Cầu 7.300 tỷ lún võng từ trước khi trải thảm mặt đường

Trước khi trải thảm mặt đường cầu Bạch Đằng, các đơn vị liên quan đã phát hiện tình trạng lồi lõm và cần phải bù 157m3 nhựa đường(400 tấn).

Đó là thông tin được ông Đặng Hùng - Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh đưa ra trong cuộc họp chiều 7/11/2018 về sự cố lún võng trên cầu dây văng Bạch Đằng.

Mặc dù phát hiện ra tình trạng lồi lõm ngay từ lúc chưa thi công thảm mặt đường nhưng các bên đã đi đến quyết định chưa bù vênh ngay lúc đó.

Theo đại diện tư vấn giám sát công trình, mức độ lồi lõm của cầu vẫn đảm bảo cho xe chạy tốc độ 100km/h. Tuy nhiên, đại diện tư vấn giám sát đánh giá mức độ lồi lõm này đã "sát ngưỡng" cho phép nên cần sớm xử lý.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Văn Diện - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cũng nhận định kết cấu cầu Bạch Đằng đảm bảo an toàn, chỉ có phần mặt cầu gồ ghề cần được khắc phục.

Mặt cầu Bạch Đằng lún võng khiến xe đi qua dập dềnh.

Để khắc phục vấn đề này, ông Diện đề nghị nhà đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát cần đề xuất phương án phù hợp, tham vấn ý kiến đóng góp của các chuyên gia để đảm bảo khi gia tải không ảnh hưởng đến chất lượng cầu.

Trong khi đó, đánh giá về hiện tượng lồi lõm trên cầu Bạch Đằng, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, Giám đốc Chương trình Kỹ thuật hạ tầng (ĐH Việt Nhật) và TS Phan Lê Bình - chuyên gia JICA đều nhận định, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiện tượng lồi lõm cầu Bạch Đằng là do sự chênh cao độ các đốt cầu.

Thực tế là khi đổ bê tông mặt cầu, phải đổ dư một chút, rồi trọng lực sẽ kéo cáp hạ xuống để vừa vặn với đường cong thiết kế. Dư bao nhiêu là vừa đủ phụ thuộc vào khả năng quản lý thi công, quản lý kém, thiếu kinh nghiệm thì sẽ xảy ra chênh cao độ.

Cả 2 vị chuyên gia này đều nhận định, về những chỗ chênh cao độ hiện nay trên cầu Bạch Đằng đều không dễ xử lý. Căng cáp lên thì ứng suất cáp cao có thể đứt, đổ bù thêm asphalt vào thì tăng tải trọng, cũng sẽ phải tính toán kỹ nếu không mất ổn định toàn hệ thống. Bù lún bằng bê tông nhựa cũng rất khó khắc phục hoàn toàn.

PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng nhận xét: "Hiện tượng lún võng trên cầu dây văng đến từ kinh nghiệm thi công, đơn vị xây dựng không "từng trải" thì hay bị hiện tượng này. Thông thường, khi kéo các dây văng thì phải tính toán sai số để cho dãn dây văng, làm cho dầm cầu dãn xuống.

Nhưng nếu tính không chính xác, kinh nghiệm kéo dư để bảo đảm cho sau 1 thời gian dịch cho cân bằng nhau thì sau này dẫn tới hiện tượng lún võng mặt cầu. Trước khi thi công phải tính toán được điều này chứ sao lại để xảy ra vấn đề lún võng!".

Vị chuyên gia này cho biết, để xử lý dứt điểm vấn đề lún võng mặt cầu Bạch Đằng tương đối khó. Thông thường người ta chỉnh sửa ngay từ lúc thi công, chỉnh từng nhịp, từng văng một. Cứ mỗi một văng người ta chỉnh dần để cho khi hợp long cho cân nhau. Chứ giờ đã thi công cả một cây cầu rồi thì điều chỉnh phải cần đến nhưng nhà chuyên gia có kinh nghiệm lắm và có thiết bị tương xứng mới có thể điều chỉnh lại được.

Chủ đầu tư đưa ra phương án bù lún bằng việc rải thêm lớp bê nhựa cho phẳng mặt cầu ở những chỗ lún võng, ông Thám đánh giá đó là "phương án dễ làm nhưng hạ sách nhất", nếu không giải quyết dứt điểm vấn đề cân bằng lại lực, độ vênh ở những cho hợp long, đầu neo thì trước sau gì cũng dẫn tới hiện tượng vỡ đường.

"Cần phải xem việc này có làm cho nứt dầm không? Đồng thời tiến hành cân bằng lại lực để cân lại nhịp, những đơn vị thi công lão luyện lắm may ra họ mới làm được điều này" - ông Thám bày tỏ.

Ngọc Mai (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cau-7300-ty-lun-vong-tu-truoc-khi-trai-tham-mat-duong-3368782/