'Cát tặc' thu lợi 23 tỷ đồng: Phần nổi tảng băng chìm

Lợi ích từ khai thác cát rất lớn. Vì lợi ích lớn nên nhiều đối tượng sẵn sàng đứng sau bảo kê cho các hoạt động phạm pháp.

Thu lợi bất chính, ngân sách thất thu

Ngày 29/1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng trú tại TP Ninh Bình về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”. Đáng chú ý, nhóm đối tượng thu tiền của 9 tàu trong thời gian từ tháng 1/2019 đến khi bị bắt số tiền đã lên tới 23 tỷ đồng.

Cát tặc lộng hành vì lợi ích quá lớn. Ảnh: Lao động thủ đô

Cát tặc lộng hành vì lợi ích quá lớn. Ảnh: Lao động thủ đô

Không ngạc nhiên về con số trên, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Bình (Đà Nẵng) cho rằng, đây mới chỉ là một vụ việc bị khởi tố ở một địa phương, nếu thống kê từ hàng trăm, nghìn vụ việc, ở khắp các tỉnh thành trên cả nước thì số tiền các nhóm đối tượng bảo kê thu lợi bất chính sẽ nhân lên gấp nhiều lần.

Lấy ví dụ từ Hà Nội, thống kê qua 3 năm (2016 - 2019), đã kiểm tra, bắt giữ gần 1.100 vụ, xử phạt hành chính hơn 33 tỷ đồng. Tại Vũng Tàu, trong năm 2020, cơ quan chức năng địa phương đã xử phạt hơn 50 trường hợp, số tiền hơn 2 tỷ đồng. Tại Đồng Nai, cũng trong năm 2020 ghi nhận hơn 200 vụ khai thác khoáng sản trái phép, trong đó khai thác cát không phép là 45 vụ, phạt tiền 360 triệu đồng. Tại Quảng Nam, chỉ riêng trong năm 2019, lực lượng liên ngành của địa phương này đã phát hiện, xử lý 20 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính với tổng số tiền 485 triệu đồng...

"Chỉ dựa trên những vụ việc được phát hiện và đã xử phạt hành chính con số thất thu đã lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ, nếu thống kê đầy đủ thì số tiền thất thu là vô cùng lớn", vị chuyên gia bày tỏ.

Lý giải hiện tượng trên, PGS Bùi Quang Bình cho rằng, có nguyên nhân từ việc giám sát quản lý chưa tốt, trong khi, tài nguyên có sẵn, các đối tượng chỉ cần khai thác rồi đem bán thu tiền, thấy lợi thì ai cũng ham.

Chính vì thế việc xử lý mới gặp nhiều khó khăn, nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài, dư luận xã hội, người dân phản ánh, chính quyền địa phương mới biết", PGS.TS Bùi Quang Bình băn khoăn.

Có hiện tượng bảo kê, bao che?

Cùng quan điểm, LS Trương Xuân Tám cho biết, tình trạng khai thác cát trái phép đã diễn ra từ lâu, ở nhiều tỉnh thành. Số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động khai thác cát trộm rất khó có thể thống kê chính xác. Ở mỗi địa phương tình trạng khai thác cát trộm sẽ diễn ra khác nhau. Có địa phương rất nhiều, địa phương ít nhưng cũng có những địa phương ở nhiều thời điểm lại không xảy ra vụ nào.

Cá nhân ông cũng từng tham gia một vụ án doanh nghiệp từ Hải Phòng vào Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện hành vi khai thác cát trái phép và nhận thấy số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động này là rất lớn. Tất cả những trường khai thác cát, khai thác các loại tài nguyên, khoáng sản khác nếu không có giấy phép đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Kể cả những đối tượng đứng ra thu tiền, bảo kê cho các tàu khai thác cát trái phép cũng là phạm tội. Hành vi bảo kê trong khai thác cát cũng giống như các hình thức bảo kê ở các lĩnh vực khác đều được xét vào tội cưỡng đoạt tài sản thông qua các hình thức uy hiếp, dọa nạt, buộc các chủ tàu khai thác cát phải nộp tiền. Hiện tượng này cũng giống như bảo kê nghĩa trang, nhà hàng, dịch vụ mai táng...

Hành vi này nếu bị xử lý theo luật hình sự thì nhẹ là xử phạt hành chính có thể lên tới hàng tỷ đồng, nặng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, tịch thu số tiền thu lợi bất chính kể cả từ người đưa và người nhận để xung công quỹ.

Tuy nhiên, vị LS cho biết, lâu nay việc phát hiện, xử lý các hành vi phạm tội trong khai thác cát trái phép thường gặp nhiều khó khăn do các đối tượng phạm tội thường rất tinh vi, nhiều thủ đoạn. Bên cạnh đó, còn có sự bao che, bảo kê từ phía địa phương, khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

"Ở nhiều nơi, nhiều địa phương hoạt động khai thác cát trộm diễn ra khá công khai. Sự việc được dư luận, người dân phát hiện, phản ánh. Cả một con tàu khai thác cát với tải trọng lớn, nếu các cơ quan chức năng địa phương làm chặt chẽ chắc chắn sẽ phát hiện và ngăn chặn được.

Muốn ngăn chặn được tình trạng trên trước hết phải nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ quản lý.

Bên cạnh đó, điều tra, làm rõ hành vi bảo kê, bao che của cán bộ nếu có để xử lý thật nghiêm. Với những trường hợp nhận quà cáp để làm ngơ cho chủ tàu khai thác cát còn có thể xem đó là hành vi nhận hối lộ và phải bị xử lý theo đúng luật phòng chống tham nhũng", LS Trương Xuân Tám phân tích.

Vị LS cũng nhấn mạnh, không thể giải thích theo cách "không biết"; "không xử lý được". Các địa phương để xảy ra tình trạng khai thác cát trộm là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đầu tiên là trách nhiệm trong quản lý hành chính, sau nữa phải điều tra, truy cứu cả trách nhiệm của người đứng đầu đã buông lỏng quản lý, không hoàn thành trách nhiệm vụ.

Trong thời gian tới, ông Tám cho rằng ngoài việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục thì cần phải áp dụng chế tài nghiêm minh, kịp thời ngăn chặn , răn đe.

"Lợi ích từ khai thác cát là rất lớn, vì lợi ích lớn nên nhiều đối tượng đã bất chấp pháp luật, sẵn sàng đứng sau bảo kê cho các hoạt động phạm pháp. Do đó, nếu càng buông lỏng, thì hoạt động phạm pháp càng lan tràn.

Điều này không chỉ làm thất thoát tài nguyên mà còn có nguy cơ gây nguy hại cho môi trường, làm thay đổi dòng chảy, gây lũ lụt, sạt lở, đe dọa tới sự ổn định đời sống của người dân, cần phải ngăn chặn kịp thời", vị LS lo ngại.

An An

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cat-tac-thu-loi-23-ty-dong-phan-noi-tang-bang-chim-3426985/