Cắt quyền lợi vật chất đối với cán bộ về hưu bị kỷ luật

Cán bộ nghỉ hưu khi bị xử lý kỷ luật 'cảnh cáo', 'khiển trách', 'xóa tư cách chức vụ' còn phải chịu hệ quả kèm theo, như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng.

Đó là một trong những quy định đáng lưu ý của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức được các đại biểu thảo luận tại hội trường. Dự thảo luật được bàn ở hội trường Quốc hội sáng 24/10 và dự kiến thông qua trong kỳ họp này.

Một trong những quy định được quan tâm khi sửa đổi dự luật là việc xử lý vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

Theo đó, dự thảo luật quy định cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ phải chịu một trong những hình thức kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm) gắn với hệ quả pháp lý tương ứng.

Ông Vũ Huy Hoàng là một trong những trường hợp bị kỷ luật cách chức nguyên Bộ trưởng Công Thương. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Vũ Huy Hoàng là một trong những trường hợp bị kỷ luật cách chức nguyên Bộ trưởng Công Thương. Ảnh: Hoàng Hà.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết nhiều ý kiến tán thành bổ sung quy định về xử lý kỷ luật nói trên nhưng đề nghị quy định rõ trong luật hình thức kỷ luật phải đi kèm theo hệ quả pháp lý nhất định về vật chất, tinh thần.

Một số ý kiến khác đề nghị trong luật chỉ quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định cụ thể cả về hình thức kỷ luật.

Theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được quy định trong luật nguyên tắc chung; quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật và giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, hệ quả của hình thức xử lý để bảo đảm tính khả thi, linh hoạt khi triển khai thực hiện.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật lần này đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết.

Theo đó, đối với từng hình thức xử lý kỷ luật “cảnh cáo”, “khiển trách”, “xóa tư cách chức vụ” thì cán bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo, như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng.

Cũng theo ông Định, có ý kiến cho rằng cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu không còn là cán bộ, công chức nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Có ý kiến đề nghị tách quy định về nội dung này thành một điều riêng bảo đảm việc áp dụng các hình thức kỷ luật được minh bạch và thống nhất.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích tuy là xử lý đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng hành vi vi phạm bị xử lý xảy ra trong thời gian người đó đang còn công tác (đang là cán bộ, công chức) và vẫn còn trong thời hiệu xử lý theo quy định.

Do đó, việc quy định về vấn đề này trong Luật Cán bộ, công chức theo hướng áp dụng quy định của Luật Cán bộ, công chức đối với đối tượng khác (cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu) là phù hợp.

Hoài Vũ

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cat-quyen-loi-vat-chat-doi-voi-can-bo-ve-huu-bi-ky-luat-post1005204.html