Cát tặc lộng hành, ai chịu trách nhiệm?

Hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép chỉ có thể diễn ra khi có đủ những điều kiện nhất định...

Tàu cát tặc khai thác cát trên sông Hồng qua huyện Phúc Thọ, Hà Nội

Mặc dù đã có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác cát trái phép, nhưng nạn cát tặc vẫn lộng hành ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước. Giải pháp nào xử lý triệt để tình trạng này?

TS. Lại Hồng Thanh

TS. Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ TN&MT:

Sẽ có Nghị định riêng quản lý cát, sỏi lòng sông

Quản lý cát, sỏi lòng sông có liên quan trực tiếp đến chức năng quản lý của nhiều bộ, ngành theo quy định của nhiều lĩnh vực khác nhau. Thực tế, hoạt động khai thác cát, sỏi thường ở các khu vực giáp ranh địa giới hành chính của hai hay nhiều tỉnh/thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương liên quan ở vùng giáp ranh, trong lập, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác cũng như khi cấp phép khai thác và thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Một số dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch có biểu hiện doanh nghiệp lợi dụng để khai thác cát, sỏi, hoạt động ngoài phạm vi dự án; thực hiện không đúng chuẩn tắc thiết kế, tác động xấu đến môi trường, sạt lở bờ sông; ảnh hưởng đất canh tác, sinh hoạt của người dân, gây bức xúc trong dư luận. Theo thống kê, đến năm 2017 hoạt động khi thác cát, sỏi trái phép vẫn còn diễn ra tại 20 tỉnh, thành phố gây thất thoát tài nguyên, thất thu thuế, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đồng thời làm mất trật tự, an ninh, tệ nạn xã hội.

Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với các hoạt động liên quan đến cát, sỏi lòng sông, đồng thời thống nhất nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương có liên quan, Bộ TN&MT đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định quản lý cát, sỏi lòng sông. Đây là lần đầu tiên, một loại khoáng sản (cát, sỏi lòng sông) được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật về khoáng sản nhưng vẫn có một Nghị định riêng để điều chỉnh. Theo đó, nội dung Nghị định sẽ thể chế hóa chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với loại tài nguyên khoáng sản này.

Cụ thể, Nhà nước thống nhất quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông theo quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước, pháp luật liên quan.

Thứ hai, Nhà nước quy hoạch sử dụng tài nguyên cát, sỏi theo lưu vực sông, đồng thời phân cấp gắn với trách nhiệm quản lý theo địa giới hành chính của các cấp chính quyền địa phương; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành liên quan.

Thứ ba, Nhà nước thống nhất quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông gắn với trách nhiệm UBND cấp tỉnh, các bộ, ngành liên quan từ khi lập quy hoạch; cấp phép thăm dò, khai thác cho đến tập kết, mua bán, vận chuyển cát, sỏi lòng sông... Dự kiến, Nghị định quản lý cát, sỏi lòng sông sẽ được Bộ TN&MT trường hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét ban hành trước ngày 30/7.

Ông Nguyễn Tử Quỳnh

Ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh:

Khó nhất là quản lý ở vùng giáp ranh

Trong công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp phép về hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, từ năm 2016, UBND tỉnh không cấp phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn.

Trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản hiện nay, cái khó nhất là công tác quản lý ở vùng giáp ranh vì mỗi địa phương có một phương thức quản lý riêng. Tôi cho rằng, chỗ nào địa phương đã có ý kiến đề nghị dừng cấp phép thì cơ quan quản lý cấp bộ nên dừng, tránh tình trạng để lại những hệ quả ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Từ Nam Thành

Ông Từ Nam Thành, PGĐ Sở GTVT tỉnh Đồng Nai:

Rà soát các dự án nạo vét, thông luồng trên sông

Trên địa bàn Đồng Nai trước đây có một số dự án nạo vét, thông luồng của Bộ GTVT và địa phương đang triển khai được cấp phép phải tạm dừng. Đến nay, Sở đang đề xuất rà soát, đánh giá 5 dự án, trong đó có 2 dự án của địa phương cấp phép và 3 dự án của Bộ GTVT cấp phép. Vừa qua (tháng 5), các doanh nghiệp được cấp phép thực hiện các dự án nạo vét thông luồng đã thắc mắc hợp đồng của họ vẫn còn hiệu lực và đề nghị xem xét lại việc tiếp tục được triển khai các dự án này.

Đối với các dự án đang tạm dừng thời gian qua Sở GTVT phối hợp với các sở ngành rà soát, cái nào phù hợp, đảm bảo vấn đề đúng theo quy cách, quy định thì tham mưu báo cáo cho UBND tỉnh, rồi giám sát quá trình thực hiện của doanh nghiệp. Đến nay, việc dừng hay bỏ luôn hoặc tiếp tục triển khai phải rà soát. Các dự án nào phù hợp nếu được tiếp tục triển khai thực hiện phải tuân thủ các quy định về công tác quản lý, môi trường (yêu cầu công bố thời gian, độ sâu nạo vét, không cho nạo vét vào ban đêm…) và các vấn đề liên tránh tình trạng lợi dụng khai thác cát tận thu gây ảnh hưởng đến người dân ven sông.

Đại tá Đỗ Thanh Bình

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng cục CSGT, Bộ Công an:

Phải có cơ chế quản lý đồng bộ

Hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép chỉ có thể diễn ra khi có đủ những điều kiện nhất định, cụ thể là: Thứ nhất, phải có phương tiện phù hợp (tàu hút, tàu cẩu, cuốc, tàu vận chuyển…), thứ hai là phải có địa điểm để hoạt động khai thác (khu vực trên sông nước có cát, sỏi), thứ 3 là phải có nơi để tiêu thụ cát, sỏi khai thác trái phép (các tổ chức, cá nhân đứng ra thu mua, tập kết, tiêu thụ cát, sỏi khai thác trái phép)…; nếu thiếu một trong các điều kiện trên thì khó có thể hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Như vậy, từ công tác quản lý hoạt động phương tiện (đóng mới, hoán cải, đăng ký, đăng kiểm) đến công tác quản lý đường thủy, quản lý cảng, bến, bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng… cần có cơ chế và sự quản lý chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật, không để có những sơ hở để đối tượng lợi dụng hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.

Để phòng ngừa và đấu tranh với hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, không một lực lượng độc lập nào trong thời gian ngắn có thể giải quyết được một cách triệt để, mà cần có sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, sự ủng hộ của chính quyền và người dân… phải từng bước xóa bỏ những nguyên nhân, điều kiện, những tồn tại, hạn chế và những sơ hở thiếu xót trong công tác quản lý, các văn bản pháp luật liên quan; trong đó lực lượng công an có vai trò nòng cốt trong công tác này.

Nhóm PV thực hiện

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/cat-tac-long-hanh-ai-chiu-trach-nhiem-d264399.html