Cắt giảm triệt để chi phí bất hợp lý

Tính đến tháng 3/2019 đã có đến 66% trong tổng số khoảng 10.000 doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ quan ngại về các khoản phí không chính thức. Và, mặc dù thời gian qua Bộ Tư pháp, các cơ quan chức năng đã nỗ lực loại bỏ tệ nạn này nhưng vẫn còn tới 58% DN thừa nhận phải trả loại phí này. Chính việc nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh…là một trong những nguyên nhân khiến không ít doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh, thậm chí là giải thể.

Đã có nhiều cuộc khảo sát chỉ ra mức độ nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh bằng các chi phí tuân thủ pháp luật. Đây là một trong những nguyên nhân khiến không ít DN phải ngừng kinh doanh, thậm chí là giải thể…

Phí không chính thức kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.

Phí không chính thức kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.

Phí không chính thức “hành” doanh nghiệp

Vấn đề trên được đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu ra khi bàn đến một số chi phí tuân thủ pháp luật hiện hành đang bộc lộ bất cập và sự thiếu hợp lý. Cụ thể, theo ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng CIEM, có các DN phản ánh thực tế phải chi ra các loại phí không chính thức để hoàn thiện một hồ sơ hành chính hoặc thủ tục kinh doanh. Điều này dẫn đến tệ tiêu cực là DN làm gì cũng nghĩ đến việc phải kẹp phong bì cho công chức. “Đã bao giờ chúng ta nghĩ đến chi phí mà DN phải bỏ ra khi tuân thủ một từ, một câu trong quy định mà chúng ta viết ra không?” – ông Hiếu đặt vấn đề đối với công tác soạn thảo văn bản pháp luật hiện hành.

Theo số liệu báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cung cấp, tính đến tháng 3/2019 đã có đến 66% trong tổng số khoảng 10.000 DN được khảo sát bày tỏ quan ngại về các khoản phí không chính thức. Và, mặc dù thời gian qua Bộ Tư pháp, các cơ quan chức năng đã nỗ lực loại bỏ tệ nạn này nhưng vẫn còn tới 58% DN thừa nhận phải trả loại phí này.

Đại diện một DN trong ngành ô tô phàn nàn, vì các quy định hiện nay yêu cầu phải gắn phù hiệu taxi, có hộp đèn chữ “taxi”, quy định về hộp đèn điện tử (12x30), niêm yết thông tin trên taxi,…đã gây phát sinh nhiều chi phí cho DN. Đó là chưa kể nhiều DN taxi phản ánh việc phải chờ đợi kéo dài trong quá trình chờ xin được cấp “phù hiệu taxi” để đưa việc kinh doanh vào hoạt động.

Rất may, theo ông Phan Đức Hiếu, quá trình cắt giảm các chi phí tuân thủ pháp luật về kinh doanh loại hình vận tải cũng đang trong quá trình sửa đổi, cụ thể là Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Dù chỉ là một lĩnh vực hết sức cụ thể về công nghiệp ô tô, nhưng ông Hiếu tin tưởng quá trình này đang bắt đầu để hạn chế các chi phí phát sinh đối với người dân, DN.

Theo ông Hiếu, hiện nay ngoài ngành ô tô thì có một số văn bản mới được ban hành cũng còn nhiều quy định gây chi phí thực thi rất lớn và không đáng có cho DN. Chẳng hạn như Nghị định 49/2018/NĐ-CP hiện hành khi quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp vẫn còn yêu cầu DN phải có văn phòng ổn định trong 2 năm, đảm bảo diện tích làm việc 8 m2/người. Đây là những bất hợp lý mà nhiều DN trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp phản ánh bức xúc thời gian qua.

Đừng để doanh nghiệp thêm gánh nặng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chi phí vẫn đang là gánh nặng đối với DN, người dân. Trước hết, đó là vấn đề số lượng hồ sơ hành chính về điều kiện kinh doanh còn rườm rà. Đi kèm còn có số lượng lớn các thông tư hướng dẫn, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản dưới luật với chất lượng chưa cao. Đó là chưa kể tình trạng, nhiều chính quyền cơ sở có các cách diễn giải khác nhau liên quan đến một thủ tục, quy định hành chính mà có trường hợp áp dụng kiểu gì cũng được. Chính các “lỗ hổng” luật pháp này lại tạo ra vấn nạn cán bộ, công chức thuộc các cơ quan quản lý nhà nước lợi dụng, thẩm quyền của mình để tư lợi và khi đó DN, người dân vẫn phải chi trả một khoản chi phí lớn.

Về vấn đề này, ông Lê Duy Bình – Giám đốc Công ty Economia Việt Nam chia sẻ, chi phí tuân thủ pháp luật của không ít lĩnh vực hiện nay thực sự là “gánh nặng” đối với không chỉ DN mà cả nền kinh tế. Ông Bình dẫn chứng báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) năm 2018 của WEF chỉ ra, kinh tế Việt Nam chỉ được chấm 3,1/7,0 điểm, xếp thứ 96/140 nền kinh tế về chỉ số gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật. Ngay cả xét trong nội khối ASEAN thì đây cũng là chỉ số rất thấp và thể hiện năng lực cạnh tranh rất đáng báo động.

Ông Bình đề xuất, Bộ Tư pháp trong vai trò là cơ quan thẩm định các văn bản pháp luật thì phải hướng dẫn chi phí tuân thủ, phương thức cắt giảm,…đối với các loại chi phí bất cập hiện nay và không để tình trạng các thủ tục hành chính phiền nhiễu, gây chi phí lớn cho DN, người dân.

Vì những lý do trên, các kiến nghị của DN chia sẻ, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức mà đạo đức, trách nhiệm công vụ vẫn chưa cao. Cùng với đó, chế tài, cơ chế xử lý vẫn chưa thật nghiêm minh, dẫn đến những biểu hiện nhũng nhiễu. Do đó, thời gian tới Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chương trình hành động cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho DN. Trong đó, nhất thiết phải đặt ra yêu cầu đối với các bộ, ngành, địa phương phải cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý, đẩy lùi và ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho DN, người dân.

Trước vấn đề trên, ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, theo lộ trình thì cơ quan này sẽ có các văn bản đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương tích cực, khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ, giải nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho các DN, mục tiêu là góp phần nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật.

Ông Sơn cũng đề nghị chính quyền các địa phương cũng nên chủ trọng để ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; công khai minh bạch thông tin trên website cơ quan chính quyền; thường xuyên đối thoại, nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng DN. Đây là nền tảng để giảm bớt các nhũng nhiễu đối với DN thời gian vừa qua.

Lê Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tai-chinh/cat-giam-triet-de-chi-phi-bat-hop-ly-tintuc434828