Cát tặc lộng hành: Nghịch lý sửa nhà trong hẻm, hỏi ngay...

Cải tạo nhà trong hẻm, xảy ra sai sót là chính quyền biết ngay. Đằng này, tàu hút cát nghênh ngang giữa sông, làm gì có chuyện không ai biết?

Hiện tượng ''cát tặc" được... lờ đi?

Bàn tiếp về tình trạng cát tặc ngang nhiên lộng hành ở Hà Nội và nhiều địa phương khác, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng đang có sự nhùng nhằng.

Theo đó, xây dựng các đô thị, làm đường nhiều dẫn tới nhu cầu cát rất lớn. Trong khi đó, nhiều bãi cát do Bộ Xây dựng quản lý gần như trong tình trạng đóng cửa, cung ít cầu nhiều dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép, mà nhiều khi vì thế cũng khiến người ta lờ đi hoạt động này.

"Cát là tài nguyên nên Bộ TN-MT được giao quản lý, trong khi việc tính toán khối lượng cát như trên phải do Bộ Xây dựng thực hiện. Ở đây vai trò quan lý chưa được thực hiện tốt, cát nằm trên sông, ai cũng vào lấy đồ được. Cho nên, tàu lớn còn dễ bắt, tàu nhỏ lại rất khó khăn", GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT dẫn lại thông tin được đăng tải trên truyền hình, đó là việc hàng loạt container bán tải nhìn bề ngoài không khác gì những chiếc xe container thông thường nhưng bên trong thùng kín lại là cát lậu. Những chiếc xe này được độ chế với nhiều hệ thống thủy lực tinh vi nhằm ngụy trang giống như những chiếc xe chở hàng hóa thông thường. Chiêu trò này không những đã qua mắt được không ít chốt kiểm soát giao thông dọc đường mà còn giúp các đầu nậu kiếm được lợi nhuận không nhỏ khi chở quá tải tới hơn 100%.

"Chính yêu cầu phát triển đô thị dẫn tới nhu cầu cát lớn, từ đó thúc đẩy các hoạt động khai thác cát trái phép", ông nói.

Nạn cát tặc vẫn dai dẳng nhiều năm ở Hà Nội và nhiều địa phương. Ảnh minh họa: TTXVN

Nạn cát tặc vẫn dai dẳng nhiều năm ở Hà Nội và nhiều địa phương. Ảnh minh họa: TTXVN

Từng có ý kiến chống cát tặc bằng cách phát tiển cát nhân tạo, nghiền cát từ đá, nhưng theo nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Trọng Hồng, những cách đó là có nhưng chi phí đắt đỏ.

"Nếu làm đá nhân tạo thì chỉ có vốn nhà nước, tư nhân không làm dù có mong muốn bởi nếu họ nghiền đá thành cát lấy tiền đâu để trả, trừ khi Nhà nước trợ giá bằng giá cát sông.

Tương tự, việc nhập khẩu cát vừa đắt vừa không dễ dàng vì ngày càng nhiều quốc gia hạn chế xuất khẩu khoáng sản. Như Malaysia đã cấm hoàn toàn việc xuất khẩu cát khai thác từ biển do lo ngại hoạt động này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Việc xuất khẩu cát khai thác từ sông của nước này cũng cần phải có sự cho phép của Thủ tướng. Indonesia, Campuchia... cũng cấm xuất khẩu cát.

Nếu khai thác cát biển thì sẽ làm mất bãi ở biển, sóng lớn sẽ ập vào. Chỉ còn trông vào nguồn cát trên sông, nhưng muốn quản lý cho được thì phải quy hoạch xây dựng", GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích.

Mấu chốt là quản lý

Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Trần Xuân Đính, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam cho rằng cát là tài nguyên cần được khai thác hợp lý để phục vụ quốc kế dân sinh, nhưng khai thác thế nào, chỗ nào khai thác được, chỗ nào không, giám sát ra sao là trách nhiệm của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương.

Cũng theo ông Đính, việc khai thác cát sỏi diễn ra từ xưa đến nay, nhưng càng ngày công nghệ, kỹ thuật khai thác càng phát triển, nhiều phương tiện lớn, hiện đại được đưa vào xúc, hút cát và thực hiện ở cả những nơi đáng ra không được khai thác. Chính vì thế dẫn tới tình trạng cát bị khai thác quá đà, gây sụt lún, sạt lở hai bên sông và lòng sông, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ven sông và hạ du.

Để giải quyết cát tặc, theo Phó Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, vai trò chính vẫn là của chính quyền.

"Trong một xã, phường, người dân cải tạo nhà trong hẻm, sai sót một chút chính quyền đã biết ngay, làm sao việc nạo hút cát diễn ra nghênh ngang giữa sông mà không ai biết hay có biết cũng làm ngơ? Rõ ràng ở đây là vấn đề quản lý.

Cát là tài nguyên, chỉ có xúc hút lên và đem đi bán nên lợi nhuận cao. Việc người dân nghi ngờ có thỏa thuận, lợi ích nhóm ở phía sau tình trạng cát tặc lộng hành không phải là không có cơ sở và cần được làm rõ.

Còn việc xây dựng thì vẫn cứ phải xây, mà cát cũng chỉ là một phần nguyên liệu đi kèm. Cho nên, tôi cho rằng mấu chốt ở đây vẫn là vấn đề quản lý - chỗ nào được khai thác, chỗ nào không, khai thác là phải có giấy phép và giám sát việc khai thác đó. Cơ sở pháp lý để thực hiện việc này đã có, quan trọng là thực thi thế nào", ông Trần Xuân Đính nhấn mạnh.

Theo thống kê được đưa ra tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa qua, Hà Nội có 13 điểm khai thác cát trái phép trên địa bàn.

Tính đến tháng 11/2020, trên địa bàn thành phố có 14 giấy phép hoạt động, trong đó có 11 giấy phép do UBND thành phố cấp; 8 tổ chức được khai thác cát nổi còn thời hạn. Xác định trên các tuyến sông có 207 bãi tập kết khoáng sản đang hoạt động, trong đó có 57 bãi có thủ tục hoạt động, 150 bãi chưa có thủ tục hoạt động trên các địa bàn quận, huyện.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cat-tac-long-hanh-nghich-ly-sua-nha-trong-hem-hoi-ngay-3424083/