏi bạn cũng thế”, khóa STEM Ươm mầm tài năng của GS. Ngô Bảo Châu, các chương trình Trại hè kỹ năng - học kỳ CAND của báo Thiếu niên Tiền phong... Tất cả đều mang đến cho con một hành trang rất hữu ích trong mỗi mảnh ghép cuộc sống”.

Chị Ngà luôn muốn con "va chạm" với cuộc sống, rèn luyện thể lực, tư duy và trau dồi các kỹ năng sống. Cả gia đình luôn hào hứng cùng luyện tập thể dục thể thao hay thám hiếm. (Ảnh NVCC).

Câu chuyện được chia sẻ lại vào thời điểm này, bởi chị Ngà cho rằng: “Hồi đó, tôi thấy việc con tôi ra khỏi xe là chuyện rất bình thường, không có gì cao siêu, tôi chỉ đánh giá cao thể lực, tinh thần, tư duy và ý chí của con nên ghi chép lại với mục đích lưu lại kỷ niệm mà thôi.

Thế nhưng, tư tưởng của tôi cũng thay đổi khi chứng kiến sự việc đau lòng gây chấn động dư luận những ngày qua. Lúc này, tôi mới lại coi trọng hành động thoát khỏi xe được của con tôi và muốn truyền tải bài học tới cộng đồng. Rõ là trường hợp của cậu bé lớp 1 đó 100% giống con tôi, cũng bị bỏ quên và giáo viên thì chủ quan không thông báo

Tôi biết, không thể so sánh 6 tuổi với 10 tuổi, so sánh bé này với bé kia... nhưng tại sao không suy nghĩ tích cực, tôi muốn câu chuyện con tôi ít nhiều sẽ trở thành bài học để chúng ta cùng rút ra kinh nghiệm. Cũng không khó để dạy con cách thoát hiểm.

Tôi muốn lan tỏa và truyền thông điệp đến các bố mẹ việc nuôi dạy giáo dục và chăm sóc các thiên thần của chúng ta!”.

Chuyến phiêu lưu của cậu bé 10 tuổi

Cậu bé 10 tuổi đã thoát hiểm và tìm đường trở về nhà như thế nào? Báo điện tử Người Đưa Tin xin được trích nguyên văn câu chuyện đã được người mẹ 42 tuổi chia sẻ trên mạng xã hội một năm trước:

Thoát ra khỏi xe buýt bằng cửa buồng lái

Hôm nay, con trai út nhà tôi mới gần 10 tuổi đã bị bỏ quên trên xe buýt của trường. Con đã thoát được ra khỏi xe, rồi lạc đường và vừa may mắn về đến nhà bình an sau 9 giờ tự mò mẫm tìm đường về.

Qua đây, mới thấy các kỹ năng mềm như thoát hiểm, giao tiếp, sinh tồn, phán đoán,... rất quan trọng với các bạn nhỏ khi gặp rắc rối. Và điều quan trọng nữa là con đã được rèn thể lực, sức chịu đựng và tư duy tốt,... là những cứu cánh giúp con sống sót.

Chuyện là thế này, sáng nay con đi xe buýt trường đi học như mọi khi từ 6h30 khi con chưa được ăn uống gì vì tới trường con mới ăn sáng nhưng con đã được bác tài xế chở về tận đường 32 thị trấn Cầu Diễn chỉ vì bác không biết con ngủ quên trên xe.

Chiếc xe đưa đón mà Sơn đã ngủ quên và bị bỏ lại hồi tháng 5/2018. (Ảnh NVCC).

Hôm nay cũng là những ngày học cuối của năm học nên khi không thấy con đến lớp, cô giáo chủ nhiệm nghĩ là gia đình tự ý cho con nghỉ không phép nên cũng không thông báo gì với bố mẹ. Câu chuyện phiêu lưu suốt 9 tiếng của cậu bé diễn ra như sau.

Khi con tỉnh dậy thì thấy mình đang ở một nơi xa lạ, xe buýt đã tắt máy, khóa cửa và bác tài đã đi đâu đó. Thật may mắn vì nắng của mùa hè tháng 5 nên con đã nhanh chóng tỉnh. Nếu trời đông lạnh giá thì ở trong xe ấm áp có khi con ngủ đến chết ngạt trên xe.

Cậu bé rất bình tĩnh và tìm cách thoát khỏi xe. Cũng may vì con là người mê xe nên hay để ý và biết về xe, nhờ đó mà biết cách thoát ra bằng cửa buồng lái. Nhờ kỹ năng này nên con may mắn không bị chết ngạt hay hoảng loạn tâm lý khi bị nhốt trong xe.

Con ra khỏi xe và bắt đầu hành trình tự tìm đường về trường. Con kể, chỗ bãi gửi xe đó giống như một xóm lều, nhà cửa lụp xụp, giống mê cung, không có bóng người. Con mất thời gian lâu chỉ loanh quanh trong đó không làm cách nào thoát ra đường lớn để có người qua lại.

Sau một hồi mắc kẹt, may sao con nhìn thấy một chiếc xe Audi chạy ngang qua. Con nghĩ chắc chiếc xe sang này sẽ chạy ra đường lớn chứ không rẽ vào xóm nghèo. Vì vậy con chạy thục mạng đuổi theo xe và đúng thật xe đã dẫn nó ra được đường lớn.

