Cầu 7.300 tỷ lượn sóng được bù vênh như thế nào?

Theo dự kiến, đơn vị nhà thầu sẽ tiến hành đổ 200 mét khối bê tông để giúp mặt cầu Bạch Đằng phẳng hơn.

Ngày 14/12/2018, Công ty CP BOT Cầu Bạch Đằng cho biết, dự kiến từ ngày 17 - 24/12/2018 sẽ tiến hành bù vênh cầu Bạch Đằng nối TP. Hải Phòng với Quảng Ninh. Phương án bù vênh mặt cầu Bạch Đằng do tư vấn thiết kế TEDI lập.

Trước đó, vào tháng 11/2018, sau khi nhiều cơ quan báo chí phản ánh hiện tượng cầu Bạch Đằng lượn sóng, nhấp nhô gây nguy hiểm cho người tham giao thông chỉ sau gần 2 tháng thông xe.

Ban đầu phía đơn vị quản lý cho rằng, du ảnh hưởng của thời tiết trong quá trình thi công nên mới xảy ra hiện tượng vênh. Nhưng sau đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Cầu Bạch Đằng phát biểu: “Tôi khẳng định cầu Bạch Đằng không lún, võng và có kết cấu đảm bảo an toàn. Trên cầu có hệ thống quan trắc hàng tháng đều được các đơn vị tư vấn kỹ thuật báo cáo đầy đủ”.

Hiện tượng lượn sóng trên cầu Bạch Đằng với vốn đầu tư khoảng 7.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Hòa, chủ đầu tư sẽ không tiến hành "bù vênh" ngay vì cầu Bạch Đằng là cầu dây văng có thiết kế phức tạp. Cầu không được thiết kế trụ tháp quá cao vì ảnh hưởng đến đường hàng không của sân bay Cát Bi và cũng không được quá thấp vì bên dưới là luồng hàng hải quốc gia.

Thêm nữa, khi nhận ra mặt cầu bị vênh cũng là thời điểm chủ đầu tư, đơn vị thi công đang phải căn chỉnh khả năng chịu lực của dây văng nên phải chờ khoảng 3 tháng sau khi đi vào hoạt động mới có thể "bù vênh".

Nói về phương án bù vênh vào thời điểm đó, ông Nguyễn Tiến Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Cầu Bạch Đằng, chủ đầu tư sẽ tiến hành bù vênh lại mặt cầu trong vòng 2 - 3 tháng, sau khi lên các phương án và lựa chọn đơn vị thi công, tập hợp hệ thống quan trắc số liệu. Ước tính khoảng 200 m3 bê tông sẽ được bù để giúp mặt cầu Bạch Đằng phẳng hơn.

Nhận định về hiện tượng lượn sóng trên cầu Bạch Đằng, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, Giám đốc Chương trình Kỹ thuật hạ tầng (ĐH Việt Nhật) và TS Phan Lê Bình, chuyên gia JICA đều đánh giá, giải thích do thời tiết, cũng như cho rằng cần thời gian theo dõi khi công trình đi vào khai thác ổn định mới tiến hành sửa chữa là không hợp lý.

"Cùng điều kiện khí hậu thời tiết và kỹ thuật thi công mà cầu Nhật Tân, Cần Thơ, Mỹ Thuận, Rạch Miễu....không gặp vấn đề tương tự", GS.TSKH Nguyễn Đình Đức so sánh.

Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam đánh giá, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiện tượng lồi lõm cầu Bạch Đằng là do sự chênh cao độ các đốt cầu, khiến cho giao thông (trong phạm vi tốc độ thiết kế) không êm thuận, bánh xe lơ lửng chốc lát trên không, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả khai thác là điều không thể chấp nhận được.

"Theo tôi, vấn đề ở khâu quản lý thi công. Công trình do doanh nghiệp trong nước làm, đã từng học hỏi và chuyển giao kỹ thuật công nghệ từ nước ngoài và qua vài lần thi công đâu đó, tuy nhiên vẫn chưa tích lũy, học hết được những kinh nghiệm của quốc tế.

Thực tế là khi đổ bê tông mặt cầu, phải đổ dư một chút, rồi trọng lực sẽ kéo cáp hạ xuống để vừa vặn với đường cong thiết kế. Dư bao nhiêu là vừa đủ phụ thuộc vào khả năng quản lý thi công, quản lý kém, thiếu kinh nghiệm thì sẽ xảy ra chênh cao độ.

Đây là một trong những bí mật công nghệ mà doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát được nhờ bề dày kinh nghiệm, còn doanh nghiệp tư vấn và thi công của Việt Nam thì còn non nên chưa học đủ. Có những thứ vi diệu về công nghệ, nhìn bề ngoài tưởng như nhau thôi nhưng vẫn không học đến nơi đến chốn được" - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết.

Vân Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cau-7300-ty-luon-song-duoc-bu-venh-nhu-the-nao-3371093/