Hành trình phiêu lưu 9 tiếng để tìm đường về nhà

Khi ra được đến đây, con đã có người để hỏi đường về trường nhưng tiếc rằng con hỏi ai họ cũng đều không biết trường của con đang học nằm ở đâu. Con đã rất nhanh trí chuyển hướng hỏi sang đường đến sân vận động Mỹ Đình vì nghĩ địa điểm nổi tiếng đó thì ai cũng sẽ biết, rồi con sẽ tự đi bộ từ đó về trường, đó là lộ trình mà mọi khi mẹ vẫn bắt con và các anh tự đi bộ về trường.

May mắn, con gặp một người đàn ông chở xe máy đưa con ra bến xe buýt rồi bảo con tự bắt xe về sân Mỹ Đình và được bác giúp đỡ khi con bảo không có tiền. Con đã phải chờ rất lâu mà vẫn chưa bắt được xe về sân Mỹ Đình, có nghĩa là bác ý đã đưa con đến nhầm bến. Con lại mò mẫm đi tìm bến xe buýt khác đến 13h.

Lúc này con đã thấm mệt, vừa đói vừa khát nên quyết định chuyển hướng không về trường nữa mà sẽ về thẳng nhà. Sau một hồi nghiên cứu các lộ trình xe buýt, con nhận thấy chỉ có xe về IPH Xuân Thủy là dễ dàng cho con tìm đường về nhà nhất.

Và rồi con cũng bắt được xe buýt đó và cũng biết trình bày nên con đã không mất tiền vé. Xe buýt trả con tại IPH Xuân Thủy. Con tính đây là điểm dễ tìm đường về nhà nhất vì chỉ cần đi bộ ra ngã tư là tới đầu đường Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, con đường này không hề ngắn, nhà con lại ở tận cuối đường, khu đô thị thành phố giao lưu, 234 Phạm Văn Đồng, mà đường này lại đang giai đoạn thi công nên rất bụi bặm, bẩn thỉu, nhiều khói xe do tắc nghẽn giao thông.

Những khóa học kỹ năng có lẽ đã trở nên thực sự hữu ích đối với cậu bé này. (Ảnh NVCC).

Lúc đó, con đã trải qua nửa ngày đói khát, nắng nóng, mệt nhoài. Nhưng cũng may mà có lần mẹ kể con nghe về việc luôn để sẵn kẹo bên mình để khi không may bị lạc, bị bỏ đói thì đó là cứu cánh để đỡ bị hạ đường huyết và tiếp thêm được sinh lực, con đã dùng để chống đói trong suốt mấy tiếng phiêu lưu vừa qua.

Con cũng thật dẻo dai và khỏe mạnh khi vẫn đủ sức đi bộ đoạn đường về tới nhà khoảng 4 km, đi qua con đường đầy khói bụi, xe cộ đông đúc, ứ tắc, cộng thêm vừa đói vừa khát, vừa đeo cặp sách nặng trĩu sau lưng, đầu trần giữa trưa hè oi bức.

Tuy nhiên, những lúc con gần như kiệt sức vì cảm giác khó chịu nhất là khát và nóng. Trên đoạn đường đi bộ có những lúc nắng và nóng quá, con đã nhanh trí ghé vào chung cư hay cửa hàng nào đó có máy lạnh để xoa dịu.

Vừa đặt chân về đến khu đô thị, do chân tay bủn rủn vì quá đói khát và mệt, không thể chịu được nữa, con đành lân la xin các nhân viên bán hàng và uống một hơi hết chai nước. Sau khi biết chuyện bị lạc đường, một cô nhìn con tội quá, cho con 10.000 đồng để mua bánh mì. Con chạy ra góc đường mua bánh, ngấu nghiến hết sạch và đủ sức tiếp tục đi bộ thêm hơn 1km về tận nhà với toàn thân đầm đìa mồ hôi, đôi mắt đượm nét lo sợ.

Khổ thân con! Đáng lẽ rất đơn giản là con chỉ cần mượn nhờ điện thoại để gọi về cho bố mẹ thì con lại không làm. Con tự tin tự thân vận động như vậy vì nghĩ lỗi ngủ quên trên xe là hoàn toàn do con. Trong khi, con đâu biết trong đó còn có lỗi từ sự chủ quan của cô giáo chủ nhiệm, từ sự sơ suất của bác tài, vì mọi hôm con ngồi ngủ trên xe bác nhìn thấy nhưng hôm nay xe rộng do nhiều người nghỉ học nên con nằm ra băng ghế khuất tầm mắt bác.

Đây là xe buýt của cấp 2, con đi cùng anh chị lớn nên không có cô phụ trách. Trên xe có hai anh đi cùng nhưng đều ngủ cả.

Chiếc bánh mì khi nãy dường như không thấm tháp gì nên về tới là con ăn thêm một bát mì. Mẹ mừng và luôn nhìn vào mặt tích cực của vấn đề. Mẹ thấy tự hào vì như vậy là con rất tự tin vào bản thân là có thể có đủ kỹ năng để tự thoát hiểm, tự tìm giải pháp, tìm đường, đủ sức lực, tinh thần và tư duy để chống đỡ với vô vàn khó khăn và nguy hiểm trong ngày hôm nay”.

Cẩm Mịch

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cau-be-10-tuoi-may-man-tim-duoc-ve-nha-sau-khi-bi-bo-quen-tren-xe-con-co-3-cach-co-ma-a445058.html